Trần Hữu Hiệp
Báo Đầu tư Tài chính SGGP - 28/01/2025 13:13
(ĐTTCO)
- Sau năm 1975, ĐBSCL với vai trò là “vựa lúa” của cả nước, phải đứng
trước hàng loạt thách thức khắc nghiệt bởi chiến tranh để lại hậu quả nặng nề,
cơ sở hạ tầng yếu kém, dân cư chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp tự cung tự
cấp.
Vượt
qua nghèo khó
Sau năm 1975, ĐBSCL
với nhiều vùng đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn. Năm 1978, vùng này phải gánh chịu
trận lũ lớn và dịch rầy nâu tàn phá ruộng lúa chưa từng có trong lịch sử. Trong
khi cuộc chiến biên giới Tây Nam buộc quân và dân miền Tây vừa lao động sản xuất,
vừa ứng phó với chiến tranh.
Tuy nhiên, vượt lên
mọi gian nan, người đồng bằng đã thể hiện sức mạnh kiên cường, mở lối phát
triển vùng bằng khai hoang, tăng diện tích đất canh tác. Nhiều công trình thủy
lợi, kênh mương được xây dựng để cải tạo đất, ngăn mặn giữ ngọt.
Cái tên Đồng Tháp
Mười (gồm 3 tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang) là một trong những vùng chịu
ảnh hưởng nặng nề bởi đất phèn và ngập lụt. Nhưng nay đã có công trình thủy lợi
quy mô lớn nhằm cải tạo đất phèn và tích trữ nước ngọt. Nhờ vậy vùng này trở
thành khu vực sản xuất lúa lớn, góp phần gia tăng sản lượng lương thực và tham
gia xuất khẩu gạo.
Nhiều tỉnh đã phát
động phong trào khai hoang phục hóa để mở rộng diện tích đất canh tác. Tỉnh Hậu
Giang cũ bao gồm TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng ngày nay, đã phát
huy vai trò “tỉnh lúa”, với phong trào thi đua sản xuất nông nghiệp đã được
phát động ở nhiều địa phương. Hàng vạn hộ gia đình đã tham gia khai phá đất
hoang, cải tạo đất nhiễm phèn, mặn để gieo trồng.
Vùng U Minh Thượng (Kiên Giang), U Minh
Hạ (Minh Hải) vốn là vùng đất hoang sơ, đã được khai hoang, xây dựng hệ thống
kênh mương để dẫn nước ngọt và kiểm soát mặn. Các kênh nổi tiếng như kênh thoát
lũ ra biển Tây, kênh Tắc Cậu và Vĩnh Tế được phát huy, công trình thủy lợi bán
đảo Cà Mau không chỉ giúp cải thiện đời sống người dân, mà còn tạo điều kiện để
mở rộng diện tích sản xuất.
Năm 1986, công cuộc Đổi mới do Đảng và Nhà nước khởi xướng đã mở
ra một chương mới cho ĐBSCL. Các mô hình xé rào trong sản xuất nông nghiệp, hợp
tác xã và tập đoàn, khoán hộ ở An Giang, Long An, Hậu Giang, Tiền Giang… là
nguồn cung thực tiễn phong phú, dẫn đến các quyết sách Đổi mới của Trung ương.
Nhờ sản xuất hàng hóa, cơ chế kinh tế thị trường, vùng đất này
đã phát huy được tiềm năng to lớn. Chính sách khoán sản phẩm trong nông nghiệp
giải phóng sức lao động, mang lại những bước nhảy vọt về năng suất và sản lượng
lúa gạo.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của vùng cũng đối diện với những
vấn đề môi trường và xã hội. Sự khai thác tài nguyên không bền vững, tình trạng
sụt lún đất, xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu bắt đầu gây ra những tác động
nghiêm trọng. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân
lực thấp kém và đời sống người dân còn chênh lệch so với các vùng khác.
Tư duy phát triển bền vững
Quyết định 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL
thích ứng với biến đổi khí hậu, đã đặt nền móng cho một chiến lược dài hạn,
Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành, Quyết định 287/QĐ-TTg của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050,
là những dấu mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển mình của vùng đất Chín Rồng.
Đó là thay vì chạy theo sản lượng, ĐBSCL đang chuyển mình từ
“sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Nền kinh tế này không chỉ
dựa trên sản xuất, mà còn tạo ra nhiều hơn giá trị gia tăng từ chế biến, thương
mại và các dịch vụ gia tăng khác; không chỉ dựa vào tài nguyên hữu hình, hữu
hạn mà đổi mới sáng tạo từ tài sản vô hình như thương hiệu, tích hợp giá trị
liên ngành.
Chẳng hạn mô hình của Đề án 1 triệu ha vùng lúa chất lượng cao,
phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh. Các phương thức sản xuất “lúa - tôm”,
nuôi trồng thủy sản kết hợp phát triển năng lượng sạch và du lịch. Những giá
trị tri thức bản địa đang được kết hợp với khoa học công nghệ hiện đại, nhằm
tối ưu hóa nguồn lực và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, hàng hải và hàng
không; các trục dọc huyết mạch, đường ngang, đường vành đai ven biển phía Đông
và phía Tây; các tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao
tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Bắc Nam, đoạn tuyến Cần Thơ - Hậu
Giang - Cà Mau đang thi công; các trục Quốc lộ Nam Sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp,
tuyến N1, N2; các cầu lớn vượt sông Tiền, sông Hậu, Hàm Luông, Cao Lãnh, Cái
Lớn, Đầm Cùng… như những “chiếc đũa vàng” nối mạch Cửu Long Giang, vừa kết nối,
vừa tạo ra không gian phát triển mới cho các tiểu vùng, nội vùng ĐBSCL và liên
vùng với TPHCM, miền Đông Nam bộ.
50 năm là một hành trình đầy gian nan, nhưng cũng rực rỡ của
ĐBSCL - Thế đất Chín Rồng luôn sẵn sàng vươn mình vượt khó. Vùng đất này đã đi
từ nghèo khó, vươn lên trở thành trụ cột kinh tế, và nay đang chuyển mình thành
một mô hình phát triển bền vững, hội nhập toàn cầu.
https://dttc.sggp.org.vn/khat-vong-tuong-lai-cua-vung-dat-chin-rong-post119814.html
Nhận xét
Đăng nhận xét