Chuyển đến nội dung chính

LIÊN KẾT VÙNG TRONG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU Ở VIỆT NAM (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG)

Tạp chí Nghiên cứu Địa lý nhân văn
Trần Hữu Hiệp (Ban chỉ đạoTây Nam Bộ)
Nguyễn Song Tùng, Hà Huy Ngọc (Viện Địa lí nhân văn, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)
Nghiên cứu này được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam", mã số: BĐKH.30
Tóm tắt: Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là 1 trong 3 đồng bằng của thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng. Để tồn tại, phát triển an toàn, trù phú và bền vững trong tương lai, phải có hành động khẩn cấp, nhưng trên cơ sở định hướng, tầm nhìn dài hạn, tiếp cận đa ngành, tiếp cận vùng, liên vùng và quốc gia. Cần thực thi các giải pháp công trình, phi công trình, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc“không hối tiếc” trước một tương lai không chắc chắc. Bài viết này phân tích đánh giá các ảnh hưởng của BĐKH đến vùng đồng bằng sông Cửu Long; Thực trạng ứng phó với BĐKH và trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường liên kết vùng trong ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL.
REGIONAL LINKAGE IN RESPOND TO CLIMATE CHANGE IN VIETNAM
(a case study in Mekong River Delta)
This research is implemented under the framework of the State-level project entitled “Research on building regional linkage  mechanism and policy in respond to climate change in Vietnam”. Project code: BDKH.30
Abtract: The Mekong Delta is one of the three deltas in the world servely suffering from climate change and sea level rise. For sustainable development in the future, it needs urgent actions based on long term orientations and vision as well as regional, inter-regional and national approaches. The paper analyzes and assesses impacts of climate change on the Mekong Delta. Based on situations of responding to climate change, some solutions to increase regional linkage in coping with climate change in the Mekong Delta have been proposed.
Mở đầu
ĐBSCL là phần châu thổ hạ lưu sông Mê Kông gồm 13 tỉnh, thành trải dài từ Long An đến Cà Mau. Đây là vùng có vị trí đặt biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của Việt Nam. ĐBSCL có diện tích tự nhiên khoảng 4 triệu hecta, chiếm khoảng 12% diện tích cả nước, trong đó diện tích đất nông nghiệp toàn vùng khoảng 3,2 triệu ha với dân số khoảng 18 triệu người (bằng 21% dân số cả nước). ĐBSCL có hệ sinh thái đa dạng, vùng nước ngọt, lợ và mặn đan xem nhau, là khu vực duy nhất của cả nước tiếp giáp biển Đông và biển Tây với bờ biển dài 750 km, chiếm 23% chiều dài bờ biển quốc gia; hơn 360 ngàn km2 vùng biển và đặc quyền kinh tế, với gần 200 đảo và quần đảo, đặc biệt có đảo Phú Quốc lớn nhất Việt Nam.
Hằng năm, vùng này đóng góp hơn 50% sản lượng lúa cả nước và 90% lượng gạo xuất khẩu; cung cấp 70% sản lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản và 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Ngoài thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản, trong thời gian gần đây, vùng còn được quan tâm đầu tư và thể hiện ngày càng rõ nét vị thế của một trung tâm năng lượng lớn của cả nước. Tuy nhiên, ĐBSCL đang đứng trước thách thức của “Hai gọng kìm”. Đó là BĐKH, nước biển dâng và tác hại của việc các quốc gia đầu nguồn sông Mê Kông xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính, các công trình “trích máu sông Mê Kông” làm thay đổi dòng chảy, lưu lượng và chất lượng nguồn nước của con sông này. Tần suất nhiều hơn và mức độ ảnh hưởng của thiên tai và “nhân tai” ngày càng lớn. Mùa lũ những năm gần đây biến động thất thường, tình trạng ngập lụt ở các đô thị với diện tích rộng hơn và thời gian lâu hơn, cùng với hiện tượng sạt lở đất, lốc xoáy xuất hiện ngày càng nhiều và thường xuyên hơn. Đây là những thách thức lớn mà ĐBSCL phải đối mặt, cần phải có tầm nhìn dài hạn, chiến lược dài hạn cùng với kế hoạch hành động cụ thể để chủ động ứng phó, thích nghi.
1. Ảnh hưởng của BĐKH đến vùng đồng bằng sông Cửu Long
Theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2009 và cập nhật năm 2011, vào cuối thế kỷ 21, mực nước biển dâng khoảng từ 75cm đến 1m so với thời kỳ 1980 - 1999. Đến năm 2100, nếu mực nước biển dâng cao 1m và không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu thì sẽ có khoảng 40% diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập. Dưới tác động của BĐKH, tần suất, cường độ và phạm vi ảnh hưởng của thiên tai (đặc biệt là bão, lũ, hạn hán,…) ngày càng gia tăng, làm thay đổi ranh giới giữa vùng mặn, lợ, ngọt, tác động lớn đến hệ thống canh tác truyền thống trong vùng. BĐKH ảnh hưởng trực tiếp đến phân bổ dân cư, sinh hoạt đời sống người dân, việc tổ chức sản xuất, kinh doanh...
1.1. Ảnh hưởng của BĐKH tới tài nguyên và môi trường
a. Tài nguyên đất
ĐBSCL là nơi có cao trình mặt đất tương đối thấp, nhiều nơi cao trình chỉ khoảng 20 – 30 cm. Chính vì vậy, mức độ tác động của biến đổi khí hậu lên khu vực này là rất lớn. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi đưa ra kịch bản biến đổi khí hậu tại ĐBSCL cho thấy[1]: nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì khoảng 70% diện tích đất ở ĐBSCL bị xâm nhập mặn, mất khoảng hai triệu ha đất trồng lúa. Nhiều địa phương sẽ bị chìm trong nước. Cụ thể, Bến Tre mất 1.131km2 (hơn 50% diện tích), Long An mất 2.169km2 (gần 50%), Trà Vinh mất 1.021km2 (gần 46%), Sóc Trăng mất 1.425km2 (gần 44%), Vĩnh Long mất 606 km2 (gần 40%)… Theo kịch bản này, thời gian ngập úng ở ĐBSCL có thể kéo dài từ 4 đến 5 tháng, 38% diện tích đồng bằng bị nhấn chìm, 90% diện tích đồng bằng có thể bị nhiễm mặn.
Đất ĐBSCL rất dễ bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, tại các khu vực như: Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, Bán đảo Cà Mau diện tích đất nhiễm phèn chiếm một phần rất đáng kể. Mực nước biển dâng đưa mặn vào sông ngòi, đồng ruộng. Mức độ mặn hóa của đất tăng lên, phèn tầng mặt giảm do quá trình nước ém phèn xuống tầng sâu. Khi mực nước trên kênh mương, đồng ruộng giảm xuống, tình trạng khô hạn bắt đầu thì quá trình mặn hóa và đặc biệt là phèn hóa bốc lên tầng mặt rất mạnh mẽ. Quá trình mặn hóa và phèn hóa có khi cùng tồn tại tạo ra loại đất vừa có tính mặn vừa có tính phèn. Tình trạng này làm cho đất bị chua hóa và mất khả năng canh tác.
Với đất phù sa trung tính sông Tiền, sông Hậu, đất xám trên cồn phù sa cổ vốn đã bị thoái hóa do quá lạm dụng phân vô cơ, thì nay hiện tượng khô hạn, rửa trôi do mưa tăng làm tình trạng thoái hóa đất càng trở nên trầm trọng. Nước biển dâng khiến diện tích bị xâm thực mặn tăng. Nhiệt độ nóng lên làm quá trình bay hơi diễn ra mạnh hơn, đất bị mất nước trở nên khô cằn, các quá trình chuyển hóa trong đất khó xảy ra. Nghiêm trọng hơn có rất nhiều dự án sẽ xây đập chặn dòng sông Mê Kông trên thượng nguồn làm cho nước ở thượng nguồn đổ về hạ du ngày càng ít hơn, nhất là trong mùa nắng, làm cho nước mặn xâm nhập ngày càng sâu hơn vào trong nội đồng. Nhiệt độ tăng làm các hợp chất chứa nhôm trong đất (pyrite và jarosite) sẽ phóng thích các ion nhôm. Các ion này sẽ gây độc cho cây. Đất bị phèn hóa nhanh chóng.
Với đất mặn ven biển khu vực ĐBSCL - nơi phân bố của hai dạng chính đó là đất phèn tiềm tàng và đất rừng ngập mặn. Đây là khu vực chịu tác động mạnh mẽ của BĐKH. Diện tích đất bị nhiễm phèn dạng tiềm tàng khá lớn, và khi khô hạn nguy cơ chuyển hóa thành đất phèn hoạt động luôn hiện hữu. Nhiệt độ tăng, thủy triều thay đổi tác động mạnh vào hệ thống sinh thái rừng ngập mặn ven biển. Không phải tất cả các chủng loại của hệ sinh thái đều thành công trong việc tự điều chỉnh để thích ứng với những biến động của môi trường sống mà chỉ có thành phần chủng loại của hệ thay đổi. Mực nước biển dâng cùng với cường độ của bão tố, thay đổi thành phần của trầm tích, độ mặn và mức độ ô nhiễm của nước sẽ đe dọa đến sự suy thoái và sự sống còn của rừng ngập mặn cũng như các loài sinh vật rất đa dạng trong đó. Xu hướng biến đổi của khí hậu khiến nước biển dâng, độ mặn nước biển trong rừng ngập mặn sẽ có thể vượt quá 25%. Những biến đổi đó đã làm mất đi rất nhiều loài sinh vật, làm thay đổi mạnh mẽ hệ sinh thái rừng ngập mặn.
b. Tài nguyên nước
ĐBSCL sẽ là vùng bị ảnh hưởng mạnh nhất, nước biển dâng cao hơn sẽ làm cho nhiều vùng đồng bằng nước ngọt hiện nay trở thành vùng nước lợ, làm thay đổi chế độ thủy văn dòng chảy và gây áp lực đến 90% diện tích ngập nước. Vì theo dự báo, trong vài chục năm tới, ĐBSCL nước biển sẽ dâng cao làm ngập lụt phần lớn ĐBSCL vốn đã bị ngập lụt hàng năm, dẫn đến mất nhiều đất nông nghiệp. Sẽ có từ 15.000 - 20.000 km2 đất thấp ven biển bị ngập hoàn toàn. Lưu lượng nước sông Mê Kông giảm từ 2 - 24% trong mùa khô, tăng từ 7 - 15% vào mùa lũ. Hạn hán sẽ xuất hiện nhiều hơn. Nước lũ sẽ cao hơn tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ, Hậu Giang, thời gian ngập lũ tại đây sẽ kéo dài hơn hiện nay. Việc tiêu thoát nước mùa mưa lũ cũng khó khăn.
Suy giảm tài nguyên nước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nghề cá. Quá trình xâm nhập mặn vào nội đồng sẽ sâu hơn, tập trung tại các tỉnh ven biển gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An và nước ngọt sẽ khan hiếm.
1.2. Ảnh hưởng của BĐKH đến trồng trọt và an ninh lương thực
Có thể khẳng định rằng, nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trồng trọt chịu tác động nặng nề của BĐKH. Dựa theo kịch bản về BĐKH và nước biển dâng đến năm 2100, do đó nếu nước biển dâng 1m, hầu hết các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL và các vùng miền khác bị ngập trong nước biển hoặc bị xâm nhập mặn nghiêm trọng (Bộ TN&MT, 2008). Theo tính toán dựa theo kịch bản BĐKH của Bộ TN&MT, 2009, nếu nước biển dâng 1m, có tới 38,29% diện tích đất tự nhiên và 32,16% diện tích đất nông nghiệp bị ngập trong nước biển tại 10 tỉnh ngập nặng nhất vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh.
Bằng cách quy đổi theo sản phẩm tương đương, kết quả tính thiệt hại tiềm ẩn của Bộ NN&PTNT, 2010, do mất đất sản xuất nông nghiệp tại vùng ĐBSCL cho thấy, đến năm 2100 nếu nước biển dâng 1m, vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh có nguy cơ mất đi 7,6 triệu tấn lúa/năm, tương đương với 40,52% tổng sản lượng lúa của cả vùng. Như vậy, nếu kịch bản của Bộ TN&MT về BĐKH và nước biển dâng diễn ra theo đúng như dự đoán và khi năng suất lúa được giữ nguyên, Việt Nam sẽ có nguy cơ đối mặt với việc thiếu lương thực trầm trọng vào năm 2100 như mất đi 21,39% sản lượng lúa cả nước (mới tính riêng cho vùng ĐBSCL).

Ghi chú: (*) Giá lúa được tính là 3.800 đ/kg tại thời điểm tháng 12/2009
Nguồn: Dẫn theo Lê Văn Khoa (2010): Hiện trạng môi trường và dự báo xu thế diễn biến một số lĩnh vực chính trong phát triển kinh tế - xã hội và Quản lý xã hội, Đề tài nhánh II, KX KX.02.25/06-10 “Vấn đề môi trường trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nước ta đến năm 2020”. Tính toán dựa theo nguồn số liệu của Jeremy Carew-Ried- Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường (ICEM), 2007 và Bộ TN&MT, 2009.
Mặt khác, theo báo cáo kết quả giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống BĐKH ở ĐBSCL tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, tháng 10 năm 2014, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã nêu lên những thách thức nghiêm trọng vùng này phải đối mặt. Trong 2 thập kỷ qua, ước tính mỗi năm, Việt Nam đã thiệt hại khoảng 1,5% GDP do các thảm họa thiên nhiên. Dự báo đến năm 2030, nếu không có giải pháp ứng phó quyết liệt, khoảng 45% diện tích của ĐBSCL sẽ bị nhiễm mặn cục bộ và gây thiệt hại khoảng 17 tỉ USD trong nông nghiệp do lũ lụt và ngập úng.
1.3. Ảnh hưởng của BĐKH tới cơ sở hạ tầng nông thôn
Vấn đề ngập lụt: nước biển dâng sẽ gây ngập lụt và mất đất ở đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và ĐBSCL. Theo ước tính của IPCC, nếu nước biển dâng lên 1m, ĐBSH sẽ ngập 5.000 km2 và ĐBSCL sẽ bị ngập 15.000 - 20.000 km2. Đây là 2 vùng tập trung đông dân cư và là vựa lúa lớn nhất của cả nước.
Hệ thống đê biển: mực nước biển dâng lên làm hệ thống đê biển không thể chống chọi được nước biển dâng do bão như thiết kế dẫn đến nguy cơ vỡ đê trong các trận bão lớn. Ngoài ra, do mực nước biển dâng cao, chế độ lực của sóng và dòng chảy ven bờ sẽ có những thay đổi gây xói lở bờ và hệ thống đê biển, vấn đề quản lý bảo vệ đê biển sẽ phải đối mặt với những tình huống hết sức phức tạp.
Hệ thống đê sông, đê bao và bờ bao: mực nước biển dâng cao làm cho khả năng tiêu thoát nước ra biển giảm, kéo theo mực nước các con sông trong nội địa dâng lên, kết hợp với sự gia tăng dòng chảy lũ từ thượng nguồn do hậu quả của các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ làm cho đỉnh lũ tăng lên, uy hiếp sự an toàn của các tuyến đê sông ở các tỉnh phía bắc, đê bao và bờ bao tại các tỉnh phía nam.
Các công trình tiêu nước vùng ven biển: các hệ thống tiêu nước vùng ven biển hiện nay hầu hết đều là các hệ thống tiêu tự chảy. Khi mực nước biển dâng lên việc tiêu tự chảy sẽ hết sức khó khăn, đặc biệt là vào các thời gian triều cường, gây ngập úng tại nhiều khu vực.
Các công trình tưới và cấp nước: Mực nước biển dâng làm cho mặn xâm nhập sâu vào nội địa, các tầng nước dưới đất vùng ven biển cũng có nguy cơ bị nhiễm mặn gây khó khăn cho công tác lấy nước.
2. Vấn đề hợp tác liên vùng trong ứng phó với BĐKH ở vùng ĐBSCL
Qua kết quả phân tích ở trên cho thấy ảnh hưởng của BĐKH ở ĐBSCL là ảnh hưởng mang tính liên vùng, liên khu vực. Do đó, trong thời gian qua một số chương trình, dự án, giải pháp mang tính tổng thể liên vùng trong ứng phó với BĐKH đã được quan tâm đề cập đến.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ xây dựng Quy chế Thí điểm liên kết vùng ĐBSCL giai đoạn 2014-2019, trong đó tập trung vào các lĩnh vực liên kết chính như sau: i) Đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng liên kết toàn vùng; ii) Sản xuất, chế biến và tiêu thụ các mặt hàng nông nghiệp, thủy hải sản; iii) Hợp tác ứng phó với BĐKH, nước biển dâng; iv) Liên kết quốc phòng, an ninh chính trị.
- Quyết định số 1397QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt quy hoạch thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
- Chính phủ Hà Lan và Chính phủ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị cấp cao về phối hợp hỗ trợ phát triển tổng hợp ĐBSCL tháng 6/2014, đã thống nhất một số tuyến vấn đề quan trọng sau:
Thứ nhất, chủ trương ứng phó với BĐKH và phát triển kinh tế - xã hội của khu vực ĐBSCL gồm: phát huy cao nhất, tiềm năng, lợi thế so sánh của các địa phương trong vùng, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển theo chiều sâu gắn với đảm bảo an ninh lương thực quốc gia…
Hai là, phát triển đồng bộ hệ thống các đô thị, khu dân cư và hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng thân thiện với môi trường sinh thái gắn với đồng ruộng, miệt vườn, sông nước và biển đảo.
Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển các lĩnh vực xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, giảm chênh lệch về phát triển xã hội giữa các khu vực và giữa các đồng bào dân tộc trong vùng.
Bốn là, phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế - xã hội với sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái; có các giải pháp chủ động phòng tránh và ứng phó với BĐKH và nước biển dâng; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng an ninh, an ninh nguồn nước và an ninh lương thực.
Năm là, tiếp cận tổng thể mang tính chất liên vùng và liên ngành trong phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng ĐBSCL, hình thành cơ chế phối hợp đồng bộ theo chiều ngang giữa các địa phương và theo chiều dọc giữa các cơ quan Trung ương và địa phương.
Mặt khác, Chính phủ Việt Nam cùng với cơ quan phát triển quốc tế Úc và bộ Hợp tác kinh tế và phát triển liên bang Đức thông qua cơ quan Hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) đã thực hiện Chương trình BĐKH và hệ sinh thái ven biển (CCCEP) ở 5 tỉnh: Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang và Cà Mau. Chương trình bao gồm sáu hợp phần: Phát triển năng lực và thể chế cho việc quản lý tổng hợp hệ sinh thái ven biển trong bối cảnh BĐKH; Bảo tồn và phát triển các vùng trọng điểm trữ lượng sinh quyển ở tỉnh Kiên Giang; Tổng hợp các hoạt động thích ứng BBKH vào kế hoạch quản lý khu vực ven biển tại tỉnh Cà Mau; Quản lý nước và thích ứng với BĐKH ở tỉnh An Giang; Quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên ở vùng duyên hải của tỉnh Sóc Trăng; Quản lý bền vững hệ sinh thái rừng phòng hộ ven biển ở tỉnh Bạc Liêu.
Bên cạnh đó thời gian qua Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng đã có những hoạt động khá tích cực trong việc chỉ đạo đôn đốc và tham mưu trong việc xây dựng các dự án mang tính liên vùng trong ứng phó với BĐKH ở khu vực này, như:
i) Chỉ đạo, đôn đốc các địa phương trong vùng ĐBSCL triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TƯ của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH và bảo vệ tài nguyên môi trường.
ii) Phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT rà soát các dự án thuộc danh mục ưu tiên của Chương trinh ứng phó với BĐKH, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư, tập trung nguồn vốn đầu tư các dự án cấp bách. Trong đó, tập trung vào các dự án phục hồi phát triển rừng ven biển, quản lý tài nguyên nước, các dự án đê biển gắn với hệ thống giao thông ven biển, rừng phòng hộ ven biển.
iii) Phối hợp với các tổ chức quốc tế về triển khai các dự án BĐKH, quản lý nước, phục hồi rừng ngập mặn, bảo tồn đa dạng sinh học trong vùng ĐBSCL như: tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).
iv) Triển khai Kế hoạch ĐBSCL (MDP) theo chỉ đạo của Chính phủ về việc triển khai kết quả kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan trong khuôn khổ Thỏa thuận đối tác chiến lược Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với BĐKH và quản lý nước vùng ĐBSCL.
v) Phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng quy chế phối hợp thực hiện Chương trình CCCEP tại các tỉnh: Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang và Cà Mau. Đồng thời, đề xuất, xây dựng bộ phận quản lý, liên kết các tiểu dự án trong vùng đặt tại Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.
3. Một số kiến nghị thúc đẩy liên kết vùng trong ứng phó với BĐKH ở vùng ĐBSCL
BĐKH ở Việt Nam, nhất là vùng ĐBSCL đã và đang xuất hiện với nhiều hiện tượng, thiên tai khác nhau. Yêu cầu chủ động ứng phó và thích nghi phù hợp với diễn biến của BĐKH là rất quan trọng. Theo đó, đề xuất các nhóm cơ chế, chính sách và giải pháp sau:
3.1. Kiến nghị về thể chế, chính sách phát triển theo hướng chủ động ứng phó BĐKH, nước biển dâng
Rà soát tổng thể hệ thống chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, hoàn thiện đồng bộ với chủ trương tái cấu trúc lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển nguồn nhân lực.
Hoàn thiện và ban hành Luật Biến đổi khí hậu, các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật. Lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư liên quan với BĐKH vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của vùng, địa phương hằng năm và định hướng phát triển lâu dài cho vùng ĐBSCL. Theo dõi thường xuyên và liên tục diễn biến của BĐKH để bổ sung, hoàn thiện văn bản pháp luật phù hợp thực tế và kịp thời.
Tổ chức triển khai Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Cần kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, các ban quản lý về thích ứng BĐKH nhằm nâng cao năng lực, bổ sung nhiệm vụ cho các bộ, ngành Trung ương và địa phương đảm bảo sự chỉ đạo, quản lý thống nhất liên ngành, liên vùng.
Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách và quy chế làm việc của một tổ chức quản lý nhà nước cấp vùng để triển khai, thực hiện mục tiêu quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết các vấn đề trong liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm và phối hợp nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và thích ứng với BĐKH trong vùng ĐBSCL.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đến các cơ quan quản lý nhà nước, đi vào đời sống người dân trong các tỉnh, thành trong vùng về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, kết hợp hài hòa giữa khai thác, sử dụng hợp lý và bảo tồn đa dạng sinh học và những tác động, cách ứng phó với BĐKH trong tương lai.
3.2. Kiến nghị về bộ máy tổ chức thực hiện liên kết vùng
- Ủy ban quốc gia về BĐKH xem xét đặt Ban thư ký Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia tại Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ để làm nhiệm vụ giúp việc, phối hợp các nhà khoa học trong vùng ĐBSCL và phía Nam.
- Xây dựng, thành lập cơ quan chuyên trách chỉ đạo về ứng phó với BĐKH và liên kết vùng ĐBSCL đặt tại Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.
- Giao thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT đôn đốc giám sát các dự án ứng phó với BĐKH trong vùng ĐBSCL, nhất là các dự án liên vùng, liên tỉnh. Phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai các công trình xây dựng phát triển giao thông, thủy lợi kết hợp đê bao, kè sông, biển ứng phó với BĐKH.
3.3. Phát triển nguồn tài nguyên nước bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học vùng ĐBSCL
Cần xây dựng các biện pháp kiểm soát lũ trên vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp và hiện đại hóa hệ thống sản xuất nông nghiệp dựa vào hiện trạng lũ, tái tạo nguồn phù sa. Xây dựng các biện pháp kiểm soát lũ và quy hoạch không gian đô thị, nông thôn để “dành chỗ cho nước”. Cần giảm khai thác nước ngầm, chống sụt lún đất. Kiểm soát dòng chảy nước ngọt và nước mặn tại các cửa sông nhằm ngăn chặn hiện tượng xâm nhập mặn sâu vào đất liền. Tăng cường khai thác bền vững ngành nuôi trồng thủy sản ven biển, phục hồi vùng rừng ngập mặn ven biển và tăng cường trồng và khai thác các giống cây, thủy sản chịu mặn giá trị, thích ứng với BĐKH.
Phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên, tái tạo nguồn sinh cảnh tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học cho vùng ĐBSCL. Bảo đảm các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm được bảo tồn và phát triển bền vững; duy trì và phát triển dịch vụ hệ sinh thái thích ứng với BĐKH nhằm thúc đẩy phát triển bền vững đất nước. Theo Quyết định 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 đặt ra, đến năm 2020 tăng cường bảo vệ và phát triển bền vững 30.000 ha hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên; hệ sinh thái các rạn san hô, thảm cỏ biển tại Phú Quốc; các hệ sinh thái rừng ngập mặn và hệ sinh thái rừng tràm tại Tràm Chim, U Minh, Trà Sư. Chuyển tiếp 21 khu bảo tồn hiện có sang hệ thống khu bảo tồn theo Luật Đa dạng sinh học với tổng diện tích khoảng 106.500 ha. Thành lập mới 01 trung tâm cứu hộ động vật cho vùng ĐBSCL.
3.4.Về cơ chế phối hợp, tài chính và hợp tác quốc tế
Tăng cường đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và đầu tư trực tiếp các dự án ưu tiên theo quyết định 1443/QĐ-TTg - QHQT của Thủ tướng Chính phủ. Chú trọng đầu tư các công trình thích ứng, ứng phó với biến đổi và hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn, giám sát, cảnh báo khí hậu.
Tích cực tham gia các chương trình quốc tế về ứng phó BĐKH nhằm tận dụng sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ tăng cường năng lực triển khai dự án. Khuyến khích huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư tài chính, cung cấp các phương pháp ứng phó với BĐKH.
Xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể, rõ ràng từ Trung ương đến địa phương, có cơ quan làm đầu mối để quản lý được tập trung hiệu quả.
Cần có sự trao đổi, đánh giá và đàm phán với các quốc gia thượng nguồn sông MêKong về các tác động của đập thủy điện và các vấn đề về tài nguyên nước xuyên quốc gia.
Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương triển khai hiệu quả Kế hoạch Châu thổ sông Cửu Long (MDP) nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2010, Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Trân (2010), ĐBSCL đối mặt với thách thức kép của biến đổi khí hậu, Báo cáo tại hội nghị thường niên lần thứ 78 của Ủy ban Quốc gia về các đập lớn, Hà Nội, ngày 23-26/5/2010.
Phạm Quang Tú, Đào Trọng Hưng, Trần Hữu Hiệp, Hồ Thanh Sơn, Báo cáo phân tích các bên liên quan trong quản lý tài nguyên nước và thích ứng BĐKH vùng ĐBSCL, Dự án tài trợ của UNDP, Hà Nội, năm 2013.
Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, JICA, Liên đoàn tư vấn SANYU, Liên đoàn NEWJEC – Nhật Bản, Dự án thích ứng với BĐKH cho phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn vùng ven biển ĐBSCL.
Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam (2012), Quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng.
Trần Hữu Hiệp (2014), Hiện trạng, thách thức và tầm nhìn tương lai cho thích ứng BĐKH ở ĐBSCL, tham luận Diễn đàn đối thoại chính sách “Quản lý môi trường và phát triển bền vững ven biển vùng ĐBSCL", Bộ NN & PTNT, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Tổ chức Hợp tác quốc tế CHLB Đức phối hợp tổ chức, Cần Thơ, ngày 04-11-2014.


[1] Báo cáo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2009
 Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Địa lý nhân văn (2015), số 1(8), tháng 3, trang 17-24.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Tính cách người Việt theo vùng miền"

Thảo luận về "Văn hoá & tính cách con người Việt theo vùng miền" trên  Trái tim Việt Nam online . Người bắc thường ăn nói nhẹ nhàng, kín đáo, thường hay suy nghĩ sâu xa. Người miền trung thì mọc mạc, chất phác lại hay có tính cục bộ. Người miền nam thì phóng khoáng cởi mở, dễ gần.Dân miền Bắc thường thể hiện mình qua lời nói, trong bất cứ tình huống nào họ cũng đều phải nói cho được. Dân miền Trung thường thể hiện mình qua thái độ, cử chỉ, còn miền Nam thì thể hiện qua phong cách. Nói chung dân Bắc-Trung-Nam đều diễn tuồng cả, cho nên lời nói lúc thì nhẹ nhàng điềm đạm, lúc lại gắt gỏng chua ngoa, thái độ có lúc thì đằm thắm, khi thì thì lại khinh bạc, phong cách thì có lúc phóng khoáng lúc lại dè dặt... Ấn tượng bên ngoài là như thế nhưng có khi bạn cũng thấy là chẳng ai tranh cãi lý luận lại người Trung, thái độ cử chỉ của dân Bắc cũng có thể khiến bạn dè chừng, và lời nói hay thái độ của dân Nam cũng khiến bạn chạy dài... Muốn kiểm chứng thì bạn cứ bỏ ra ...

ART NUDE PHOTOS của Dương Quốc Định

Quên những bộn bề lo toan giá vàng lên xuống, giá lúa, cá tra giảm, chuyện nhà khoa học phải nói dối ... để  ngắm ảnh các em xinh đẹp. Và nếu như kết quả nghiên cứu khoa học của một bà đầm Đức  là khoa học  (không như ta nói dối nhiều quá):  DÒM VÚ PHỤ NỮ TĂNG TUỔI THỌ     (Blog này đã từng có bài, nằm trong nhóm truy cập nhiều nhứt, có lẽ nhiều người đã luyện tập?) thì quý ông cũng nên tập thể dục con mắt một tí nhé. Xin mượn mấy tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh Dương Quốc Định làm  dụng cụ luyện tập, ai có điều kiện thì xài hàng thật. Bộ sưu tập những bức ảnh khỏa thân và bán khỏa thân nghệ thuật của nhiếp ảnh gia trẻ Dương Quốc Định. Rất nhiều ảnh trong bộ sưu tập này đã đoạt những giải thưởng quốc tế uy tín. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ tác phẩm trên internet. Mời bạn xem qua phần thể hiện bộ sưu tập trên PPS của chúng tôi. Link PPS:  http://vn.360plus.yahoo.com/nns-nguyennamson/article?new=1&mid=112 Chân dung Dương Quốc Địn...

Nhớ Cần Thơ phố

Trần Hữu Hiệp B áo Dân Việt So với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, cố đô Huế trầm tư hay Sài Gòn phố nhộn nhịp, thì Cần Thơ phố mang đậm đặc trưng sông nước miệt vườn. Nơi đó, hàng ngày, người Tây Đô vẫn đang sống cuộc đời bình dị. Nhớ thời học phổ thông, nhà tôi chỉ cách trung tâm Cần Thơ 20 Km, nhưng mãi đến năm 15 tuổi, lần đầu tiên mới được đến Cần Thơ cùng đội học sinh giỏi của Trường cấp III Ô Môn dự thi. Đêm, mấy thằng nhà quê lang thang, lạc đường trên phố Hòa Bình, thời đó là một  đại lộ mênh mông trong mắt nhìn bọn trẻ nhà quê chúng tôi. Ký ức Cần Thơ phố trong tôi một thời còn vang qua giọng ngâm của ai trong đêm tĩnh lặng nơi con hẻm nhỏ, bài thơ Tình trắng của Kiên Giang – Hà Huy Hà: “Cần Thơ, ơi hỡi Cần Thơ/Bóng dáng ngày xanh phủ bụi mờ/Ai nhặt giùm tôi bao kỷ niệm” … Và thơ tôi, tuổi học trò: “Ai đặt tên em tự bao giờ/Người đời hai tiếng gọi Cần Thơ/Mỗi lúc đi xa ta nhớ quá/Gặp lại hình em tron...