Hữu Hiệp
Cách đây hơn 3 năm, sau khi kết thúc Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ I
tại Hậu Giang, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL đã đề xuất xây
dựng một bảo tàng nông nghiệp Việt Nam tại ĐBSCL được nhiều người quan tâm, ủng
hộ. Năm 2011, Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ II diễn ra tại Sóc Trăng, nhiều
hoạt động tôn vinh hạt ngọc Việt, nhưng rồi thôi. Ý tưởng về một bảo tàng nông
nghiệp Việt Nam vẫn chỉ là ý kiến.
Festival lua gao VN lần II - Sóc Trăng 2011 |
Đầu năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 195/QĐ-TTg phê
duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm
2020, kèm theo Danh mục các dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư nêu rõ, Trung ương
đầu tư trên địa bàn tỉnh dự án Bảo tàng nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Quy hoạch xây dựng Bảo tàng nông nghiệp vùng ĐBSCL là cần thiết, nhưng từ
qui hoạch đến lập dự án, thực hiện dự án … là một quá trình đòi hỏi phải tích
cực, chủ động triển khai ngay từ bây giờ. Nhiều vấn đề cần được cụ thể và làm
rõ. Quy mô dự án như thế nào? Bộ Nông nghiệp & PTNT làm chủ đầu tư hay Bộ
Văn hoá, TT & DL? Vị trí xây dựng? Và điều quan trọng hơn là việc chuyển
tải những giá trị bảo tàng đó như thế nào? Có ý kiến cho rằng, cần xem xét vị
trí phía Bắc cầu Cần Thơ, liền kề Nhà tưởng niệm những người tử nạn cầu Cần
Thơ, tạo thành quần thể bảo tàng, vừa gắn với tuyến, điểm du lịch nằm cạnh sông
Hậu, liền kề TP. Cần Thơ.
Thực tế hiện nay, nhiều
bạn trẻ không biết được cha ông xưa đã sống và làm nông nghiệp ra sao để thêm
yêu mến, tự hào; càng không thể biết công lao của những người đi khẩn hoang
chiến đấu với cọp rừng, thú dữ ở vùng đất phương Nam như thế nào để tồn tại,
nói gì đến nền văn minh nông nghiệp của dân tộc Việt. Trong khi đó, nhiều nước
như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines đã xây dựng các bảo tàng nông
nghiệp hiện đại; không chỉ là nơi sưu tầm, bảo tồn, lưu giữ và trưng bày nhiều
hiện vật, hình ảnh giá trị mà còn là địa chỉ tham quan, du lịch hấp dẫn. Với
những đóng góp to lớn của nền nông nghiệp, nông dân ĐBSCL nói riêng và Việt nam
nói chung trong lịch sử và hiện tại, không lý do gì không có được một bảo tàng
để tôn vinh, lưu giữ những giá trị vật thể, phi vật thể cho tương lai.
Tiếng vọng từ nền văn minh lúa nước, yêu cầu trong hiện tại và đòi hỏi
của tương lai đang thôi thúc sớm xây dựng Bảo tàng nông nghiệp!
Bài trên BÁO LAO ĐỘNG ngày 20-12-2012
Bài trên BÁO LAO ĐỘNG ngày 20-12-2012
Nhận xét
Đăng nhận xét