Báo Pháp Luật TPHCM,
Cần ấn định thời gian ban hành luật để công dân thực hiện các quyền hiến định của mình.
Ngày 31-1, Trường ĐH Luật TP.HCM đã tổ chức hội nghị góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992 với hàng trăm ý kiến của các cán bộ, giảng viên nhà trường. Trong đó nội dung liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nhận được rất nhiều sự quan tâm thảo luận.
Thu hẹp điều kiện giới hạn
Nhiều ý kiến đề nghị HP sửa đổi cần thu hẹp điều kiện giới hạn các quyền con người.
Theo phân tích của TS Nguyễn Thị Phương Hoa, quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng.” như trong dự thảo (khoản 2 Điều 15) là quá rộng. “Quyền con người, quyền công dân là những quyền rất thiết thân và thiêng liêng. Vì vậy điều kiện giới hạn phải rất xác đáng” - TS Hoa nêu quan điểm.
TS Đỗ Minh Khôi cũng cho rằng quyền con người là tối thượng nên phải rất thận trọng khi giới hạn các quyền liên quan. Trong khi đó, PGS-TS Phan Huy Hồng cho hay HP của nhiều nước cho thấy quyền con người bị giới hạn thường chỉ với hai trường hợp liên quan đến lý do an ninh quốc gia (bao gồm cả quốc phòng) và trật tự xã hội. TS Trần Hoàng Hải cũng đề xuất chỉ nên giới hạn trong điều kiện đặc biệt liên quan đến an ninh quốc gia, còn các trường hợp khác là không cần thiết.
PGS-TS Trương Đắc Linh nhấn mạnh quyền của công dân không phải là sự ban phát của Nhà nước mà đó là quyền thực sự của người dân và phải được thực hiện trên thực tế. Ảnh: MC
Ở một khía cạnh khác, TS Đỗ Minh Khôi cho rằng nên thêm một khoản vào Điều 15, quy định về một số quyền tuyệt đối không bị giới hạn, nhất là đối với các quyền thiêng liêng như quyền sống, quyền tự do tư tưởng,…
PGS-TS Trương Đắc Linh nhìn nhận: Dự thảo hiện nay mới chỉ nêu điều kiện giới hạn quyền con người, quyền công dân mà không nêu rõ chủ thể và phương thức giới hạn cụ thể. PGS Linh đề nghị phải nói rõ là việc giới hạn này bằng luật hay pháp luật.
Ấn định thời gian ban hành luật
Liên quan đến vấn đề đảm bảo thực hiện các quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong dự thảo, nhiều ý kiến cho rằng nên do “luật định” chứ không nên “theo quy định của pháp luật”. Điều này sẽ phù hợp với khoản 2 Điều 20 dự thảo: “Quyền và nghĩa vụ công dân do HP và luật quy định”.
Theo các chuyên gia, chỉ có cơ quan quyền lực cao nhất do dân bầu ra (Quốc hội) mới có đủ thẩm quyền điều chỉnh những vấn đề liên quan đến việc đảm bảo thực hiện quyền con người, quyền cơ bản công dân. Cụ thể, đối với khoản 2 Điều 23 “việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác do pháp luật quy định” đổi lại là “do luật định”. Cũng như thế, với quy định “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật” nên đổi lại là “theo luật định” (Điều 26).
Có ý kiến cho rằng nếu liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia thì cần phải theo “quy định của pháp luật”, nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan liên quan nắm bắt tình hình chứ luật khó điều chỉnh cụ thể. Ý kiến phản bác lại quan điểm này đề nghị nên nâng chất hoạt động xây dựng luật để điều chỉnh vấn đề trên chứ không phải vì thế mà quy định “theo pháp luật”.
Các ý kiến cũng nhấn mạnh: Điều quan trọng hơn nữa là cần có cơ chế đảm bảo sự thực thi các quyền này trên thực tế. Theo TS Đỗ Minh Khôi, điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng vì quy định mà chỉ nằm trong HP, không cho cơ chế thực hiện thì ảnh hưởng rất lớn đến giá trị của HP. PGS Trương Đắc Linh đề xuất cần ấn định luôn trong HP, thời gian ban hành luật (là bao lâu) để các quyền hiến định được thực hiện trong thực tế. Điều này cần phải bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức quyền của công dân không phải là sự ban phát của Nhà nước, Nhà nước thích thì cho thực hiện, không thì thôi mà đó là quyền thực sự của người dân và phải được thực hiện trên thực tế.
Không nên bỏ quy định về việc bắt người
ThS Nguyễn Thanh Minh đề nghị thêm vào khoản 1 Điều 22 nội dung: “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của TAND, quyết định hoặc phê chuẩn của VKSND, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật”. Đây là quy định tại Điều 71 của HP hiện hành nhưng đến dự thảo sửa đổi HP đã không còn. Theo ThS Minh, nên giữ lại quy định này nhằm đảm bảo việc bắt giữ người theo đúng quy định của HP và luật. Còn ThS Lưu Đức Quang thì đề nghị bổ sung ngắn gọn rằng: “Việc bắt và giam giữ người theo luật định”.
Sắp xếp hợp lý hơn
Ngày 31-1, Ban Pháp chế HĐND TP.HCM đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi HP 1992. Ông Nguyễn Minh Luận, thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết trong dự thảo sửa đổi HP quy định công dân có “quyền được bào chữa và quyền tự bào chữa”. Các quyền này lại không nằm trong Chương II về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân” mà nằm trong Chương VIII về “Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân” là chưa hợp lý. Theo ông Luận, quyền được bào chữa và quyền tự bào chữa là những quyền con người đương nhiên, nên sắp xếp ở chương II mới hợp lý.
GIANG THANH
|
MINH CƯỜNG
Nhận xét
Đăng nhận xét