Trần Hữu Hiệp
Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật và tình trạng nợ
đọng, nợ xấu văn bản đang là thách thức lớn của nhà nước pháp quyền, Chính phủ
kiến tạo. Mặc dù hơn 90% văn bản luật là do Chính phủ dự thảo, trình Quốc hội
thông qua, nhưng Chính phủ lại là “con nợ” lớn.
Một thời gian dài, số lượng văn bản
hướng dẫn luật, pháp lệnh chậm ban hành, nợ đọng kéo dài, không bám sát thực
tiễn cuộc sống. Một báo cáo của Bộ Tư pháp năm 2014 cho thấy tình trạng “nợ
đọng văn bản” chiếm tới 74,44%. Nhiều dự thảo văn bản hướng dẫn luật xa rời
thực tế, bị dư luận phản đối.
Khi Luật Thi hành án hình sự quy định
hình thức tử hình bằng tiêm thuốc độc có hiệu lực, thì tử tội vẫn phải “chờ
chết kiểu mới” vì chưa có nghị định hướng dẫn thi hành. Tình trạng chờ nghị
định hướng dẫn thi hành cũng xảy ra đối với Luật Quy hoạch năm 2017. Trong khi
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ lâu đã quy định “Dự thảo văn bản
quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp
lệnh và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn
bản”.
Luật chờ nghị định, rồi đến lượt nghị
định của Chính phủ lại phải “nhờ vả” thông tư của các bộ quy định chi tiết.
Thậm chí, luật trung ương còn phải chờ chính quyền địa phương “cụ thể hóa” thì
mới đến được với người dân. Đường đi của nhiều đạo luật lắm nhiêu khê.
Năm 2017, lần đầu tiên trong nhiều năm,
Chính phủ không còn nợ đọng văn bản. Công tác xây dựng thể chế pháp luật của
Chính phủ đã có nhiều tiến bộ, nhưng người dân khó an tâm trước con số thống kê
chính thức mới đây của Bộ Tư pháp, trung bình mỗi ngày có đến 23,6 văn bản trái
pháp luật được ban hành. Từ nợ đọng đến nợ xấu văn bản đang là thách thức lớn,
rất cần giải pháp hữu hiệu để xử lý nợ đọng, giải quyết nợ xấu, quy trách nhiệm
rõ ràng người đứng đầu.
Vụ anh thợ điện ở Cần Thơ đổi 100 USD bị
phạt 90 triệu đồng đã làm nóng dư luận cả nước, lan tỏa vào phiên họp Quốc hội,
không chỉ cho thấy việc áp dụng pháp luật cứng nhắc của địa phương mà còn bộc
lộ quy định bất hợp lý của Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 về việc xử
phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Trả lời báo chí
bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho
biết, nghị định này đang nằm trong kế hoạch sửa đổi năm nay.
Khoản 2c, Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành
chính quy định rõ “Việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính
phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm”. Qua vụ “phạt anh thợ
điện”, cho thấy cơ quan thẩm quyền đã không tuân thủ nguyên tắc quan trọng này,
dẫn đến tình huống trớ trêu là người đổi trái phép 1 USD cũng bị phạt tiền như
đổi 1 triệu USD. Nó cũng bộc lộ “chất lượng kém” của văn bản dưới luật”. Cụ thể
là khoản 3a, Điều 24 của Nghị định 96 có “cấu thành hình thức” với mức xử phạt
chung 80 - 100 triệu đồng cho mọi hành vi “mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không
được phép thu đổi ngoại tệ” mà đáng lẽ ra phải là quy định “cấu thành nội
dung”, căn cứ vào tính chất, mức độ khác nhau như Luật Xử lý vi phạm hành chính
quy định.
Nợ xấu văn bản hướng dẫn thi hành luật
còn xuất hiện ở nhiều bộ, ngành. Một số điển hình mà nhiều người dân còn nhớ là
Quyết định số 33/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế với những cái “chuẩn trời ơi” là “thấp
bé, nhẹ cân, ngực lép” không đủ tiêu chuẩn sức khỏe để lái xe trên 50 phân
khối. Rồi đến quy định của Bộ NN-PTNT về việc “phạt người sử dụng phân bón
giả”; quy định của Bộ VH-TT-DL về “quan tài không nắp kiếng”; rồi đến quy định
“phạt xe không chính chủ” mặc dù cần, nhưng bất ngờ, cà giựt, chưa được chuẩn
bị tốt, tác động tiêu cực đến số đông dân chúng... phải để chậm lại việc thi
hành.
Chất lượng văn bản của các bộ, ngành
chưa đảm bảo bởi sự “cơi nới” thêm quy định của luật. Khoản 2c, Điều 25 Luật
Báo chí năm 2016 quy định “Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà
báo”, nhưng một số bộ, ngành đã ra hướng dẫn, đẻ thêm các loại “giấy phép con”
như phải có công văn, giấy giới thiệu làm khó nhà báo tác nghiệp. Khoản 1, Điều
4 Thông tư số 01/2014/TT-CA ngày 28-4-2014 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
lại quy định “Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải
xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác” đã làm khó nhà báo tác
nghiệp, trái tinh thần và nội dung cải cách của Luật Báo chí.
Các phiên chất vấn bộ trưởng, trưởng
ngành tại các kỳ họp Quốc hội vừa qua về nợ công, nợ giáo dục, nợ đọng văn bản
chỉ mới là “nhắc nợ”, chưa phải “trả được nợ”. Nợ đọng, nợ xấu văn bản quy phạm
pháp luật đang là mối lo. Yêu cầu xây dựng pháp luật cũng cấp bách như điều
hành kinh tế, cần giải quyết ngay tình trạng nợ đọng, xử lý nợ xấu văn bản để
khơi thông “dòng chảy pháp luật” đến được với dân. Xem ra các “con nợ” phải làm
việc cật lực hơn thì mới mong trả được nợ dân!
Nhận xét
Đăng nhận xét