Hồ Đình Vũ
Có nhiều nơi ở miền Nam mình đã đi qua, đã ở đó, đã nghe
nói tới hoặc đã đọc được ở đâu đó… riết rồi những địa danh đó trở thành quen
thuộc; nhưng chắc ít khi mình có dịp tìm hiểu tại sao nó có tên như vậy?
Bài viết này được hình thành theo các tài liệu từ một số
sách cũ của các học giả miền Nam: Vương Hồng Sển, Sơn Nam và cuốn Nguồn Gốc Địa
Danh Nam Bộ của Bùi Đức Tịnh, với mục đích chia sẻ những hiểu biết của các tiền
bối về tên gọi một số địa phương trên quê hương mình.
Xin mời các bạn cùng
tham khảo và đóng góp ý kiến từ các nguồn tài liệu khác – để đề tài này được đầy
đủ và phong phú hơn.
Buôn có bạn, bán có phường |
1 Tên do địa hình, địa thế:
Bắt đầu bằng một câu
hát dân gian ở vùng Ba Tri, tỉnh Bến Tre:
“Gió đưa gió đẩy,/về rẫy ăn
còng,/về bưng ăn cá,/về giồng ăn
dưa…”
Giồng
là chỗ đất cao hơn
ruộng, trên đó nông dân cất nhà ở và trồng rau, đậu, khoai củ cùng một số loại
cây ăn trái. Bởi vậy nên mới có bài hát: “trên đất giồng mình trồng khoai
lang…”
Một con giồng có thể bao gồm một hay nhiều xã. Ở Bến Tre,
Giồng Trôm đã trở thành tên của một quận (huyện).
Lại nhắc đến một câu hát khác:
“Ai dzìa Giồng Dứa qua truông/Gió rung bông sậy, bỏ buồn cho em…”
Giồng Dứa ở Mỹ Tho,
khoảng từ chỗ qua khỏi ngã ba Trung Lương đến cầu Long Định, ở bên phải quốc lộ
4 là Giồng Dứa. Sở dĩ có tên như thế vì vùng này ở hai bên bờ sông có nhiều cây
dứa. (Dứa đây không phải là loại cây có trái mà người miền Nam gọi là thơm,
khóm. Đây là loại cây có lá gai dáng như lá thơm nhưng to hơn và dày hơn, màu
xanh mướt. Lá này vắt ra một thứ nước màu xanh, có mùi thơm dùng để làm bánh, đặc
biệt là bánh da lợn).
Vừa rồi có nhắc đến truông, hồi xưa về Giồng Dứa thì phải
qua truông, vậy truông là gì?
Truông
là đường xuyên ngang một khu rừng, lối đi có sẵn nhưng hai
bên và phía trên đầu người đi đều có thân cây và cành lá bao phủ. Ở vùng Dĩ An
có truông Sim. Ở miền Trung, thời trước có truông nhà Hồ.
“Thương em anh cũng
muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ
phá Tam Giang”
Tại sao lại có câu ca dao này?
Ngày xưa truông nhà Hồ thuộc vùng Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị,
còn gọi là Hồ Xá Lâm. Nơi đó địa hình trắc trở, thường có đạo tặc ẩn núp để cướp
bóc nên ít người dám qua lại.
Phá
là lạch biển, nơi hội ngộ của các con sông trước khi đổ ra
biển nên nước xoáy, sóng nhiều thường gây nguy hiểm cho thuyền bè. Phá Tam
Giang thuộc tỉnh Thừa Thiên, phía bắc của phá Tam Giang là sông Ô Lâu đổ ra biển,
phía nam là sông Hương đổ ra cửa Thuận An.
Bàu
là nơi đất trũng, mùa mưa nước khá sâu nhưng mùa nắng chỉ
còn những vũng nước nhỏ hay khô hẳn. Khác với đầm, vì đầm có nước quanh năm. Ở
Sài Gòn, qua khỏi Ngã Tư Bảy Hiền chừng 1 km về hướng Hóc Môn, phía bên trái có
khu Bàu Cát. Bây giờ đường xá được mở rộng, nhà cửa xây rất đẹp nhưng mùa mưa vẫn
thường bị ngập nước. Ở Long Khánh có Bàu Cá, Rạch Giá có Bàu Cò.
Đầm
chỗ trũng có nước quanh năm, mùa mưa nước sâu hơn mùa nắng,
thường là chỗ tận cùng của một dòng nước đổ ra sông rạch hoặc chỗ một con sông
lở bờ nước tràn ra hai bên nhưng giòng nước vẫn tiếp tục con đường của nó. Ở Cà
Mau có Đầm Dơi, Đầm Cùn. Ở quận 11 Sài Gòn có Đầm Sen, bây giờ trở thành một
trung tâm giải trí rất lớn.
Bưng
từ gốc Khmer là bâng, chỉ chỗ đất trũng giữa một cánh đồng,
mùa nắng không có nước đọng, nhưng mùa mưa thì ngập khá sâu và có các thứ lác,
đưng… mọc. Mùa mưa ở bưng thường có nhiều cá đồng.
“…về bưng ăn cá, về giồng ăn dưa”.
Ở Ba Tri, tỉnh Bến Tre, có hai bưng là Bưng Trôm và Bưng Cốc.
Láng
chỗ đất thấp sát bên đường nước chảy nên do nước tràn lên
làm ngập nước hoặc ẩm thấp quanh năm. Ở Đức Hòa (giữa Long An và Sài Gòn) có
Láng Le, được gọi như vậy vì ở láng này có nhiều chim le le đến kiếm ăn và đẻ.
Vùng Khánh Hội (quận 4 Sài Gòn) xưa kia được gọi là Láng Thọ vì có những chỗ ngập
do nước sông Sài Gòn tràn lên. Người Pháp phát âm Láng Thọ thành Lăng Tô, một địa
danh rất phổ biến thời Pháp thuộc.
Trảng
chỗ trống trải vì
không có cây mọc, ở giữa một khu rừng hay bên cạnh một khu rừng. Ở Tây Ninh có
Trảng Bàng, địa danh xuất phát từ một cái trảng xưa kia có nhiều cỏ bàng vì ở
vùng ven Đồng Tháp Mười. Ở Biên Hòa có Trảng Bom, Trảng Táo.
Đồng
khoảng đất rất rộng lớn bằng phẳng, có thể gồm toàn ruộng,
hoặc vừa ruộng vừa những vùng hoang chưa khai phá. Một vùng trên đường từ Gia Định
đi Thủ Đức, qua khỏi ngã tư Bình Hòa, trước kia toàn là ruộng, gọi là Đồng Ông
Cộ. Ra khỏi Sài Gòn chừng 10 km trên đường đi Lái Thiêu có Đồng Chó Ngáp, được
gọi như thế vì trước kia là vùng đất phèn không thuận tiện cho việc cày cấy, bị
bỏ hoang và rất vắng vẻ, trống trải. Ở Củ Chi có Đồng Dù, vì đã từng dược dùng
làm nơi tập nhảy dù. Và to, rộng hơn rất nhiều là Đồng Tháp Mười.
Hố
chỗ đất trũng, mùa nắng khô ráo nhưng mùa mưa có nơi nước lấp
xấp. Ở Củ Chi có Hố Bò, vì bò nuôi trong vùng thường đến đó ăn cỏ. Biên Hòa có
Hố Nai, là nơi những người Bắc đạo Công Giáo di cư năm 1954 đến lập nghiệp, tạo
thành một khu vực sầm uất.
2 Tên bắt nguồn từ
tiếng Khmer
Miền Nam, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, người
Việt và người Khmer sống chung với nhau,văn hóa đã ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.
Điều đó biểu hiện rõ nét qua một số địa danh. Một số nơi, tên gọi nghe qua thì
rất Việt Nam nhưng lại bắt nguồn từ tiếng Khmer; người Việt đã Việt hóa một
cách tài tình.
Cần Thơ
Khi đối chiếu địa danh Cần Thơ với tên Khmer nguyên thủy của
vùng này là Prek Rusey (sông tre), không thấy có liên quan gì về ngữ âm, người
nghiên cứu chưa thể vội vàng kết luận là Cần Thơ là một địa danh hoàn toàn Việt
Nam và vội đi tìm hiểu căn cứ ở các nghĩa có thể hiểu được của hai chữ Hán Việt
“cần” và “thơ”. Cần Thơ không phải là từ Hán Việt và không có nghĩa. Nếu dò tìm
trong hướng các địa danh Việt hóa, người nghiên cứu có thể thấy ngữ âm của Cần
Thơ rất gần với ngữ âm của từ Khmer “kìntho”, là một loại cá hãy còn khá phổ biến
ở Cần Thơ, thông thường được gọi là cá sặc rằn, nhưng người ở Bến Tre vẫn gọi
là cá “lò tho”. Từ quan điểm vững chắc rằng “lò tho” là một danh từ được tạo
thành bằng cách Việt hóa tiếng Khmer “kìntho”,người nghiên cứu có thể sưu tầm
các tài liệu về lịch sử dân tộc, về sinh hoạt của người Khmer xa xưa trong địa
phương này, rồi đi đến kết luận là địa danh Cần Thơ xuất phát từ danh từ Khmer
“kìntho”.
Mỹ Tho
Trường hợp Mỹ Tho cũng tương tự. Sự kết hợp hai thành tố có
ngữ âm hoàn toàn Việt Nam, “mỹ” và “tho”, không tạo nên một ý nghĩa nào theo
cách hiểu trong tiếng Việt. Những tài liệu thích ứng về lịch sử và sinh hoạt của
người Khmer trong vùng thời xa xưa đã xác định địa phương này có lúc đã được gọi
là “Srock Mỳ Xó” (xứ nàng trắng). Mình gọi là Mỹ Tho, đã bỏ đi chữ Srock,chỉ
còn giữ lại Mỳ Xó thôi.
Sóc Trăng
Theo cố học giả Vương Hồng Sển, đúng ra phải gọi là Sốc
Trăng. Sốc Trăng xuất phát từ tiếng Khmer “Srock Khléang”. Srock có nghĩa là xứ,
cõi. Khléang là kho chứa vàng bạc của vua. Srock Khléang là xứ có kho vàng bạc
nhà vua. Trước kia người Việt viết là Sốc Kha Lăng, sau nữa biến thành Sốc
Trăng.Tên Sốc Trăng đã có những lần bị biến đổi hoàn toàn. Thời Minh Mạng, đã đổi
lại là Nguyệt Giang tỉnh, có nghĩa là sông trăng (sốc thành sông, tiếng Hán Việt
là giang; trăng là nguyệt). Đến thời ông Diệm, lại gọi là tỉnh Ba Xuyên,châu
thành Khánh Hưng. Bây giờ trở lại là Sóc Trăng.
Bãi Xàu
Bãi Xàu là tên một quận thuộc tỉnh Sóc Trăng. Đây là một quận
ven biển nên có một số người vội quyết đoán, cho rằng đây là một trường hợp sai
chính tả, phải gọi là Bãi Sau mới đúng. Thật ra, tuy là một vùng bờ biển nhưng
Bãi Xàu không có nghĩa là bãi nào cả. Nó xuất phát từ tiếng Khmer “bai xao” có
nghĩa là cơm sống. Theo truyền thuyết của dân địa phương, có địa danh này là vì
nơi đây ngày trước, một lực lượng quân Khmer chống lại nhà Nguyễn đã phải ăn
cơm chưa chín để chạy khi bị truy đuổi.
Kế Sách
Kế Sách cũng là một quận của Sóc Trăng. Kế Sách nằm ở gần cửa
Ba Thắc (một cửa của sông Cửu Long), phần lớn đất đai là cát do phù sa sông Hậu,
rất thích hợp cho việc trồng dừa và mía. Cát tiếng Khmer là K’sach, như vậy Kế
Sách là sự Việt hóa tiếng Khmer “k’sach”.
Một số địa danh
khác:
Cái Răng (thuộc Cần Thơ) là sự Việt hóa của “k’ran”, tức cà
ràn, là một loại bếp lò nấu bằng củi, có thể trước kia đây là vùng sản xuất hoặc
bán cà ràn.
Trà Vinh xuất phát từ “prha trapenh” có nghĩa là ao linh
thiêng.
Sông Trà Cuông ở Sóc Trăng do tiếng Khmer “Prek Trakum”, là
sông rau muống (trakum là rau muống).
Sa Đéc xuất phát từ “Phsar Dek”, phsar là chợ, dek là sắt.
Tha La, một địa danh nổi tiếng ở Tây Ninh (Tha La xóm đạo),
do tiếng Khmer “srala”, là nhà nghỉ ngơi, tu dưỡng của tu sĩ Phật giáo.
Cà Mau là sự Việt hóa của tiếng Khmer “Tưck Khmau”, có
nghĩa là nước đen.
3 Địa danh do công dụng
của một địa điểm hay do một khu vực sinh sống làm ăn.
Đây là trường hợp phổ biến nhất trong các địa danh. Theo
thói quen, khi muốn hướng dẫn hay diễn tả một nơi chốn nào đó mà thuở ban đầu
chưa có tên gọi,người ta thường hay mượn một điểm nào khá phổ biến của nơi đó,
như cái chợ cái cầu và thêm vào một vào đặc tính nữa của cái chợ cái cầu đó;
lâu ngày rồi thành tên, có khi bao trùm cả một vùng rộng lớn hơn vị trí ban đầu.
Chợ
Phổ biến nhất của các địa danh về chợ là chợ cũ, chợ mới,
xuất hiện ở rất nhiều nơi. Sài Gòn có một khu Chợ Cũ ở đường Hàm Nghi đã trở
thành một địa danh quen thuộc. Chợ Mới cũng trở thành tên của một quận trong tỉnh
An Giang. Kế bên Sài Gòn là Chợ Lớn, xa hơn chút nữa là Chợ Nhỏ ở Thủ Đức. Địa
danh về chợ còn được phân biệt như sau:
– Theo loại hàng được bán nhiều nhất ở chợ đó từ lúc mới có
chợ, như: Chợ Gạo ở Mỹ Tho, Chợ Búng (đáng lý là Bún) ở Lái Thiêu, Chợ Đệm ở
Long An, Chợ Đũi ở Sài Gòn.
– Theo tên người sáng lập chợ hay chủ chợ (độc quyền thu
thuế chợ), như: chợ Bà Chiểu, chợ Bà Hom, chợ Bà Quẹo , chợ Bà Rịa.
– Theo vị trí của chợ, như: chợ Giữa ở Mỹ Tho, chợ Cầu (vì
gần một cây cầu sắt) ở Gò Vấp, chợ Cầu Ông Lãnh ở Sài Gòn.
Xóm
là một từ để phân biệt một khu vực trong làng hay một địa
phương lớn hơn, về mục tiêu sản xuất, thương mại hay chỉ đơn thuần về vị trí.
Đơn thuần về vị trí, trong một làng chẳng hạn, có Xóm Trên,
Xóm Dưới, Xóm Trong, Xóm Ngoài, Xóm Chùa, Xóm Đình…
Về các mục tiêu sản xuất và thương mại, ngày nay cách phân
biệt các xóm chỉ còn ở nông thôn mà không còn phổ biến ở thành thị.
Những địa danh còn sót lại về xóm ở khu vực Sài Gòn, Chợ Lớn:
vùng phụ cận chợ Bà Chiểu có Xóm Giá, Xóm Gà. Gò Vấp có Xóm Thơm. Quận 4 có Xóm
Chiếu. Chợ Lớn có Xóm Than, Xóm Củi, Xóm Vôi, Xóm Trĩ (Trĩ là những nhánh cây
hay thân cây suôn sẻ to cỡ bằng ngón chân cái, dài chừng 2 mét, dùng để làm
rào, làm lưới hay làm bủa để nuôi tằm).
Thủ
là danh từ chỉ đồn canh gác dọc theo các đường sông, vì khá
phổ biến thời trước nên “thủ” đã đi vào một số địa danh hiện nay hãy còn thông
dụng, như: Thủ Đức, Thủ Thiêm, Thủ Ngữ (Sài Gòn), Thủ Thừa (Long An), Thủ Dầu Một
(Bình Dương). Đức, Thiêm, Ngữ, Thừa có lẽ là tên những viên chức được cử đến
cai quản các thủ này và đã giữ chức vụ khá lâu nên tên của họ đã được người dân
gắn liền với nơi làm việc của họ. Còn Thủ Dầu Một thì ở thủ đó ngày xưa có một
cây dầu mọc lẻ loi.
Bến
ban đầu là chỗ có đủ điều kiện thuận tiện cho thuyền ghe
ghé vào bờ hoặc đậu lại do yêu cầu chuyên chở, lên xuống hàng. Sau này nghĩa rộng
ra cho cả xe đò,xe hàng, xe lam…
Cũng như chợ, bến thường được phân biệt và đặt tên theo các
loại hàng được cất lên nhiều nhất. Một số tên bến đặt theo cách này đã trở
thành tên riêng của một số địa phương, như: Bến Cỏ, Bến Súc, Bến Củi ở Bình
Dương. Bến Đá ở Thủ Đức, Bến Gỗ ở Biên Hòa.
Ngoài ra bến cũng còn có thể được đặt tên theo một đặc điểm
nào ở đó, như một loại cây, cỏ nào mọc nhiều ở đó, và cũng trở thành tên của một
địa phương, như:
Bến Tranh ở Mỹ Tho, Bến Lức ở Long An (đáng lý là lứt, là một
loại cây nhỏ lá nhỏ, rễ dùng làm thuốc, đông y gọi là sài hồ).
4 Một số trường hợp
khác
Có một số địa danh được hình thành do vị trí liên hệ đến
giao thông, như ngã năm, ngã bảy, cầu, rạch… thêm vào đặc điểm của vị trí đó,
hoặc tên riêng của một nhân vật có tiếng ở tại vị trí đó. Ở Sài Gòn có rất nhiều
địa danh được hình thành theo cách này: Ngã Tư Bảy Hiền, Ngã Năm Chuồng Chó,
Ngã Ba Ông Tạ… Ở Trà Vinh có Cầu Ngang đã trở thành tên của một quận. Trường hợp
hình thành của địa danh Nhà Bè khá đặc biệt, đó là vị trí ngã ba sông, nơi gặp nhau
của 2 con sông Đồng Nai và Bến Nghé trước khi nhập lại thành sông Lòng Tảo. Lúc
ròng, nước của hai con sông đổ ra rất mạnh thuyền bè không thể đi được, phải đậu
lại đợi con nước lớn để nương theo sức nước mà về theo hai hướng Gia Định hoặc
Đồng Nai.
“Nhà Bè nước chảy
chia hai,Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.”
Tương truyền có ông Thủ Huồng là một viên chức cai quản “thủ”
ở vùng đó, tham nhũng nổi tiếng. Có lần nằm mơ thấy cảnh mình chết bị xuống âm
phủ phải đền trả những tội lỗi khi còn sống. Sau đó ông từ chức và bắt đầu làm
phúc bố thí rất nhiều; một trong những việc làm phúc của ông là làm một cái bè
lớn ở giữa sông trên đó làm nhà, để sẵn những lu nước và củi lửa. Những ghe
thuyền đợi nước lớn có thể cặp đó lên bè để nấu cơm và nghỉ ngơi. Địa danh Nhà
Bè bắt nguồn từ đó.
Kết
Miền Nam là đất mới đối với người Việt Nam, những địa danh
chỉ mới được hình thành trong vài thế kỷ trở lại đây nên những nhà nghiên cứu
còn có thể truy nguyên ra nguồn gốc và ghi chép lại để lưu truyền. Cho đến nay
thì rất nhiều địa danh chỉ còn lại cái tên mà ý nghĩa hoặc dấu vết nguyên thủy
đã biến mất theo thời gian. Thí dụ, Chợ Quán ở đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn,
bây giờ chỉ biết có khu Chợ Quán, nhà thờ Chợ Quán, nhà thương Chợ Quán… chứ
còn cái chợ có cái quán đố ai mà tìm cho ra được. Hoặc Chợ Đũi (có một số người
tưởng lầm là Chợ Đuổi vì người buôn bán hay bị nhân viên công lực rượt đuổi)
ban đầu chuyên bán đũi, là một thứ hàng dày dệt bằng tơ lớn sợi, bây giờ mặt
hàng đó đã biến mất nhưng địa danh thì vẫn còn. Ngoài ra, đất Sài Gòn xưa sông
rạch nhiều nên có nhiều cầu, sau này thành phố được xây dựng một số sông rạch bị
lấp đi, cầu biến mất, nhưng người dân vẫn còn dùng tên cây cầu cũ ở nơi đó để gọi
khu đó, như khu Cầu Muối. Và cũng có một số địa danh do phát âm sai nên ý nghĩa
ban đầu đã bị biến đổi nhưng người ta đã quen với cái tên được phát âm sai đó
nên khi ghi chép lại, vẫn giữ cái tên đã được đa số chấp nhận, như Bến Lức, chợ
Búng (Lứt là tên đúng lúc ban đầu, vì nơi đó có nhiều cây lứt; còn chợ Búng
nguyên thủy chỉ bán mặt hàng bún, sau này bán đủ mặt hàng và cái tên được viết
khác đi).
Nhận xét
Đăng nhận xét