Trần Hữu Hiệp
NLĐ - 06/01/2025 08:30
Năm 2025, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến khởi công 19 dự án giao thông lớn, trong đó có 8 dự án đường cao tốc trọng điểm nhằm hoàn thiện tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Đây là bước đột phá trong chiến lược phát triển hạ tầng, mở ra không gian phát triển mới cho cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam và vùng ĐBSCL.
Các đoạn tuyến cao tốc đã, đang và sẽ hoàn thành như là trục xương sống của quốc gia, kết nối 2 đầu đất nước, hình thành trục giao thông xuyên suốt, tạo điều kiện để các địa phương phát huy lợi thế cạnh tranh, thực thi liên kết vùng.
Theo Ngân hàng Thế giới, cứ 1% tăng trưởng đầu tư vào hạ tầng giao thông có thể giúp GDP tăng 0,5% - 0,7%. Việc đầu tư vào mạng lưới đường bộ cao tốc không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp mà còn thúc đẩy các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển.
Mạng lưới đường cao tốc còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với một số khu vực, nhất là ĐBSCL - vốn một thời gian dài trong tình trạng "khát" đường cao tốc. Đến nay, toàn vùng chỉ có hơn 200 km đường cao tốc - một con số khiêm tốn so với nhu cầu phát triển. Việc triển khai các dự án đường cao tốc mới như Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hay Cần Thơ - Cà Mau… sẽ thay đổi diện mạo của vùng này.
Nhiều công trình, dự án đầu tư trọng điểm đã được hoàn thành hoặc chạy nước rút về đích hay khởi công xây dựng với các đường cao tốc, trục dọc, đường ngang, đường vành đai ven biển phía Đông, phía Tây… đang kết nối nội vùng, liên vùng và thu hút đầu tư, du lịch, giao thương, phát triển hệ thống logistics cho toàn vùng.
Hệ thống đường cao tốc không những giúp kết nối các đô thị lớn như Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau, tạo ra các hành lang kinh tế mà còn giúp những khu công nghiệp, cụm kinh tế ven biển ở Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre phát triển mạnh mẽ hơn. Thời gian di chuyển được rút ngắn, khách du lịch cũng sẽ dễ dàng tiếp cận các điểm đến nổi tiếng trong vùng ĐBSCL.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, tại Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên hay bán đảo Cà Mau vẫn còn một số vùng nguyên liệu nông sản trong tình trạng "khuất nẻo". Bài học về các dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ vẫn còn nguyên giá trị. Sự cấp thiết trong việc phát triển giao thông vẫn cần được nhắc lại để nhiệm vụ nâng cấp hạ tầng cho miền Tây không dừng lại ở sự hứa hẹn.
Để phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống đường cao tốc, cần kết hợp với quy hoạch đô thị, khu công nghiệp và bảo vệ môi trường. Thực tế từ các quốc gia phát triển cho thấy đường cao tốc giúp định hình không gian phát triển. Việc tích hợp hạ tầng xanh, ứng dụng công nghệ trong quản lý và điều hành giao thông sẽ giúp Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu phát triển bền vững.
Việc đầu tư mạnh mẽ vào mạng lưới đường cao tốc, nhất là tại các vùng còn nhiều tiềm năng như ĐBSCL, chính là lời cam kết về phát triển kinh tế, tạo động lực để xây dựng một Việt Nam hùng cường. Trục xương sống đường cao tốc sẽ là biểu tượng của sự chuyển mình mạnh mẽ, góp phần đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
https://nld.com.vn/mo-ra-khong-gian-phat-trien-moi-196250105212825069.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét