TTO -
Trái ngược với cảnh nhộn nhịp những năm trước đây của thời mua hàng miễn thuế,
các trung tâm thương mại, siêu thị, khu phi thuế quan ở các khu kinh tế (KKT) cửa
khẩu giờ đây đang “chết lâm sàng”, chờ chuyển đổi công năng.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch - đầu tư cho thấy cả nước hiện có 26 KKT cửa khẩu đã
đi vào hoạt động nhưng chỉ có vài KKT được đánh giá thành công, trong đó đặc
biệt là Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh).
Những công trình trăm tỉ rệu rã
2h chiều một ngày tháng 10-2018, trung tâm của KKT cửa
khẩu Mộc Bài tại xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh vắng hoe, chốt gác
trống trơn. Phía trong cổng chào, gần chục cửa hàng miễn thuế bị bỏ hoang, vật
liệu trang trí bên ngoài các cửa hàng bắt đầu bong tróc, hư hỏng. Phía sau cửa
kính vẫn còn ngổn ngang quầy kệ và một vài gói hàng vương vãi...
Kể từ khi chấm dứt
chính sách miễn thuế, tình trạng kinh doanh ế ẩm, doanh nghiệp, siêu thị nào
cũng thua lỗ kéo dài. Hàng trăm tỉ đồng đầu tư xây dựng giờ bỏ hoang, đó là
chưa kể lượng hàng tồn kho phải ôm và bán tháo chịu lỗ.
Ông Ung Văn Thảnh (giám đốc Công ty TNHH Công Thảnh - người bỏ ra gần 25 tỉ
đồng xây dựng hai siêu thị trong KKT cửa khẩu Tịnh Biên, An Giang)
Tiêu điều nhất là các dự án nhà ở liền với khu đô thị cửa khẩu từng được
truyền thông là thành phố Mặt Trời với diện tích rộng cả trăm hecta. Khu đô thị
hiện đã được đầu tư đường giao thông, điện, nước đầy đủ nhưng chỉ có vài người
ở. Dãy nhà văn phòng một trệt hai lầu ở mặt tiền đường chính ghi của Công ty cổ
phần địa ốc An Phú, Công ty AMASCO... xây dựng trên 10 năm nay giờ để trống,
xuống cấp theo thời gian.
Từng được xem là điểm nhấn quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Đông -
Tây kéo qua bốn nước Việt Nam - Lào - Thái Lan - Myanmar, và cũng từng là một
KKT sầm uất của khu vực miền Trung, nhưng đến nay, KKT thương mại Lao Bảo
(Hướng Hóa, Quảng Trị) rơi vào cảnh đìu hiu.
KKT thương mại Lao Bảo ra đời từ năm 1998. Đến năm 2005, khu này được hưởng
chính sách ưu đãi đặc thù và trở thành KKT thương mại đặc biệt Lao Bảo. Theo
ban quản lý KKT tỉnh Quảng Trị, đỉnh cao của KKT này là vào giai đoạn 2008 -
2010. Thời điểm đó, nơi đây đã thu hút được 67 dự án đầu tư với tổng số vốn
đăng ký lên đến 4.500 tỉ đồng, trong đó có 46 dự án đã đi vào hoạt động với
tổng vốn đầu tư trên 3.000 tỉ đồng. Cũng giai đoạn đó, Lao Bảo đã thu hút 550
doanh nghiệp đến đầu tư kinh doanh và hơn 3.000 hộ kinh doanh cá thể. Khu này
cũng trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch với sự sầm uất này.
Tuy nhiên, sự sầm uất đó đã biến mất. Thay vào đó là sự đìu hiu vắng lặng
đến hoang tàn. Ngay như khu thương mại Lao Bảo, vốn là nơi nhộn nhịp người mua
bán nằm ngay giữa trung tâm Lao Bảo, nay cũng vắng hoe. Nhiều tiểu thương đã
phải ngậm ngùi đóng cửa, ngừng kinh doanh.
Ngay lúc này, bất cứ ai khi đến các KKT cửa khẩu nằm dọc đường biên giới Tây
Nam đều cảm thấy xót xa "đứt ruột". Bởi chỉ mới hai năm về trước, các
trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng phi thuế quan bên trong các KKT cửa
khẩu này lúc nào cũng đông người mua bán. Còn nay là khung cảnh ảm đạm, hoang
vắng, các công trình đang dần tàn phế.
KKT cửa khẩu Tịnh Biên, An Giang tạm dừng hoạt động hai năm qua vì không có
khách. Hàng loạt siêu thị, trung tâm thương mại được doanh nghiệp đầu tư xây
dựng hàng trăm tỉ đồng đành phải "đắp chiếu".
Len lỏi vào bên trong các siêu thị, trung tâm thương mại nằm trên mảnh đất
hơn 10ha này mới thực sự thấy xót xa. Các gian hàng đều cửa đóng then cài,
những bức tường bao quanh dường như già nua theo năm tháng. Những khung cửa
được làm từ sắt thép cũng rệu rã... Bên ngoài, một không gian um tùm của cây cối
bao phủ càng tô lên vẻ âm u của một "thành phố ma" nơi biên cương
vắng vẻ.
Đồng cảnh ngộ với An Giang, hầu hết các KKT cửa khẩu ở Đồng Tháp, Kiên
Giang, Long An cũng được đầu tư hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn tỉ đồng để
rồi sau đó dần bị bỏ rơi vào dĩ vãng.
Được thành lập năm 2007, KKT cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) từng được kỳ vọng
là động lực phát triển kinh tế cho cả vùng. Nhưng nay thì các doanh nghiệp
"tháo chạy" khỏi đây, vứt bỏ lại những công trình tiền tỉ...
Thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trung tâm giao dịch, buôn
bán nằm trong KKT cửa khẩu Cầu Treo. Từ khi không có các chính sách ưu đãi về
thuế, thị trấn này đìu hiu, không còn cảnh mua bán tấp nập như trước nữa. Siêu
thị bán hàng miễn thuế đóng cửa. Chợ trung tâm thương mại Tây Sơn được xây dựng
quy mô hai tầng nhưng chỉ có hoạt động mua bán diễn ra ở tầng trệt, để người
dân mua sắm nhu yếu phẩm hằng ngày. Những kiôt bán hàng điện tử không có lấy
một người lạ mặt hỏi mua vì hàng hóa không còn miễn thuế.
Hết miễn thuế, rơi vào đìu hiu
KKT cửa khẩu, cái tên một thời từng được kỳ vọng nắm giữ vai trò then chốt
thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh miền núi và biên giới. Chính
sách này cũng từng được xem là nhằm tăng cường hoạt động thương mại, phát triển
kinh tế theo phương châm "đa dạng hóa, đa phương hóa" quan hệ hợp tác
kinh tế giữa các nước có đường biên giới chung với Việt Nam.
Thời gian đầu, nơi đây được áp dụng chính sách bán hàng nhập khẩu miễn thuế
đối với khách tham quan du lịch. Do đó, mỗi ngày các khu mua sắm, trung tâm
thương mại ở KKT cửa khẩu thu hút hàng nghìn lượt người. Có nơi, doanh số bán
hàng có thời điểm đạt trên 1 tỉ đồng/ngày. Nhưng cũng chỉ được vài năm, do
không còn chính sách mua hàng miễn thuế nên từ khi có thông tư 109 của Bộ Tài
chính (năm 2014) lượng khách về đây giảm mạnh. Các siêu thị, trung tâm thương
mại kinh doanh các mặt hàng từ bách hóa, thực phẩm, gia dụng, may mặc, rượu
bia, điện máy, điện tử... nhập khẩu và trong nước sản xuất cũng lần lượt nối
đuôi nhau "sụp đổ".
Ông Ung Văn Thảnh - giám đốc Công ty TNHH Công Thảnh - tâm sự ông bỏ ra gần
25 tỉ đồng xây dựng hai siêu thị trong KKT cửa khẩu Tịnh Biên, một để kinh
doanh, và một được phân ra các gian kiôt cho doanh nghiệp khác thuê lại bán
hàng. "Kể từ khi du khách hết được hưởng chính sách miễn thuế, tình trạng
kinh doanh ế ẩm, doanh nghiệp, siêu thị nào cũng đều thua lỗ kéo dài. Hàng
trăm tỉ đồng giờ bỏ hoang, đó là chưa kể lượng hàng tồn kho phải ôm và bán tháo
chịu lỗ" - ông Thảnh nói.
Một nguyên nhân khác mà theo các chuyên gia đánh giá đã làm các KKT cửa
khẩu "sớm nở tối tàn" là vì hình thành ở nơi hẻo lánh, trong khi hạ
tầng giao thông còn kém, chưa đồng bộ. Ông Trần Văn Tấn - phó ban quản lý KKT
tỉnh Đồng Tháp - cho rằng các KKT cửa khẩu chưa phát triển như kỳ vọng vì còn
nhiều cái vướng như giao thông chưa phát triển đồng bộ, tiếp cận đất đai còn
khó, yếu tố gián tiếp từ tình hình an ninh biên giới.
* Bộ trưởng Bộ Kế
hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng:
Sẽ rà soát, đánh giá
hiệu quả
Bên cạnh những KKT phát triển chưa như kỳ vọng, những năm qua có nhiều KKT
cửa khẩu phát triển thành công. Hai KKT cửa khẩu thành công rõ nét nhất là Đồng
Đăng (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh). Việc thành lập hai KKT cửa khẩu này
đã thúc đẩy hàng hóa xuất nhập khẩu không chỉ riêng hai tỉnh mà cho cả nước.
Hầu hết hàng hóa xuất khẩu qua Trung Quốc đều qua hai KKT cửa khẩu này. Có thể
nói hai KKT cửa khẩu này đã tạo động lực cho cả nền kinh tế.
Bộ Kế hoạch - đầu tư sẽ đánh giá lại hiệu quả hoạt động từng KKT cửa khẩu,
có một số KKT chưa đạt được tốc độ phát triển như kỳ vọng, và có nhiều nguyên
nhân dẫn đến sự thiếu hiệu quả của các KKT.
Việc triển khai xây dựng các KKT cửa khẩu có tính đến các ưu đãi về thuế
quan sẽ mất dần đi khi nền kinh tế hội nhập sâu. Nhưng đó là một cuộc chơi, khi
Chính phủ, quốc gia đặt mục tiêu muốn gì thì mình điều chỉnh chính sách theo đó
để đạt được mục tiêu. Ví dụ, ta muốn khuyến khích đầu tư vào khu nào, lĩnh vực
nào thì gia tăng ưu đãi cho lĩnh vực đó. Chẳng hạn, muốn khuyến khích đầu tư
vào nông nghiệp, vùng sâu vùng xa, hay lĩnh vực công nghệ cao phải ban hành
những chính sách cụ thể. Các chính sách ưu đãi luôn phụ thuộc vào mục tiêu của
Chính phủ, quốc gia.
Khi thành lập các KKT, Chính phủ muốn tạo ra các cực tăng trưởng, tạo thành
đầu tàu kinh tế có sức lan tỏa, lôi kéo, thúc đẩy cả một khu vực phát triển.
Việc phát triển các KKT góp phần tạo ra những khu được đầu tư đồng bộ về hạ
tầng, quy hoạch, đất đai, cơ chế chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp tập
trung, cùng phát triển. Nếu để các doanh nghiệp phát triển lẻ tẻ bên ngoài sẽ
rất lãng phí nguồn lực, tốn kém về đầu tư, việc gom doanh nghiệp tập trung vào
các khu công nghiệp, KKT đương nhiên hiệu quả hơn rất nhiều.
BẢO NGỌC ghi
* TS Trần Hữu Hiệp:
Cần cơ chế hợp tác quốc gia hiệu quả
Để khắc phục tình
trạng trống vắng, dở dang của các KKT cửa khẩu, đã có một số ý kiến đề xuất nên
chuyển đổi công năng hoạt động các khu thương mại cửa khẩu sang khu, cụm công
nghiệp, kho ngoại quan, làm dịch vụ hậu cần logistics. Nhưng chuyển đổi sang mô
hình cụ thể nào cho phù hợp trong kinh tế hội nhập, để phát huy hiệu quả, còn
là bài toán khó.
Giải bài toán các
KKT cửa khẩu đang cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận mới trong xu thế hội nhập,
cạnh tranh; giải quyết tổng thể các vấn đề xuyên biên giới hơn là những đối phó
cắt khúc ngắn hạn. Quy hoạch và thực hiện đầu tư phát triển khu vực biên giới
cần có "hệ đệm" vững chắc của tuyến dân cư với điều kiện kinh tế - xã
hội được ưu tiên đầu tư tốt hơn và "biên giới mềm" được xây dựng trong
môi trường hòa bình, hợp tác.
Cần xây dựng một
cơ chế phối hợp năng động và hiệu quả giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và
tăng cường hơn nữa sự hợp tác quốc tế với các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong.
Vấn đề là cần nâng mối quan hệ hợp tác đó lên tầm cao mới, trên cơ sở lợi ích
của các bên. Cần cụ thể hóa các thỏa thuận, cam kết trong khuôn khổ Ủy ban sông
Mekong để có được một cơ chế hợp tác quốc gia hiệu quả.
H.T.DŨNG ghi
Giải cứu thế nào?
* Ông Trần Văn Tấn -
phó ban quản lý kkt tỉnh đồng Tháp:trước xu thế hội nhập kinh tế, bãi bỏ thuế quan, ban quản lý KKT tỉnh Đồng
Tháp đã trình UBND tỉnh nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch lại các KKT cửa khẩu.
Trước đây, KKT cửa khẩu do Chính phủ phê duyệt nên muốn điều chỉnh phải có ý
kiến của trung ương. Để khai thác KKT cửa khẩu nên phát triển các đô thị biên
giới, các khu thương mại dịch vụ, sản xuất hàng hóa phục vụ tại chỗ và xuất
khẩu qua các nước lân cận. Bên cạnh đó, địa phương cũng rất cần trung ương tiếp
tục hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông hoàn chỉnh,
đồng bộ.
* Ông Nguyễn Minh
Phong - trưởng ban quản lý KKT cửa khẩu An Giang: Thủ tướng Chính
phủ đã đồng ý chuyển đổi công năng các khu phi thuế quan đã đóng cửa thời gian
qua. Hiện đơn vị đang làm hồ sơ, thủ tục trình UBND tỉnh chuyển đổi công năng
khu thương mại Tịnh Biên thành khu thương mại tự do. Khi có chủ trương đầu tư cụ
thể thì nhiều doanh nghiệp có thể sẽ quay lại.
* Ông Dương Tất Thắng, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh:nếu áp dụng chính
sách chung như hiện nay, việc thu hút đầu tư, phát triển KKT cửa khẩu Cầu Treo
sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nên cần có một cơ chế đặc thù. Hiện Hà Tĩnh đang cân
nhắc biến KKT này thành một trung tâm logistics - một bãi trung chuyển hàng hóa
lớn từ nội địa lên và từ Lào về. Việc này đã được tỉnh thăm dò các nhà đầu tư,
khảo sát các đơn vị vận tải hàng hóa qua cửa khẩu và nhận thấy việc phát triển
logistics tại đây là khả quan. Tuy nhiên, để triển khai thành công thì cần có
cơ chế chính sách hỗ trợ.
DƯƠNG
NGỌC HÀ - QUỐC NAM - CHÍ HẠNH - BỬU ĐẤU - NGỌC TÀI - SƠN LÂM - VĂN ĐỊNH
Nhận xét
Đăng nhận xét