Với 432 khoản phí và lệ phí hiện hành, gánh nặng phí đang 'đè' nặng lên người dân, doanh nghiệp và cả môi trường đầu tư.
Giao thông là một trong các lĩnh vực có nhiều loại phí chồng phí nhất - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Ngủ đêm cũng tính phí
Ngày 30.8.2013, UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định điều chỉnh tăng mức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long. Đặc biệt, mức phí lần này (được áp dụng từ 1.1.2014) chia thành hai phần riêng biệt, bao gồm phí tham quan và phí ngủ đêm trên vịnh. Cụ thể, phí ngủ đêm trên vịnh Hạ Long là 200.000 đồng/khách/đêm; ngủ 2 đêm sẽ có phí 350.000 đồng/khách; 3 đêm là 400.000 đồng/khách. Phí ngủ đêm trên vịnh Bái Tử Long là 150.000 đồng/khách/đêm, 2 đêm 300.000 đồng/khách và 3 đêm giá 350.000 đồng/khách. Điều này đồng nghĩa với việc du khách tham quan kết hợp ngủ đêm trên tàu, ngoài chi phí thuê phòng còn phải trả thêm phí ngủ đêm trên vịnh.
|
Ngay sau khi có quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh, các hãng tàu lập tức thông báo phụ thu các hợp đồng đã ký kết trước đây với hãng lữ hành. Theo đó, chương trình 2 ngày 1 đêm buộc phải phụ thu thêm 320.000 đồng/khách; chương trình 3 ngày 2 đêm phụ thu thêm 400.000 đồng/khách.
Nhiều hãng lữ hành bất ngờ trước việc “bán bia kèm theo mồi” - tăng phí tham quan kèm theo phí ngủ đêm, bởi các hợp đồng đón khách quốc tế đã ký kết trước cả năm với đối tác nước ngoài. Ông Phạm Xuân Du, giám đốc một công ty du lịch ở TP.HCM chuyên đón khách Đức, phàn nàn “rất khó để thuyết phục đối tác điều chỉnh phụ thu”. Theo ông Du, chỉ trong vòng hai năm mà tăng phí đến hai lần và thêm phí ngủ đêm là điều rất vô lý, có thể khiến du khách không muốn tiếp tục hành trình đến vịnh Hạ Long.
Nông dân gánh 93 loại phí
Trao đổi với PV Thanh Niên, TS Ngô Trí Long, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và giá cả (Bộ Tài chính), cho biết hiện nay có đến 432 khoản phí và lệ phí đang được triển khai thu trên cả nước. Cụ thể, có 357 khoản phí và 75 khoản lệ phí; trong số này có 393 khoản thuộc thẩm quyền quyết định của trung ương, còn lại phân cấp cho địa phương.
Theo TS Long, VN nằm trong số những nước có mức thu thuế và phí rất cao so với khu vực. Trung bình trong 5 năm qua, tỷ lệ thu thuế, phí tính trên GDP (không kể dầu thô) của VN là hơn 20%, trong khi Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan chừng 15,5%, Philippines 13%, Indonesia 12,1%... “Việc thu phí và lệ phí đang bị lạm dụng, diễn ra ở mọi lĩnh vực trong đời sống của người dân, từ các loại phí dịch vụ chung cư cho tới phí chồng phí trong giao thông, y tế, giáo dục. Đáng nói là tình trạng “phép vua thua lệ làng” rất phổ biến trong thu phí. Như ở khu công nghiệp Mỹ Tho và cụm công nghiệp Trung An (Tiền Giang), công ty quản lý tự quy định mức phí bến bãi để thu tiền các phương tiện vận tải trung chuyển hàng hóa hoặc đậu lại qua đêm ở khu vực này”, TS Long nói.
|
Dẫn báo cáo của Bộ NN-PTNT, TS Long cho biết hiện nông dân phải gánh đến 131 khoản đóng góp, trong đó có 93 loại phí, lệ phí theo quy định của nhà nước và 38 khoản đóng góp xã hội khác. Ngoài các khoản phí, lệ phí theo quy định, một hộ nông dân bình quân mỗi năm phải đóng từ 250.000 - 800.000 đồng cho các khoản. Nhiều khoản chính quyền địa phương kêu gọi đóng góp tự nguyện nhưng thật ra là không đóng không được.
Ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại VN, nhận xét về chi phí hậu cần (được đo lường qua hai chỉ số là thời gian và tiền bạc) thì VN là một trong số những nước tốn kém nhất. Chi phí xuất khẩu một container ở VN là 580 USD, còn nhập khẩu mất 670 USD. Trong khi ở Malaysia, Singapore chi phí xuất khẩu khoảng 450 USD và nhập khẩu mất 435 USD/container. Chưa kể các khoản chi phí vô hình là thời gian. Để hoàn tất thủ tục xuất khẩu/nhập khẩu ở VN mất trung bình 21 ngày, trong khi Thái Lan là 13 ngày, Philippines là 14 ngày, còn Singapore chỉ 4 ngày… Những con số "biết nói" này gây ảnh hưởng không tốt về môi trường đầu tư của VN với nhà đầu tư nước ngoài.
Cần tiền nghĩ ngay đến... phí
TS Hoàng Thọ Xuân, Viện Nghiên cứu thương mại, cho rằng nhiều cơ quan quản lý hiện nay thiếu hoặc muốn tăng ngân sách, muốn kiếm tiền là nghĩ ngay đến phí. Tuy nhiên, thu phí thì nhiều nhưng chất lượng dịch vụ lại không tương xứng. Đơn cử, một ban quản lý chợ cũng có thể "đẻ" ra tới 7 - 8 loại phí để thu, như phí vệ sinh, phí an ninh trật tự, phí trông giữ xe… “Xu thế chung của các nước là giảm thu phí, tăng chất lượng dịch vụ, còn VN thì ngược lại. Trong bối cảnh kinh doanh, làm ăn khó khăn hiện nay mà đụng cái gì cũng trúng phí, lệ phí thì nguồn lực của người chịu phí bị tác động kinh khủng. Ở khía cạnh rộng lớn hơn, lạm thu phí khiến môi trường kinh doanh trở nên phức tạp, rối rắm và khắc nghiệt; doanh nghiệp thường xuyên bị thuế, phí, lệ phí… bao vây. Ở các nước, người ta làm gọn các loại thuế, phí nhưng ở ta thì chẻ nhỏ ra. Như vậy là không minh bạch”, TS Xuân nói.
Để hạn chế tình trạng lạm thu, TS Xuân đề xuất các bộ, ngành và địa phương cần đồng loạt rà soát lại các loại phí, lệ phí dưới sự chủ trì của Bộ Tài chính. Từ đó, xem xét khoản phí nào tiếp tục thu, khoản phí nào bất hợp lý thì bỏ. Còn theo TS Ngô Trí Long, đến lúc phải “nâng cấp” pháp lệnh thành một bộ luật về phí, lệ phí để phù hợp yêu cầu cuộc sống. “Nhóm chuyên gia, trong đó có tôi, đang triển khai đề tài nghiên cứu về phí, lệ phí để tìm ra những khoản thu bất hợp lý đề xuất Bộ Tài chính bỏ đi hoặc những khoản thu nào phù hợp thì giữ lại. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các địa phương bãi bỏ 340 loại phí, lệ phí nhưng cho đến nay, các địa phương vẫn chưa báo cáo đầy đủ đã bãi bỏ được những loại phí nào”, TS Long cho biết.
Sáng kiến “tận thu”
Theo ông Phạm Xuân Du, trên thế giới không có điểm tham quan nào thu phí ngủ đêm trên sông, biển như ở Quảng Ninh. “Ở Đức hay Myanmar đều có du thuyền đưa khách tham quan trên sông, biển và ngủ lại đêm ở trên tàu, nhưng không hề có loại phí ngủ đêm. Ngay ở nước ta cũng có loại hình tàu đưa khách tham quan trên sông Mê Kông rồi ngủ đêm trên tàu nhưng nào có phí ngủ đêm đâu. Chỉ Quảng Ninh mới có “sáng kiến” tận thu như vậy”, ông Du nói.
|
N.Trần Tâm
Nhận xét
Đăng nhận xét