Đại tá Hồ Sỹ Tiến, quyền Cục trưởng Cục CSĐT về TTXH (C45 - Bộ Công an) nói: "Nên chăng công nhận mại dâm như một nghề với quy chế hoạt động đặc biệt, công khai hóa thì quản lý dễ hơn".
Nên công khai danh tính đại gia mua dâm
Liên quan đến việc hàng loạt diễn viên, người mẫu "dính" vào hoạt động mại dâm, môi giới mại dâm, có nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng nên công bố danh tính của những người mua dâm coi như một biện pháp để hạn chế tệ nạn xã hội này. Cũng có ý kiến cho rằng không nên công khai danh tính người bán dâm. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại tá Hồ Sỹ Tiến - quyền Cục trưởng Cục CSĐT về TTXH (C45 - Bộ Công an) về vấn đề này.
Đại tá Hồ Sỹ Tiến - quyền Cục trưởng Cục C45, Bộ Công an |
Đại tá Tiến nói: “Theo pháp luật, những người môi giới mại dâm sẽ bị xử lý hình sự, còn những người mua dâm và bán dâm thì không bị xử lý hình sự nhưng sẽ bị xử lý hành chính: phạt tiền, cảnh cáo, gái bán dâm bị đưa vào trung tâm phục hồi nhân phẩm, đưa thông tin của người mua dâm về địa phương… Tất cả đều với mục đích ngăn chặn tệ nạn mại dâm.
Theo quan điểm của tôi hiện nay tình trạng hoạt động tệ nạn này ngày càng phổ biến và công khai dưới nhiều hình thức khác nhau rất tinh vi, dưới các hình thức kinh doanh có điều kiện. Do đó, việc công khai danh tính người mua dâm và bán dâm có tác dụng ngăn chặn tệ nạn xã hội này.
Đây là hoạt động "có cầu có cung" nên chúng ta phải xử lý cả từ 2 phía: người mua dâm và người bán dâm. Danh tính của người bán dâm được công khai thì danh tính của người mua dâm cũng phải công khai”.
"Diễn viên, ca sĩ bán dâm thì không thể coi là nạn nhân"
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ việc công khai danh tính người mua dâm cũng có những ý kiến cho rằng nên coi gái bán dâm là nạn nhân trong tệ nạn này. Về điều này, ông Tiến cho biết: “Việc có nên coi gái mại dâm là nạn nhân hay không thì phải còn xem xét.
Người mẫu Hồng Hà (trái) và Hoa hậu Mỹ Xuân (phải) mới bị bắt trong đường dây bán dâm |
Theo tôi, chỉ nên coi gái mại dâm là nạn nhân nếu họ là nạn nhân của tội phạm mua bán người rồi bị đẩy vào các nhà chứa. Khi đó họ không có khả năng tự vệ nên họ phải đi bán dâm nếu không muốn bị đánh đập dã man.
Còn với những cô gái có công ăn việc làm đàng hoàng, đang là những người nổi tiếng, là sinh viên, học sinh thì sao gọi là nạn nhân được, rõ ràng họ tự nguyện thực hiện hành vi bán dâm. Những người tự nguyện như vậy đều không được coi là nạn nhân và phải bị xã hội lên án mạnh mẽ. Và hiển nhiên những người đi mua dâm thì phải bị lên án”.
Khi nói về việc có nên công khai danh tính của người bán dâm hay không, ông Tiến phân tích: “Lỗi của chúng ta hiện nay là công tác tuyên truyền quản lý chưa nghiêm, công tác giáo dục định hướng chưa được triệt để nên một số người vì những lý do rất đơn giản như cần tiền để phục vụ nhu cầu ăn chơi của mình mà đi bán dâm.
Nhưng đại bộ phận những gái bán dâm hiện nay do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có công ăn việc làm, họ phải giấu gia đình, thậm chí là chồng con để nhúng thân vào con đường đầy ô nhục này. Do đó phải xem xét thật kỹ việc công khai danh tính của gái bán dâm trong trường hợp này vì rất có thể sẽ làm họ mặc cảm khiến quá trình tái hòa nhập cộng đồng khó khăn nên dễ dẫn tới tình trạng “ngựa quen đường cũ”.
Nếu bị công bố danh tính, họ sẽ rất khó có cơ hội trở lại với gia đình, chồng con hoặc xây dựng một gia đình với cuộc sống hoàn toàn mới. Nhưng đối với những người nổi tiếng như người mẫu, diễn viên… thì lại rất cần phải công khai danh tính vì họ là người của công chúng - người được xã hội coi như điểm sáng để trông vào.
Trên thế giới, một chính khách rất nổi tiếng làm thủ tướng mà sa vào con đường ăn chơi trác táng thì cũng bị công khai danh tính và đưa ra công luận. Việc công bố danh tính người bán dâm phụ thuộc vào sự công tâm của cơ quan điều tra để quyết định xem có nên công bố hay không. Nhưng theo tôi, với những người không phải nạn nhân thì nên công bố danh tính”.
"Nên chăng coi mại dâm là một nghề"
Theo Đại tá Tiến, chúng ta đang chống tệ nạn mại dâm tuy có quyết liệt nhưng vẫn chưa triệt để. Sự vào cuộc của các cơ quan đoàn thể, chính quyền, tổ chức xã hội vẫn chưa thực sự mạnh mẽ. Nếu chỉ giao cho lực lượng công an thì sẽ không thể xử lý triệt để tệ nạn này.
Mới đây, Mỹ Xuân đã bị khởi tố về hành vi môi giới mại dâm |
“Tôi muốn nói vấn đề ở đây là chúng ta nên có một sự nhìn nhận rằng mại dâm là một hiện tượng xã hội cần giải quyết lâu dài. Thực tế là vấn đề này Quốc hội cũng đang bàn luận. Nên chăng chúng ta công nhận đó như “một nghề” với những quy chế hoạt động đặc biệt, công khai hóa thì sẽ quản lý dễ hơn” - ông Tiến nói.
Đại tá Tiến cho rằng: “Nếu công khai mại dâm như một nghề thì nhà nước sẽ thu được thuế, hoạt động giáo dục cũng như phòng ngừa những căn bệnh lây lan qua đường tình dục cũng sẽ dễ dàng hơn. Và khi đó chúng ta chỉ chống những hành vi ngoài sự cho phép, lén lút ngoài những điều đã được quy định.
Nếu làm được việc này, chúng ta sẽ xử lý hình sự cả người mua dâm và người bán dâm bất hợp pháp khi đó chứ không xử lý hành chính nữa. Trong bối cảnh hiện nay, nếu chỉ xử lý hành chính người mua dâm và bán dâm thì đều không có tác dụng phòng chống tệ nạn này. Một tệ nạn mà không bị coi là có tội thì sẽ rất khó xử lý triệt để vì điều này cần đến sự chung tay của cả xã hội”.
(Theo Giáo dục VN)
Nhận xét
Đăng nhận xét