Trần Hữu Hiệp
Đồng Tháp có sản lượng lúa thứ 3 cả nước, là tỉnh đi tiên phong việc
xây dựng đề án tái cơ cấu nông nghiệp để giải quyết những “điểm nghẽn” trong nông nghiệp, sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, manh mún, thiếu kết nối với thị trường tiêu thụ. Với kế hoạch
hình thành khoảng 10.000 héc ta đất chuyên canh lúa theo mô hình cánh đồng lớn
(CĐL), Đồng Tháp đã dọn đường cho vốn ODA Hàn Quốc vào đồng lúa xứ này.
Cánh đồng lớn ở ĐBSCL |
Ý tưởng đóng cừ sạn,
phá bờ thửa, mở rộng ruộng lúa đã nảy sinh nhiều năm qua. Nó được khẳng định
qua thực tiễn xây dựng cánh đồng mẫu lớn, rồi CĐL và cánh đồng liên kết. Cái
hay của những cánh đồng này là không chỉ tạo
điều kiện tốt sử dụng giống mới, cơ giới hóa và thủy lợi hóa, tiết kiệm chi phí
sản xuất, đảm bảo khâu thu hoạch, chế biến, mà chính là tăng cường liên kết nông dân làm ăn lớn, gắn sản xuất với tiêu thụ, nâng cao giá trị hạt gạo.
Đã có nhiều nghiên cứu về CĐL. Mô
hình này trở thành “nguồn cung thực tiễn” sinh động để các cơ quan Trung ương
và địa phương hoạch định cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện. Lần
này, một nguồn lực mới - vốn ODA đang chuẩn bị khơi thông, tiếp tục tạo ra
nhiều kỳ vọng mới.
Tuy nhiên, thực tiễn vừa qua ở ĐBSCL
cho thấy sản xuất lúa gạo trong CĐL còn tồn tại nhiều bất ổn. Chuyện
“bẻ kèo” khi thị trường có biến động đã diễn ra ở cả 2 phía doanh nghiệp (DN)
lẫn nông dân mà bên thiệt hại không thể làm gì được. DN đầu tư, ứng giống
cho nông dân khi bị “xé hợp đồng” không biết kêu ai. Ngược lại, giá gạo xuống
thấp, DN không mua lúa, nông dân chỉ biết “kêu trời”.
Trong bối cảnh đó, vốn ngoại vào ruộng
đồng miền Tây, không chỉ là kỳ vọng, cơ hội, mà còn là thách thức. Cơ hội và thách thức trước “nông dân bốn bước” - bước lên,
bước xuống, bước ra, bước vào liên kết hợp tác làm giàu. Yêu cầu “nông nghiệp
bốn đúng” - đúng lượng, đúng chất, đúng thời điểm, đúng giá trị nông sản.
Những thách thức và vướng mắc từ CĐL vượt
ngoài tầm nỗ lực của nông dân và DN. Nó đang đòi hỏi sự chuyển đổi căn bản,
toàn diện và cần những cải cách mạnh mẽ hơn nữa, đồng bộ hơn nữa liên quan đến
đất đai, quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, bước chuyển từ nông hộ nhỏ lẻ là
“cổ đông” của CĐL. Cùng với việc phá bờ thửa hình thành bờ mẫu lớn cho CĐL, cần
phá bỏ những rào cản, cởi trói cho ruộng đồng.
Nhận xét
Đăng nhận xét