Chuyển đến nội dung chính

Đêm cuối năm nằm nghe vọng cổ

Trần Hữu Hiệp

NLĐ - 24-01-2020 - 10:45|Văn nghệ

Nhiều giọng ca hay, nhiều tay đờn độc đáo quê tôi đã bỏ xứ đi làm ăn xa. Những câu vọng cổ xứ quê năm nào giờ đây có còn trong ký ức?

Về quê, bỏ lại phía sau ồn ào phố chợ, đêm cuối năm nằm nghe vọng cổ là cái thú của những người quê bao năm ra phố, bỗng chốc được nhấm nháp món đặc sản đậm đà hương vị quê nhà.

Đo khoảng cách bằng độ dài bài vọng cổ

Anh bạn tôi làm ở Báo Sài Gòn Giải phóng, là người miền Tây mê vọng cổ, có cách đo khoảng đường từ Sài Gòn về quê mỗi bận bằng phương tiện độc chiêu là độ dài mấy bài vọng cổ. Cứ nhảy lên xe đò giường nằm, cắm tai nghe vô điện thoại, lời ca cổ như bước chân đủng đỉnh dẫn lối về quê.

Đêm cuối năm nằm nghe vọng cổ - Ảnh 1.

Đờn ca tài tử miền Tây. ảnh: Ngọc Trinh

Đầu tiên là "Sầu vương ý nhạc" của danh cầm Bảy Bá, vua soạn giả Viễn Châu: "Mỗi khi xuống Hậu Giang đi ngang cầu Bến Lức, tôi còn trông thấy cô bé ngây thơ hát dạo ở ven đường…". Nhịp xuống câu vọng cổ ngọt như mía lùi của danh ca Minh Cảnh nghe êm ru như xe xuống dốc cầu. Rồi tới "Mỹ Tho mùa trăng bến hẹn", tiếp đến là "Quán nửa khuya" lúc xe qua cầu Mỹ Thuận: "Tôi trở lại Long Hồ thăm chợ Trường An, sông Mỹ Thuận lục bình trôi tản mạn, bến Vân Lâu trăng ngập cả khoang đò…".

Khi "Tình đẹp mùa chôm chôm" với giọng ca Hương Lan, Chí Tâm mê mẩn lòng người: "Nhớ mùa chôm chôm trước, mùa chôm chôm kỷ niệm, biết bao nhiêu nồng thắm. Có một chàng thiếu niên, nơi đô thành tìm xuống Vĩnh Long thăm bạn hiền" là y như lúc xe qua vùng trái ngọt Vĩnh Long đến chân cầu Cần Thơ.

Thời bao cấp, bến phà vắt ngang sông Hậu như một điểm nút của mạch máu giao thông bị dồn ép, đêm ngày gồng mình gánh nặng những chuyến phà vượt sông, chở theo những vui buồn bao số phận, tình người. Bến phà xưa đã khép lại lịch sử trăm năm từ mười năm trước nhưng câu ca vẫn còn vẳng trong ký ức của người miền Tây: "Anh đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm qua bến Bắc Cần Thơ". Cho đến khi giọng ca sầu thương của đệ nhất danh ca Út Trà Ôn cất lên trong "Tình anh bán chiếu" thì cũng là lúc người về đến Hậu Giang quê nhà…

Hồn quê còn - mất

Như cơm ăn mỗi bữa, cứ mỗi dịp cuối năm, tôi có thói quen bỏ hết mọi chuyện bộn bề, lo toan nơi ồn ào phố chợ, về quê sum họp gia đình để tận hưởng cái thú của đêm cuối năm nằm nghe vọng cổ. Như bao người quê ra phố nhiều năm, bỗng chốc được thưởng thức lại món đặc sản đậm đà hương vị quê nhà. Đêm cuối năm nằm nghe vọng cổ, nghe tiếng đờn bầu âm thanh trầm bổng, réo rắt vui buồn, gợi nhớ xa xôi.

Nhớ thuở trước, quê nghèo, xã tôi chỉ vài người có máy hát dĩa, thâu băng. Nhớ những đêm giáp Tết bơi xuồng đi ruộng, ngang nhà có máy hát, nghe mấy bài ca vọng cổ của bác Viễn Châu, tiếng đờn Văn Vĩ mà không dám khua dầm để xuồng đi chầm chậm, chờ xuống hết câu vọng cổ. Đâu được như trẻ em bây giờ làm "fan" các nhóm nhạc, chẳng tiếc tiền triệu xem biểu diễn live show, trẻ con thời trước mê coi hát đu theo mấy gánh cải lương "bù tèo".

Sân khấu cải lương là nóc mấy ghe chài dọc ngang miền sông nước hay mấy cái nhà lồng chợ quê được dựng lên rào chắn, che màn để nghệ sĩ biểu diễn. Bọn trẻ con nhà nghèo chúng tôi không tiền mua vé vào xem, chờ lúc gánh hát "xả giàn, xả cửa" để vô coi ké.

Thời khó khăn, dân quê ít được xem cải lương trên truyền hình, nghe vọng cổ trong máy thâu băng thì tụ họp nhau đờn ca tài tử. Bác Ba, thím Tám, thằng Năm trong xóm cũng thành danh với ngón đờn, chất giọng chẳng thua kém gì dân chuyên nghiệp.

Chị ruột tôi lấy chồng xóm trên, gia nhập luôn nhóm tài tử gia đình gồm cha chồng vốn là thầy đờn có tiếng, chồng chị là tay đờn tài hoa, em chồng và chị tôi trở thành danh ca phục vụ đám cưới, đám ma, đám giỗ hay tụ họp tùy hứng. Chất hào sảng, phóng khoáng của những con người phương Nam như đọng lại, rồi bật ra từ tiếng đờn, lời ca vọng cổ, câu hát cải lương.

Tôi đọc ở đâu đó phân tích của một nhà phê bình âm nhạc, khi chơi một bản nhạc của Mozart, Beethoven hay Chopin thì người ta phải đánh ra bấy nhiêu nốt, ngừng lại bấy nhiêu lâu, niêm luật, âm luật không sai một ly, chỉ có khác ở lối diễn tả bằng cảm xúc. Còn đờn ca tài tử Nam Bộ thì lại trao cho người chơi cái quyền "sáng tạo" ngẫu hứng rất cao.

Từ căn bản, nhịp nhàng của bài tổ thì cùng một bài, người đờn, người hát khác nhau. Cùng một người đờn, người hát nhưng khi này, khi khác biểu diễn khác nhau. Đó chính chất tài tử mà vẫn tạo ra cái thần của môn nghệ thuật dân gian này.

Theo âm thanh những chiếc loa thùng di động sử dụng 4G, Bluetooth, những bài ca vọng cổ, những trích đoạn cải lương đang gây ồn ào xóm ấp. Theo chân mấy cô gái từ quê lên tỉnh, bài ca vọng cổ cũng vào nhiều nhà hàng, quán nhậu mua vui. Những bài ca xưa chưa mai một nhưng nhiều giọng ca hay, nhiều tay đờn độc đáo quê tôi đã bỏ quê đi làm ăn xa. Có bao người miền Tây Tết này không kịp về quê? Những câu vọng cổ xứ quê ngày xưa có còn trong ký ức?

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, trong khi dân số cả nước 10 năm qua tăng hơn 10,3 triệu người thì nhiều tỉnh trong vùng ĐBSCL giảm và có tỉ lệ xuất cư cao, tỉ lệ di cư gấp đôi bình quân cả nước.

Thời gian qua, đã có 1,7 triệu người rời quê đi nơi khác. Một cuộc di cư tự phát ở miền Tây đang bị kích hoạt. Trong "Từ điển tiếng miền Tây" có thêm từ "đi Bình Dương" để chỉ người khó khăn, vỡ nợ phải bỏ quê đi tìm sinh kế, không chỉ làm công nhân mà còn làm đủ nghề bấp bênh khác. Đang có một bộ phận không nhỏ nông dân, nhiều nhất là những người trẻ tuổi, bỏ ruộng đồng di cư lên thành phố. Thiếu việc làm nông thôn, thu nhập thấp, thiếu đất sản xuất, lao động chưa qua đào tạo và sinh kế khan hiếm là nguyên nhân "đẩy" lao động nông thôn miền Tây ra khỏi khu vực truyền thống. Bài ca vọng cổ nhiều lúc cũng chông chênh theo những phận đời đi tìm sinh kế.

Tiếp thêm sức sống

Đường về quê tôi giờ đã khác xưa. Xóm nghèo nay là xã nông thôn mới. Ngã ba sông trước giờ vẫn con nước lớn, nước ròng. Đờn ca tài tử Nam Bộ - loại hình nghệ thuật độc đáo có một không hai trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại hơn 5 năm trước.

Bước sang năm mới 2020, tiếp theo Bạc Liêu và Bình Dương, TP Cần Thơ là địa phương đăng cai tổ chức Festival Đờn ca tài tử lần thứ 3 với những nỗ lực giữ gìn giá trị văn hóa đặc sắc của đờn ca tài tử Nam Bộ, tiếp thêm sức sống cho những bài vọng cổ, nghệ thuật cải lương dần mai một.

Chiều dài không gian từ Sài Gòn về quê được anh bạn tôi đo bằng độ dài bài ca vọng cổ. Nhưng độ dài giá trị văn hóa của đờn ca tài tử, bài ca vọng cổ hay cải lương sẽ được đo bằng gì?

Sức sống văn hóa tinh thần cần được nuôi dưỡng trong môi trường lành mạnh và đứng vững trên nền tảng vật chất. Lời giải cho bài toán phát triển kinh tế vùng đang rất cần sự tiếp cận đa ngành, sự phối hợp liên ngành, cần quy mô kinh tế lớn hơn, cần thích nghi với phương thức sản xuất chuyên nghiệp hơn để không còn nhiều người bỏ quê đi làm ăn xa, lay lắt theo điệu buồn mấy câu ca vọng cổ.

Cần có nhiều hơn những chương trình đầu tư ưu tiên cho cơ sở hạ tầng, nhân lực nông thôn miền Tây phục vụ song song hai mục tiêu phát triển kinh tế và văn hóa xã hội để đờn ca tài tử, nghệ thuật cải lương không phải là những bài vọng cổ buồn mà là bài ca hy vọng.


https://nld.com.vn/van-nghe/dem-cuoi-nam-nam-nghe-vong-co-20200120202035735.htm

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Tính cách người Việt theo vùng miền"

Thảo luận về "Văn hoá & tính cách con người Việt theo vùng miền" trên  Trái tim Việt Nam online . Người bắc thường ăn nói nhẹ nhàng, kín đáo, thường hay suy nghĩ sâu xa. Người miền trung thì mọc mạc, chất phác lại hay có tính cục bộ. Người miền nam thì phóng khoáng cởi mở, dễ gần.Dân miền Bắc thường thể hiện mình qua lời nói, trong bất cứ tình huống nào họ cũng đều phải nói cho được. Dân miền Trung thường thể hiện mình qua thái độ, cử chỉ, còn miền Nam thì thể hiện qua phong cách. Nói chung dân Bắc-Trung-Nam đều diễn tuồng cả, cho nên lời nói lúc thì nhẹ nhàng điềm đạm, lúc lại gắt gỏng chua ngoa, thái độ có lúc thì đằm thắm, khi thì thì lại khinh bạc, phong cách thì có lúc phóng khoáng lúc lại dè dặt... Ấn tượng bên ngoài là như thế nhưng có khi bạn cũng thấy là chẳng ai tranh cãi lý luận lại người Trung, thái độ cử chỉ của dân Bắc cũng có thể khiến bạn dè chừng, và lời nói hay thái độ của dân Nam cũng khiến bạn chạy dài... Muốn kiểm chứng thì bạn cứ bỏ ra ...

ART NUDE PHOTOS của Dương Quốc Định

Quên những bộn bề lo toan giá vàng lên xuống, giá lúa, cá tra giảm, chuyện nhà khoa học phải nói dối ... để  ngắm ảnh các em xinh đẹp. Và nếu như kết quả nghiên cứu khoa học của một bà đầm Đức  là khoa học  (không như ta nói dối nhiều quá):  DÒM VÚ PHỤ NỮ TĂNG TUỔI THỌ     (Blog này đã từng có bài, nằm trong nhóm truy cập nhiều nhứt, có lẽ nhiều người đã luyện tập?) thì quý ông cũng nên tập thể dục con mắt một tí nhé. Xin mượn mấy tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh Dương Quốc Định làm  dụng cụ luyện tập, ai có điều kiện thì xài hàng thật. Bộ sưu tập những bức ảnh khỏa thân và bán khỏa thân nghệ thuật của nhiếp ảnh gia trẻ Dương Quốc Định. Rất nhiều ảnh trong bộ sưu tập này đã đoạt những giải thưởng quốc tế uy tín. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ tác phẩm trên internet. Mời bạn xem qua phần thể hiện bộ sưu tập trên PPS của chúng tôi. Link PPS:  http://vn.360plus.yahoo.com/nns-nguyennamson/article?new=1&mid=112 Chân dung Dương Quốc Địn...

Nhớ Cần Thơ phố

Trần Hữu Hiệp B áo Dân Việt So với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, cố đô Huế trầm tư hay Sài Gòn phố nhộn nhịp, thì Cần Thơ phố mang đậm đặc trưng sông nước miệt vườn. Nơi đó, hàng ngày, người Tây Đô vẫn đang sống cuộc đời bình dị. Nhớ thời học phổ thông, nhà tôi chỉ cách trung tâm Cần Thơ 20 Km, nhưng mãi đến năm 15 tuổi, lần đầu tiên mới được đến Cần Thơ cùng đội học sinh giỏi của Trường cấp III Ô Môn dự thi. Đêm, mấy thằng nhà quê lang thang, lạc đường trên phố Hòa Bình, thời đó là một  đại lộ mênh mông trong mắt nhìn bọn trẻ nhà quê chúng tôi. Ký ức Cần Thơ phố trong tôi một thời còn vang qua giọng ngâm của ai trong đêm tĩnh lặng nơi con hẻm nhỏ, bài thơ Tình trắng của Kiên Giang – Hà Huy Hà: “Cần Thơ, ơi hỡi Cần Thơ/Bóng dáng ngày xanh phủ bụi mờ/Ai nhặt giùm tôi bao kỷ niệm” … Và thơ tôi, tuổi học trò: “Ai đặt tên em tự bao giờ/Người đời hai tiếng gọi Cần Thơ/Mỗi lúc đi xa ta nhớ quá/Gặp lại hình em tron...