Huỳnh Kim
(TBKTSG Xuân) - Bạn nhắn
tin nói sắp nghỉ hưu rồi, hãy chia sẻ những lo âu, háo hức khi bước qua tuổi
sáu mươi, những suy nghĩ về cuộc đời, chuẩn bị cho một cuộc sống khác của
mình...
1. Tuổi hai mươi, một ngày cuối tháng 11-1976, tạm biệt Sài Gòn, tôi nhập
ngũ. Bài thơ đầu tiên viết về mẹ mong manh hiện thực, tôi ghi vào nhật ký: Sanh
con ra. Có bao giờ mẹ mong con trở thành người lính. Đi vào những cuộc chiến
tranh. Nhưng khi con khấp khởi trưởng thành. Mẹ lại bùi ngùi động viên con nhập
ngũ. Biên giới Tây Nam đất nước. Rục rịch chiến tranh.
Những năm sau 1980, buổi dấn thân của thời trai trẻ, đất nước điêu linh hai
đầu đánh giặc, có những giá trị cuộc sống đảo lộn. Tôi chép vào sổ tay bài thơ
Trượt giá: Đồng tiền mất giá trượt dài như hòn đá lăn ào xuống vực. Trớ trêu là
đá lao xuống còn tiền lại lao lên. Khái niệm “trượt” ta quen dùng như một trò
chơi chữ độc ác thông minh. Chiều qua phà Cần Thơ anh lại nghe người ăn xin mù
hát buồn đau câu vọng cổ. Và mười đồng của ai cho rơi vào chiếc xô nhôm như một
tiếng thở dài. Mười đồng này ai trượt giá cho ai? Về bến xe miền Tây giữa mưa
khuya nhòa ánh điện. Cô gái nào níu kéo ba lô. Anh bộ đội đi theo em nghỉ.
Không trượt đâu vẫn giá giang hồ. Buốt giá trong lòng chợt nhớ buổi chia tay.
Em so sánh giá củ khoai lang lúc bấy giờ và năm ngoái. Rất bình tĩnh lạnh lùng
nhìn anh em nói. Trượt giá hết rồi kể cả tình yêu. Anh không tin đâu. Dù lòng
vẫn đau nhiều.
Số phận là gì, câu hỏi dằn vặt lương tâm. Tôi tự nhủ: Trung thực và thông
minh. Chưa đủ. Phải hành động. Số phận con người? Đừng đứng gần bức tường sắp
đổ. Ta giãi bày cùng em và chờ đợi. Em thông minh cũng chờ đợi giãi bày. Tự
giao ước hiểu nhau là đủ. Bỗng chia ly cô độc ở cuối ngày. Cái lỗi không phải
vì mỗi ngày có những giây phút cuối. Ta yêu nhau hay ta chỉ yêu ta. Ta khép kín
tâm hồn ta lại. Cái trung thực nằm lòng rồi cũng phôi pha. Em nuối tiếc còn ta
ân hận. Gõ cửa lương tâm thì nước đã qua cầu. Khi bừng tỉnh lương tâm là số
phận. Trắc trở làm sao ta lại bắt đầu.
Một ngày đầu tháng 8-1989, tôi thấm thía hai chữ mong manh sau một lần lau
khẩu súng AK trước ngày cùng quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia về nước.
Tôi lại chép vào nhật ký bài thơ Mong manh: Có những lúc ngồi lau súng. Ngẫm
nghĩ về hòa bình vợ con cuộc sống. Ngẫm nghĩ về điếu thuốc rê. Ngẫm nghĩ về
Dostoievski. Chợt thấy thương mình vô hạn. Phải nhắm một con mắt. Nhìn thấu từ
đầu nòng vào ổ đạn. Kiểm tra kết quả thông nòng. Chợt nghĩ lòng vòng. Viên đạn
xuyên qua người có thể chết. Bài thơ xuyên qua người có thể hồi sinh. Nghịch lý
là. Khi đón một sứ giả hòa bình. Ta thường nã lên trời nhiều loạt đại bác. Có
những bài thơ tuyệt tác. Lại viết về chiến tranh. Hình như cái gì cũng dễ là
mong manh. Nếu ngẫm nghĩ khi ngồi lau súng.
2. Tết Bính Thân này tôi tròn tuổi sáu mươi. Thấy trên tờ lịch cuối năm
31-12-2015 có in lời văn hào Nga Lep Tolstoi: “Đọc một quyển sách tốt chẳng
khác gì trò chuyện với người thông minh”, lại muốn đi sắm thêm cái võng để đong
đưa với sách. Lại muốn rủ thằng con đi mua thêm cá bảy màu về thả vào chậu sen.
Lại muốn rủ vợ đi mua thêm mấy bụi phong lan (loại ba bốn chục ngàn một bụi) về
hì hục chăm sóc. Rồi lại muốn gặp lại một người bạn gái... Ham muốn đủ thứ,
những ham muốn mà hồi đầu năm chưa xuất hiện nhiều.
Trời đất, có lúc ngồi hàng giờ ngắm cá bảy màu lội tới, lội lui trong cái
chậu sen mà lòng không chán. Sao chẳng nghe chúng nó nói gì, chẳng hiểu cái thế
giới đầy sắc màu kia có tình bạn hay không. “Khủng khiếp” nhất là lần đầu tiên
phát hiện một bầy cá con li ti líu ríu bơi bên những con cá lớn. Không biết
chúng sanh ra từ lúc nào mà đông quá vậy và cũng không biết “má” của chúng nó
là ai trong đám cá lớn kia. Thằng con trai mới cưới vợ hỏi vậy rồi chúi mũi vào
chậu sen đi tìm cá mẹ. Lại có bữa sớm mai thức dậy chợt nhìn thấy một mầm lan
tí tẹo nhú lên chỗ nách lá phong lan, bụng dạ mừng rơn chạy đi thông báo với vợ
con...
Đùng một cái ông bạn cựu chiến binh hàng xóm hỏi về hưu có làm gì thêm để
sống không. Ổng hỏi vì biết lương hưu sẽ bèo lắm do sau 20 năm tại ngũ tôi
không chuyển ngành mà ký hợp đồng làm lại từ đầu. Thế là lại lòng vòng lo nghĩ.
Rồi lại tự nhủ, sức khỏe tuổi già là trên hết. Được nghỉ hưu là nhẹ nhàng rồi
vì công việc đã ra đi.
Tôi hay lan man nghĩ cuộc sống con người ta thường chứa nhiều ham muốn, mà
trong công việc thì ham muốn được nuôi dưỡng nhiều hơn. Mà ham muốn đủ thứ, ham
muốn quá sức lại dễ sa vào khổ lụy, phức tạp, đối kháng, mong manh. Mong manh
thiện - ác, mong manh tốt - xấu, mong manh được - mất...
Và khó nhất là đối diện với mong manh. Vì nó ở trong lòng mình.
Vào tuổi sáu mươi, đối diện với mình, tôi thơ thẩn chiêm nghiệm cuộc sống
như vầy: Khó nhất là đối diện với chính mình. Để tự hiểu mình đang sống trong
từng sát-na cuộc sống. Mình đừng làm cho ai phiền lòng vì ham muốn. Dẫu chỉ là
những ham muốn phiêu bồng được sẻ chia. Được nghe được nhìn được im lặng tiễn
đưa.
Thế giới nội tâm của người bạn nhỏ. Thế giới vị tha của loài hoa cỏ. Thế
giới trật tự dạt dào của dòng sông.
Chợt nhớ rằng mình đang sống giữa hư không. Mà trong đó có những sóng âm
thanh vi diệu. Của tình thương của tấm lòng đồng điệu. Sâu sắc ân cần nhè nhẹ
sẻ chia..
Nhận xét
Đăng nhận xét