Trần Hữu Hiệp
TTO - Mấy năm nay, ĐBSCL vắng
bóng mùa nước nổi, thưa dần hoặc không còn cảnh chạy lũ. Nhưng nhiều người dân
vùng này hiện đang rơi vào tình thế khắc nghiệt hơn, nguy hiểm hơn. Đó là cảnh
nhốn nháo, bất an lo chạy lở.
Sông Tiền, sông Hậu vốn hiền hòa,
bao đời mang phù sa kiến tạo đồng bằng. Nay sông mẹ như trong cơn đói nước, thiếu
thức ăn phù sa, tính khí hung dữ, thất thường, tạo ra cơn cuồng phong bằng các
trận sạt lở bờ sông nghiêm trọng.
Mới đây, một góc thị tứ sung túc
bên bờ sông Vàm Nao, huyện Chợ Mới (An Giang) bỗng chốc biến mất trước sức mạnh
thủy thần, góp thêm nỗi lo cho việc phải di dời khoảng 20.000 hộ dân sống ven
sông của tỉnh An Giang.
Các vụ sạt lở xảy ra khá phổ biến,
không chỉ ở tỉnh đầu nguồn sông Hậu, mà còn xuất hiện thường xuyên ở nhiều địa
phương như Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp... và dọc bờ biển.
Khi sạt lở diễn ra trên diện rộng
thì rõ ràng là đã có sự mất cân bằng trên toàn hệ thống. Vấn đề sạt lở ở ĐBSCL
cần được tiếp cận hệ thống và nhận diện thủ phạm chính.
Nguyên nhân sạt lở được nhận diện
từ những bất cập nội tại của vùng, tình trạng cát tặc lộng hành, việc khai
thác, sử dụng bất hợp lý nguồn tài nguyên nước cùng các tác động tiêu cực xuyên
biên giới làm thay đổi sự ổn định theo quy luật tự nhiên ngàn đời nay của sông
Mekong.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT,
các vụ sạt lở ở vùng này đã cuốn trôi khoảng 500ha đất mỗi năm. Tình trạng sạt
lở đang diễn biến phức tạp, thất thường, không theo quy luật. ĐBSCL hiện có 265
điểm sạt lở, với tổng chiều dài lên đến 450km.
Những vụ sạt lở bờ sông thường diễn
ra vào mùa mưa. Tuy nhiên, những năm gần đây thì xuất hiện ngày càng nhiều và
ngay giữa mùa khô mà điển hình là vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra ở tỉnh An Giang
ngày 22-4 vừa qua.
Trong cơn đói phù sa do các quốc
gia đầu nguồn Mekong chặn dòng, xây đập thủy điện, hay chuyển nước trên dòng
chính như kiểu “trích máu dòng sông” mà nhiều nghiên cứu gần đây đã cho thấy
không chỉ làm mất đa dạng sinh học, giảm lượng thủy sản, mà nghiêm trọng hơn là
sự sụt giảm khoảng một nửa lượng phù sa sông Mekong vốn là nguồn trầm tích kiến
tạo nên và nuôi
sống đồng bằng.
Sông Tiền, sông Hậu còn bị thêm
“cú đấm hội đồng” của tội đồ “cát tặc” lộng hành và hệ thống đê bao cục bộ “mạnh
ai nấy làm”. Tình trạng sử dụng nước ngầm quá mức gây lún đất và tạo ra các vết
nứt bị khoét rỗng thành hố, từ đó bị tác động bởi thủy triều.
Khi mất lượng phù sa, tài nguyên
cát bị vơ vét cạn kiệt, sông Tiền, sông Hậu bị bào mòn nghiêm trọng, làm thay đổi
dòng chảy, lòng sông sâu hơn, tạo ra hiện tượng “nước đói”, xâm thực bờ sông.
Thiếu lượng phù sa sông Mekong còn
tạo ra hiện tượng “nước biển đói” ở các cửa sông vùng ĐBSCL. Theo các chuyên
gia, hiện có hơn 300km bờ biển, tức hơn phân nửa chiều dài bờ biển ĐBSCL đang sạt
lở trầm trọng, mỗi năm mất khoảng 5km2 đất.
Bên cạnh việc ứng phó khẩn cấp tạm
thời tình huống thiên tai do sạt lở, phải di dời, đảm bảo an toàn tính mạng,
tài sản người dân, đã đến lúc cần có các giải pháp căn cơ trong thế chủ động,
khắc phục nguyên nhân trước nguy cơ của thiên tai và thiên tai làm biến dạng đồng
bằng.
Cần vẽ bản đồ sạt lở cho đồng bằng
kèm theo các giải pháp ứng phó trước mắt
và lâu dài, mạnh tay dẹp loạn cát tặc.
Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ
thống thủy lợi, bố trí dân cư, tổ chức sản xuất đều phải đặt trong bối cảnh tổng
thể, phải tính đến những mục tiêu ứng phó dài hạn, nhưng cũng không quên những
mục tiêu trước mắt là người dân phải sống, con em phải đi học, tạo sinh kế cho
người dân trong an toàn.
Tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở
ĐBSCL cần được giải quyết ngay từ các vấn đề nội tại của vùng, nhưng cũng rất cần
được trợ lực bằng các định chế quốc tế như nâng cao vai trò thực chất và hiệu
quả hoạt động của Ủy hội sông Mekong, kèm theo các giải pháp tăng cường ngoại
giao, hợp tác song phương và đa phương để giảm thiểu các tác động tiêu cực liên
quan
đến tài nguyên nước sông Mekong.
TRẦN HỮU HIỆP
Nhận xét
Đăng nhận xét