Trần Hữu Hiệp
NLĐ - 09/12/2024 02:00
Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam đang nghiên cứu đề
xuất "Ngày lúa gạo Việt Nam".
PGS-TS Bùi Bá
Bổng - nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam - cho biết hiệp hội đang nghiên
cứu đề xuất "Ngày lúa gạo Việt Nam". Đề xuất này nếu được chấp
thuận sẽ mang nhiều ý nghĩa, gắn liền với các giá trị lịch sử, văn hóa, tinh
thần, tác động tích cực cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Trong quá khứ, đời
sống người dân Việt gắn liền với lúa gạo, từ thuở khai hoang lập ấp đến đánh
giặc giữ nước và xây dựng quê hương. Phụ nữ xưa mới sinh con thường dùng
"cơm rượu" cho ấm tỳ. Lễ thôi nôi luôn có nắm xôi bên cạnh cục đất,
cây viết cho đứa bé chọn lựa với mong ước sau này có ruộng đất cùng tri thức
mưu sinh. Chào nhau, người ta hỏi "ăn cơm chưa?". Mời tiệc nhau người
ta gọi là "dùng cơm thân mật". Bữa cơm hằng ngày thành giềng mối mọi
gia đình. Người Việt trân trọng gọi lúa gạo là hạt ngọc, là một giá trị cốt lõi
của nền văn minh nông nghiệp.
Lúa gạo ngày nay
không chỉ là ngành kinh tế tạo sinh kế cho hàng triệu nông dân và các tác nhân
trong chuỗi, lo ăn cho trăm triệu dân, mà còn cung cấp khoảng 20% sản lượng gạo
thương mại toàn cầu, đóng góp có trách nhiệm cho an ninh lương thực thế giới.
Việc dành một ngày
kỷ niệm trong năm cho lúa gạo không chỉ tôn vinh nông dân, nhà khoa học, doanh
nghiệp mà còn khẳng định vị thế quốc tế của gạo Việt. Kéo theo là những hoạt
động có ý nghĩa thiết thực, giúp cộng đồng nhận thức rõ hơn về giá trị và vai trò
của ngành lúa gạo từ góc độ kinh tế, văn hóa, xã hội đến bảo đảm an ninh lương
thực và bảo vệ môi trường.
Gạo Việt đang ở vị thế mới nhưng cũng đang phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường lúa gạo toàn cầu. Việc xây dựng hình ảnh gạo Việt là nhiệm vụ quan trọng. Ngày lúa gạo có thể tạo sân chơi để các bên liên quan, từ nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học đến nhà quản lý cùng nhau xây dựng chiến lược phát triển bền vững, là công cụ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu gạo Việt.
Người Việt trân trọng gọi lúa gạo là hạt ngọc, là một giá trị cốt lõi của nền văn minh nông nghiệp .Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ |
Ngành lúa gạo nước
ta đã có bước chuyển từ dấu chân lấm bùn của kinh tế tự nhiên, nông nghiệp
truyền thống sang kinh tế tri thức, nhưng cần tăng tốc hơn nữa để tham gia sâu
rộng hơn vào chuỗi giá trị công nghiệp sáng tạo toàn cầu.
Gạo Việt rất cần
trợ lực và sức bật mới từ các ngành công nghiệp sau gạo có giá trị gia tăng cao
như thực phẩm tiêu dùng, vật liệu, ngành dược, mỹ phẩm; bằng công nghệ chế biến
sâu và công cuộc chuyển đổi số toàn diện.
Hành trình mới cho
gạo Việt cần tư duy mới, tầm nhìn dài hạn, hiện thực hóa bằng các giải pháp,
biện pháp ngắn hạn nhưng yêu cầu xuyên suốt là phải liên tục đổi mới sáng tạo,
xây dựng và phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ dựa trên các tiêu chuẩn chất
lượng được truy xuất nguồn gốc.
Việc chọn một ngày cụ thể trong
năm là "Ngày lúa gạo Việt Nam" cần được trưng cầu ý kiến và kết quả
nghiên cứu của các nhà khoa học nông nghiệp, người nghiên cứu lịch sử, văn hóa.
Đây là một ý tưởng tốt, nếu được thực hiện một cách bài bản, gắn
với chiến lược phát triển ngành lúa gạo bền vững.
Song việc có quá nhiều ngày
của ngành, nghề, của các giới trong năm cũng dễ trở thành một sự kiện hình
thức, có thể trùng lắp các ngày kỷ niệm khác liên quan đến nông nghiệp. Cần cân
nhắc kỹ để các hoạt động phải thiết thực, tránh phô trương gây tốn kém, lãng
phí. "Ngày lúa gạo Việt Nam" không chỉ là ngày tôn vinh quá khứ mà
còn là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành lúa gạo trong tương lai.
https://nld.com.vn/ngay-lua-gao-viet-nam-196241208201705028.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét