Trần Hữu Hiệp
Báo Phụ nữ TPHCM - 07/12/2023 - 06:16
PNO - Nông dân đang
rất cần sự hợp tác của nhà đầu tư, doanh nghiệp, sự hỗ trợ của nhà khoa học và
sự kiến tạo của Nhà nước.
Lâu nay, đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm về
nông nghiệp, thủy sản của cả nước, có diện tích đất nông nghiệp lớn, lực lượng
nông dân đông đảo và là vùng nguyên liệu lớn trong chuỗi cung ứng nông sản toàn
cầu. Nhiều nông sản chủ lực của vùng này góp phần quan trọng đưa nước ta vào
nhóm 10 quốc gia hàng đầu về xuất khẩu nông sản trên thế giới.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng bức tranh
nông nghiệp, nông thôn và vị thế người nông dân đồng bằng sông Cửu Long vẫn nổi
lên các mảng sáng. Từ xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô, nay đã có những nhà
máy chế biến nông sản công suất lớn, được đầu tư về công nghệ, tham gia chuỗi
cung ứng nông sản toàn cầu. Đã có những doanh nghiệp tiên phong, nông dân ứng
dụng kinh tế số trên những cánh đồng, vườn cây, ao cá.
Câu chuyện “đi” của một gia đình nông thôn sau bữa ăn
sáng, nay đã không còn là chuyện lạ. Chồng đi họp câu lạc bộ nông gia, vợ đi
chợ, đứa con đi thi nhưng “đi” mà không hề rời khỏi nhà bởi chồng họp trực
tuyến, vợ dạo chợ mạng và con làm bài thi online.
Các “Hai Lúa” giờ đây có thể ngồi quán cà phê để theo
dõi công nhân làm việc hằng ngày, điều khiển hệ thống bơm, thoát nước cho vuông
tôm bằng điện thoại di động thông minh. Chỉ cần xem độ mặn, ngọt của nước trong
các sông, rạch hiển thị trên điện thoại, “nông dân @” có thể điều khiển từ xa
hệ thống bơm tát nước tự động cho vuông tôm hay ruộng lúa, đồng hoa màu với hiệu
quả kinh tế vượt trội.
Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam,
quy hoạch tích hợp vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm
2050 xác định rõ: phát triển vùng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú
trọng bảo vệ, tôn tạo, phát triển nền tảng văn hóa, xã hội và hệ sinh thái tự
nhiên, lấy con người làm trung tâm, coi tài nguyên nước là cốt lõi, quản lý
tổng hợp tài nguyên nước trên toàn lưu vực đảm bảo duy trì nguồn sống cho môi
trường và người dân.
Chiến lược cũng đề ra yêu cầu chuyển đổi mô hình phát
triển vùng từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung; phát triển cụm ngành kinh tế
nông nghiệp gắn kết với các khu vực đô thị hóa, công nghiệp hóa tạo ra sự phát
triển đột phá; sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền
vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thân thiện với môi
trường, phát thải carbon thấp…
Thiết nghĩ, định hướng phát triển nền nông nghiệp bền
vững, tăng trưởng xanh cần tiếp cận ở góc độ vùng, theo chuỗi giá trị nông sản,
phát huy sự đổi mới sáng tạo và những ưu thế của kinh tế số (digital economy),
kinh tế chia sẻ (sharing economy).
Việc chuyển đổi sang phương thức kinh doanh nông
nghiệp và làm nông tử tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long đòi hỏi phải có sự
nghiên cứu, kết nối thực tiễn, ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa khoa học công nghệ
trong việc xây dựng chuỗi liên kết, chọn các tiêu chuẩn phù hợp, xây dựng hệ
thống kiểm soát chất lượng đáng tin cậy làm công cụ, xây dựng các tác nhân nòng
cốt tham gia chuỗi và hướng đến cộng đồng.
Nông dân đang rất cần sự hợp tác của nhà đầu tư, doanh
nghiệp, sự hỗ trợ của nhà khoa học và sự kiến tạo của Nhà nước. Các vấn đề về
thương hiệu, bản quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ cho những kết quả sáng
tạo, khởi nghiệp, phát huy kinh tế chia sẻ trong nông nghiệp, nông dân và nhiều
vấn đề khác đang đặt ra, đòi hỏi cần hoàn thiện hệ sinh thái cho nền nông
nghiệp xanh, nông thôn hiện đại.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin,
GPS, ứng dụng viễn thám, điện toán đám mây, mạng internet tích hợp, smartphone,
thương mại điện tử của một quốc gia đang phát triển như Việt Nam đã cung cấp
nền tảng công nghệ để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nền nông nghiệp số. Một hệ sinh
thái, hạ tầng kỹ thuật cho kinh tế số, nông nghiệp số đang được hình thành giúp
chắp cánh cho những ý tưởng kinh doanh mới, những ứng dụng vượt trội và sự phát
triển xanh, bền vững.
https://www.phunuonline.com.vn/cong-nghe-chap-canh-cho-tang-truong-xanh-a1507110.html
Nhận xét
Đăng nhận xét