Du lịch ĐBSCL phải giữ được đặc trưng văn hóa miền sông nước: Đừng để sau này miền Tây có sông nhưng không có đò
VHO- Nói đến du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, du khách thường liên tưởng đến du lịch sông nước, miệt vườn, truyền thống văn hóa, con người… Thế nhưng, vẫn còn đó trong suy nghĩ chỉ cần đi một tỉnh đã biết hết miền Tây. Điều này cũng được các địa phương trong vùng thẳng thắn nhìn nhận để làm mới sản phẩm, tránh trùng lắp na ná nhau…
Làm mới sản phẩm du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng phải giữ được đặc trưng văn hóa của miền sông nước
Làm mới du lịch vùng đất “Chín Rồng”
Chia sẻ tại hội thảo kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long vừa diễn ra tại TP.HCM, tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng muốn làm mới sản phẩm du lịch cho vùng cần phải đi từ tiềm năng và thế mạnh để tạo sự khác biệt, tạo sản phẩm đặc trưng đáp ứng nhu cầu của du khách là luôn muốn khám phá và trải nghiệm những điều mới mẻ. Kể lại câu chuyện đầu tư, phục hồi chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) để phục vụ nhu cầu trải nghiệm và khám phá của du khách quốc tế, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du Ngoạn Việt chia sẻ muốn hấp dẫn du khách, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long nhất thiết phải làm mới mình, nhưng phải giữ được đặc trưng văn hóa của miền sông nước, trong đó có chợ nổi. Đừng để sau này xảy ra tình trạng miền Tây có sông nhưng không có đò.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Saigontourist cho rằng để làm mới sản phẩm du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, đơn vị lữ hành này đã đưa câu chuyện văn hoá, ẩm thực của từng vùng đất “Chín Rồng” vào sản phẩm tour nhằm tăng tính hấp dẫn cho du khách trải nghiệm và khám phá. Qua đó, tránh được sự trùng lắp sản phẩm, từng bước xóa bỏ tình trạng du khách đi một tỉnh là biết hết cả vùng miền Tây sông nước.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) nhấn mạnh Đồng bằng sông Cửu Long cần tăng cường kết nối chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng với các đơn vị lữ hành và ngành du lịch TP.HCM để tạo ra các sản phẩm mới, đa dạng, thông minh, hấp dẫn... nhằm tăng tính trải nghiệm và lưu lại trong lòng du khách. Qua đó, thu hút lượng lớn du khách trong nước và sẵn sàng đón du khách quốc tế khi Chính phủ cho phép mở cửa.
Cần làm cho thị trường du lịch nội địa sôi động trở lại
Nói về tiềm năng du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định tiềm năng du lịch của vùng đất này phải nói là rất khác biệt và hiếm có, trên thế giới không nhiều nơi có được tiềm năng như Đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế, phát triển du lịch Việt Nam mà không phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long là một thiếu sót, đây không chỉ là nơi thu hút du khách trong nước và quốc tế mà còn là vùng cung cấp hơn 23 triệu lượt khách cho du lịch Việt Nam. Theo ông Thọ, liên kết đầu tiên trong phát triển du lịch là liên kết sản phẩm để tránh câu chuyện “trùng lắp” sản phẩm lâu nay, tiếp đến là xúc tiến, đào tạo nhân lực. Ông Thọ nhìn nhận, trong tất cả các vùng du lịch trong nước thì nhân lực du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long là yếu nhất nước, trong khi đây lại là yếu tố quyết định đến sự phát triển du lịch của vùng có tương xứng với tiềm năng và thế mạnh hay không?
Tại hội nghị sơ kết về triển khai các nội dung thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long vừa diễn ra, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh TP.HCM luôn xác định là đối tác của Đồng bằng sông Cửu Long trong liên kết phát triển du lịch. Thông qua liên kết để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch trong vùng, thúc đẩy các chương trình kích cầu du lịch nội địa trong điều kiện bình thường mới, tạo động lực cho mọi người dân muốn ra khỏi nhà đi du lịch. Theo ông Phong, nếu thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa dòng khách hai chiều, chỉ cần 10% dân số TP.HCM (tương đương 1 triệu người) về du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long, ngược lại 10% dân số Đồng bằng sông Cửu Long (tương đương 2 triệu người) đến TP.HCM du lịch sẽ tháo gỡ được phần nào khó khăn trước mắt cho các doanh nghiệp, đồng thời xóa bỏ dần tâm lý e ngại đi du lịch của người dân.
Ông Phong đề nghị các địa phương cần đặt mục tiêu làm cho thị trường du lịch nội địa 6 tháng cuối năm sôi động trở lại, thậm chí sôi động hơn cả giai đoạn trước khi có dịch bệnh để sớm phục hồi lại thị trường. Đồng thời tăng cường liên kết chặt và thực chất nhằm xây dựng thương hiệu du lịch của các địa phương trong vùng được du khách yêu thích hơn, trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách trong hành trình khám phá Việt Nam và Đông Nam Á.
Qua 6 tháng triển khai chương trình thoả thuận liên kết phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2025, các đơn vị liên quan đã xây dựng được ba tuyến du lịch mới gồm: Tuyến Những nẻo đường phù sa kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang - Vĩnh Long - Cần Thơ - Hậu Giang - Bạc Liêu - Cà Mau; Tuyến du lịch Non nước hữu tình kết nối TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau; Tuyến Sắc màu vùng biên kết nối TP.HCM - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang. Từ các tuyến du lịch chính này, các chương trình du lịch liên kết đã hình thành và khai thác hiệu quả, thu hút lượng khách du lịch tham quan điểm đến tại các địa phương. |
HOÀNG HẢI
Nhận xét
Đăng nhận xét