Với chủ đề “Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng và bền vững, ngày 5-12, tại Tiền Giang, Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) năm 2012 đã chính thức khai mạc. Từ năm 2007 đến nay, MDEC đã qua 5 lần tổ chức theo các chủ đề trọng tâm, đã có tác động tích cực trong việc đề xuất cơ chế, chính sách, tăng cường liên kết, phối hợp hành động chung cho ĐBSCL, nhất là các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng ĐBSCL trở thành vùng sản xuất nông nghiệp xuất khẩu trọng điểm.
MDEC năm nay tiếp nối những thành công và đóng góp quan trọng của 5 kỳ MDEC trước đó. Điểm nhấn của MDEC năm nay là hội thảo quốc tế tham vấn “Kế hoạch châu thổ sông Cửu Long đến năm 2100” nằm trong kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu vừa được thông qua tại cuộc họp Phân ban hợp tác Việt Nam - Hà Lan lần thứ 2 tại Amsterdam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tham quan hội chợ trái cây trong khuôn khổ MDEC - Tiền Giang 2012 |
Phác thảo “4 kịch bản quan trọng” định hướng phát triển ĐBSCL sẽ là nội dung chính được trao đổi tại hội thảo quốc tế này. Đó là việc trả lời cho câu hỏi, trong 10 năm tới, vựa lúa gạo, thủy sản, trái cây của quốc gia sẽ ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu như thế nào? 4 kịch bản được phác thảo theo hướng ưu tiên: Đảm bảo an ninh lương thực; kinh doanh nông nghiệp hàng hóa; phát triển hành lang công nghiệp hóa; kịch bản công nghiệp hóa nút kép (theo định hướng mở rộng đô thị, công nghiệp hướng về hai nút xung quanh TPHCM và phía Tây Cần Thơ).
Vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu cũng đặt ra yêu cầu liên kết vùng, liên vùng và hợp tác quốc tế. Các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phát triển sản xuất và tiêu thụ 3 sản phẩm chủ lực của ĐBSCL là lúa gạo, trái cây, thủy sản; đồng thời nêu định hướng và giải pháp để vượt qua thách thức biến đổi khí hậu đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Mục tiêu chính của MDEC 2012 là nhằm tập hợp được tiếng nói và sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học và quản lý, tiếng nói nông dân … để rà soát, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển nền nông nghiệp tăng trưởng xanh, bền vững, chất lượng và hiệu quả. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm chủ lực vùng ĐBSCL, tăng cường liên kết vùng ĐBSCL theo hướng trọng tâm là liên kết doanh nghiệp, liên kết thị trường với sự hỗ trợ của các cơ chế, chính sách của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và sự hợp tác của chính quyền địa phương trong vùng. Liên kết vừa là mục tiêu vừa là động lực, một phương thức để vùng ĐBSCL phát triển bền vững trong mối quan hệ gắn bó với TPHCM, các vùng miền khác và quan hệ quốc tế dựa trên lợi thế địa - kinh tế quan trọng của vùng này với các quốc gia trong ASEAN.
Quyết định số 388/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức MDEC cũng xác định rõ MDEC là hoạt động liên kết mở nhằm tăng tính hợp tác và liên kết vùng với TPHCM và với các bộ, ngành; tổ chức quốc tế và các nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại, phát huy tiềm năng, kinh tế to lớn của ĐBSCL. Thực tế nhiều năm qua, ĐBSCL có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế đất nước, nhưng do hạn chế trong liên kết phát triển giữa các địa phương và liên kết vùng nên các sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản có lợi thế so sánh, giá trị cao bị phân khúc trong chuỗi giá trị ngành hàng và sức cạnh tranh thấp trên thị trường.
Theo ý kiến của các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, vấn đề liên kết vùng đã được đặt ra khá lâu, nhưng vẫn chỉ dừng lại ở ký kết liên kết, còn công việc cụ thể chưa được khai thông; liên kết giữa các địa phương khó thực hiện, rời rạc vì thiếu “nhạc trưởng” nên chưa đạt kết quả như mục tiêu đã ký kết. Việc kết nối giữa vùng với các bộ, ngành Trung ương, với các vùng kinh tế cả nước vẫn còn nhiều khoảng trống; thiếu cơ chế chính sách từ Trung ương để giữ sự liên kết.
ĐBSCL còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác đúng mức, đầu tư hạ tầng cho vùng phát triển cũng chưa được quan tâm thỏa đáng. Tính “cục bộ địa phương” trong phát triển cũng là yếu tố tác động đến liên kết vùng, do vậy, cần giải quyết căn cơ bài toán liên kết trên cơ sở lợi ích toàn vùng, phát huy đúng lợi thế của từng tiểu vùng và nâng cao mức sống của người dân. Có liên kết vùng, sản xuất nông nghiệp của vùng mới ổn định, chất lượng và bền vững. Do vậy, người dân ĐBSCL mong mỏi MDEC không chỉ là hình thức mà phải tìm ra được những giải pháp, hướng đi hiệu quả cho sự phát triển của toàn vùng.
Hiệp Trường
Nhận xét
Đăng nhận xét