Đường bay phía trước
EVFTA và EVIPA là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, với những cam kết sâu rộng và toàn diện, không chỉ trong thương mại hàng hóa, đầu tư với cơ chế thực thi chặt chẽ, còn bao gồm những lĩnh vực “phi truyền thống”. Trong đó có những cam kết mới chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, dù đã phổ quát ở châu Âu, liên quan cải cách thể chế, lao động xã hội, thành lập tổ chức công đoàn của người lao động, mua sắm công của Chính phủ...
Yêu cầu cải cách thể chế, đổi mới công nghệ, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, dịch vụ cũng như cam kết thực thi các quy định của xã hội văn minh liên quan minh bạch hóa hoạt động kinh tế, quan hệ xã hội, là những yêu cầu khắt khe của “đường bay mới”. |
Đó là những thách thức đang đặt ra, không dễ dàng vượt qua nếu không được chuẩn bị tốt nhất. Lộ trình hội nhập, độ khó và tính cạnh tranh trên thương trường với doanh nghiệp và hàng hóa trong nước ngày càng lớn. Sản xuất nội địa, trong đó có nông nghiệp với các sản phẩm chăn nuôi như thịt, sữa, các mặt hàng thủy sản và ngành trồng trọt như rau, củ, quả vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam tuy rộng đường ra, nhưng phải đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm và sẽ mất dần lợi thế, chịu áp lực mạnh mẽ ngay trên sân nhà.
Các ngành công nghiệp như ô tô, điện tử, viễn thông của Việt Nam mới chớm được gầy dựng phải đứng trước cuộc cạnh tranh gay gắt với nhiều thương hiệu nổi tiếng từ châu Âu. Nhìn từ 2 phía, sân nhà - thị trường Việt Nam và sân khách - thị trường châu Âu, doanh nghiệp và hàng hóa Việt sẽ gặp khó và không dễ chơi. Các cơ quan hoạch định cơ chế, chính sách pháp luật, định ra quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng được các cam kết EVFTA và EVIPA và yêu cầu hội nhập không thể đứng ngoài cuộc.
Dù ví von EVFTA và EVIPA như “đường cao tốc" hay “đường bay mới” kết nối Việt Nam - EU, nó cũng đặt ra tiêu chuẩn cho người dùng. Việc ký các hiệp định mới là bước khởi đầu, còn phải nỗ lực nhiều hơn để hoàn tất check in, tham gia cuộc hành trình và đến đích lợi ích của các bên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu tại lễ ký kết hiệp định, đã đề cập đến việc ban hành “Chương trình hành động quốc gia” thực hiện 2 hiệp định, với các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể thực thi nghiêm túc, đầy đủ các cam kết.
Tư duy về lợi thế cần được thể hiện trong chiến lược quốc gia, tạo ra sức cạnh tranh, hơn là quanh quẩn trong địa giới hành chính tỉnh như hiện nay. Sản phẩm hàng hóa Việt có phát huy được lợi thế cạnh tranh hay không bằng chính tư duy, tầm nhìn và cách làm. Chiếc bánh ngon của mình cũng có thể thành miếng mồi ngon của thiên hạ.
Mở cửa cho nước ngoài vào, chuẩn bị tâm thế và tư thế để chủ động hội nhập, cũng có nghĩa chúng ta phải xác định rõ lộ trình đến khi nào ta sẽ kết thúc vai trò làm thuê, làm gia công, tiến đến làm chủ. Doanh nghiệp nội chỉ được khuyến khích chung chung, không thúc đẩy phát triển sáng tạo, đầu tư dài hạn, mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết tạo sức mạnh, phần lớn trong số hơn 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa phải lo ăn xổi ở thì, đối phó ngắn hạn hơn là chiến lược dài hạn, thua doanh nghiệp ngoại, hàng ngoại ngay trên sân nhà là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Yêu cầu đó cũng đang đặt ra cho các cơ quan hoạch định chính sách, pháp luật và quản lý nhà nước với vai trò kiến tạo. Thí dụ, EVFTA đặt ra các yêu cầu thể chế, bảo vệ quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, thực thi quyền dân sự. Theo các cam kết, người lao động và người sử dụng lao động có quyền tự do thành lập và tham gia tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động; có quyền tự quyết công việc nội bộ của tổ chức; bảo vệ tổ chức trước việc đình chỉ tạm thời hoặc giải tán bởi chính quyền; có quyền tự thành lập hoặc tham gia liên đoàn, tổng liên đoàn và quyền liên kết với các tổ chức quốc tế.
Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Thương lượng tập thể cũng như kế hoạch thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi tại kỳ họp tiếp theo vào cuối năm 2019, cũng mới là những bước đi ban đầu. Tiếp theo còn là thủ tục phê chuẩn Công ước 105 và 87 của ILO và sự vận hành hệ thống. Các cơ quan nhà nước không thể đủng đỉnh thủ tục, thiếu phối hợp, thừa chồng chéo, không tăng tốc cải cách thể chế mạnh mẽ để đáp ứng các cam kết và lộ trình hội nhập, thực thi cam kết nghiêm túc.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta: Thời điểm CPTPP chính thức có hiệu lực, nhiều nhận định đều đồng tình ngành thủy sản sẽ được hưởng lợi lớn. Thực ra trước khi có CPTPP chúng ta đã có JVEPA (hiệp định đối tác Việt Nam – Nhật Bản), Australia và Canada lại không có thuế tôm, trong khi đây là 3 thị trường nhập khẩu nhiều tôm Việt Nam nhất. Nay với việc EVFTA được ký kết sẽ mang thêm nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu. Bởi EU luôn chiếm trên 17-18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, trong đó riêng sản phẩm tôm EU chiếm 22%. EVFTA sẽ giúp tôm sú đông lạnh được giảm thuế từ mức cơ bản 20% xuống 0%. Các sản phẩm tôm khác theo lộ trình 3-5 năm. Điều này sẽ giúp chúng ta có được nhiều lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh của tôm Việt ở EU là Thái Lan và Ấn Độ. Đây là 2 quốc gia chưa có hiệp định thương mại với EU và cũng không còn GPS với EU, nên phải chịu mức thuế cao từ 5-20% tùy sản phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội cái tồn đọng lớn nhất tôm Việt Nam là nuôi nhỏ lẻ, khó kiểm soát, khó truy xuất nguồn gốc; giá thành tôm nuôi khá cao do con giống chất lượng cao chưa phủ nhu cầu; người nuôi thiếu vốn phải nhờ thương lái đầu tư thức ăn, giá đội 20-30%. |
Không phải không đáng lo, khi nhiều vấn đề khung liên quan như xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về lao động, việc làm được cam kết thực thi trong thời gian tới còn là khoảng trống pháp lý trong hiện tại. Trong khi người tiêu dùng ngỡ ngàng trước thông tin sản phẩm điện tử Asanzo sản xuất tại Việt Nam bằng 70% linh kiện nhập từ Trung Quốc, gắn mác “Made in Vietnam”, đại diện Bộ Công Thương cũng thừa nhận chưa có quy định về hàng sản xuất tại Việt Nam.
Còn bao nhiêu sản phẩm khác gắn mác Việt được lắp ráp, gia công từ linh kiện, nguyên liệu ngoại nhập, tỷ lệ nội địa hóa không đáng kể? Nhìn từ ngành công nghiệp ô tô, điện tử, viễn thông, may mặc, giày da, kể cả các sản phẩm tôm, cá tra xuất khẩu, tỷ lệ giá thành đang bị chi phối bởi linh kiện, nguyên liệu hay thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc nhập khẩu.
Nếu thiếu các quy định pháp lý rõ ràng sẽ là những rủi ro khó lường làm phát sinh tranh chấp về xuất xứ hàng hóa, bên cạnh các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng các quốc gia EU luôn lăm lăm vũ khí pháp lý sắc bén. Câu chuyện Bộ Thương mại Mỹ vừa tuyên bố áp thuế quan lên tới 456% đối với một số sản phẩm thép từ Việt Nam, vì cho rằng không đảm bảo tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa, là cảnh báo cho việc thực thi EVFTA sắp tới. Không có đảm bảo chắc chắn rằng, các quốc gia châu Âu sẽ không đối xử tương tự trong tương lai.
Tóm lại một “đường bay mới” hay “sân chơi lớn” từ hội nhập chỉ mang lại cơ hội của một “đấu trường lớn”. Sức mạnh và chiến thắng chỉ đến với “đội bóng” mạnh cũng như an toàn, là yêu cầu cho hành khách có hiểu biết và tôn trọng luật.
EVFTA không chỉ là sự chuyển đổi lớn của các ngành kinh tế liên quan thương mại, đầu tư, mà cần sự tham gia mang tính quyết định doanh nghiệp. Doanh nhân ở vị trí trung tâm và vai trò chủ thể cho giai đoạn “check in” và cuộc hành trình. |
Nhận xét
Đăng nhận xét