(Báo Tuổi Trẻ) - Đáng chú ý, số tiền nợ bình quân lên tới gần 50 triệu đồng/hộ chủ yếu vay tư nhân từ anh em, hàng xóm.
Thông tin này được TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách - Viện Chính sách và phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD), công bố tại hội thảo “Bức tranh nông thôn, nông dân VN nhìn từ cuộc điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình” sáng 27-6.
Cuộc điều tra được triển khai từ năm 2006 với tần suất hai năm một lần, quy mô ở 3.000 hộ dân ở 12 tỉnh, thành phố đại diện cho cả ba miền.
Ông Tuấn cho biết thu nhập và chi tiêu của hộ nông dân tăng mạnh trong giai đoạn 2006-2010 (tăng khoảng 10%/năm), nhưng tốc độ đang giảm dần trong những năm gần đây.
Cụ thể, năm 2008 thu nhập của người dân nông thôn ở mức nghèo nhất khoảng 2,5 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2012 đã tăng lên 10 triệu đồng. Còn người giàu nhất, năm 2008 thu nhập hơn 15 triệu đồng/năm thì năm 2012 đã đạt gần 40 triệu đồng.
Tính trung bình, hiện nay người dân nông thôn đạt mức thu nhập khoảng 22 triệu đồng/người/năm (2012).
Tuy nhiên, cơ cấu về thu nhập cũng đang dần thay đổi, khi thu nhập từ nông nghiệp giảm (chỉ chiếm 30%), còn thu nhập từ tiền công, đi làm thuê lại tăng (chiếm 36%). Nhưng chỉ có 50% số người đi làm thuê có tiền công ổn định, còn lại là bấp bênh, thất thường.
Về chi tiêu, nếu năm 2008 bình quân một nông dân chi tiêu 130.000 đồng/tháng thì đến năm 2012 mức chi đã tăng trên 400.000 đồng/người/tháng...
Ông Tuấn dẫn kết quả điều tra, theo đó có tới 50% số hộ dân có các khoản vay tín dụng (vay nợ). Đáng chú ý, số tiền nợ bình quân lên tới gần 50 triệu đồng/hộ chủ yếu vay tư nhân từ anh em, hàng xóm.
Còn vay chính thức từ các ngân hàng chỉ chiếm hơn 13%. Về quỹ đất, bình quân mỗi hộ dân chỉ còn (trung bình) 7.000m² đất sản xuất và rất manh mún, khi bình quân mỗi hộ có đến gần năm mảnh ruộng...
Tại hội thảo, thạc sĩ Trần Thị Thanh Nhàn, đại diện nhóm nghiên cứu của Ipsard, cho biết có đến 50% số hộ gia đình đã phải chịu cú sốc về thu nhập.
Cú sốc ở đây có thể xuất phát từ thiên tai, bão, lũ lụt, dịch bệnh, giá cả bất ổn (sốc tập thể) và sốc cá nhân (tức chỉ từng gia đình bị, xảy ra khi có người chết, người ốm, kinh doanh thua lỗ hay bị thu hồi đất). Đáng lo ngại là xu hướng sốc ngày một gia tăng, nhất là sốc tập thể.
ĐỨC BÌNH
Nhận xét
Đăng nhận xét