Báo
Tuổi Trẻ, ngày 27/10/2018 09:43
GMT+7
Trần Hiệp Thủy
TTO - Vụ trao đổi 100 USD đang làm nóng dư luận cả nước. Xét về vật chất,
số ngoại tệ trao đổi và số tiền phạt vi phạm chỉ là "chuyện nhỏ",
nhưng nó đã làm ngộ ra nhiều điều đáng suy ngẫm dưới góc độ pháp lý, môi trường
kinh doanh và niềm tin xã hội.
Việt Nam xếp thứ 2 khu vực và là một trong 10 nước nhận lượng kiều hối hàng
đầu thế giới, phần lớn trong số đó là USD. Mức lan tỏa của vụ việc sẽ có
tác động mạnh đến niềm tin của doanh nghiệp và người dân, vì đụng chạm đến một
lĩnh vực phổ biến và nhạy cảm là kiều hối và việc thực thi pháp luật trong môi
trường kinh doanh đang được Chính phủ nỗ lực cải thiện.
Dưới góc độ pháp lý, có ý kiến phân tích các căn cứ để chính quyền Cần Thơ
xử phạt hành vi mua bán 100 USD là đúng. Tuy nhiên, Luật xử lý vi phạm hành
chính quy định rõ việc xử phạt phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi
phạm, đối tượng vi phạm, đặc biệt là xác định rõ yếu tố lỗi. Nguyên tắc
này đòi hỏi người có thẩm quyền trước khi ra quyết định xử phạt phải làm rõ,
phân tích mức độ cũng như tính chất đối với từng hành vi vi phạm. Và tất
cả tình tiết đó đều phải được ghi trong biên bản xử phạt. Một người dân bình
thường như anh thợ điện Nguyễn Cà Rê không thể biết chủ tiệm vàng có quyền mua
ngoại tệ hợp pháp hay không khi anh ta có nhu cầu trao đổi. Yếu tố lỗi
trong vụ việc này chưa được minh định. Tính chất, mức độ giá trị vi phạm không
lớn. Biên bản vi phạm hành chính số 56/BB-VPHC lập ngày 13-8, sau khi xảy ra vi
phạm gần 7 tháng, không đảm bảo nguyên tắc kịp thời.
Cho đến nay, phía đại diện chính quyền và Công an TP Cần Thơ vẫn cho rằng
vụ xử phạt hành chính được tiến hành có căn cứ, đúng trình tự, thủ tục luật
định. Mặc dù vậy, dư luận báo chí, giới luật gia và luật sư đã đặt ra
nhiều nghi vấn về những bất thường và nhập nhằng, chưa rõ ràng từ lệnh khám xét
nhà ở của cá nhân vi phạm hay trụ sở kinh doanh doanh nghiệp? Căn cứ nào
để tịch thu 20 viên kim cương và 19.910 viên đá nhân tạo trong phòng riêng
không phải đang bày bán? Các vấn đề pháp lý liên quan thời hiệu xử lý căn cứ biên bản vi phạm và
thời điểm ra quyết định xử lý vi phạm hành chính… cần được tiếp tục làm rõ. Cơ quan chức năng
có nghĩa vụ phải chứng minh rõ các loại tài sản trên là "hàng hóa kinh
doanh" do hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ của tiệm
vàng Thảo Lực hay là tài sản đang được cất giữ của ông Lực, phải thông tin để
làm sáng tỏ, chứ không thể nại lý do đối tượng bị xử phạt chưa có khiếu nại nên
từ chối trả lời.
Nếu những vấn đề trên không được giải quyết rõ ràng, có khả năng tạo ra
tiền lệ xấu. Trật tự quản lý ngoại tệ cần được đảm bảo, nhưng quyền sở hữu tài
sản hợp pháp của công dân phải được tôn trọng.
Bên hành lang Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời
báo chí là đã giao cho cấp dưới tiếp cận, kiểm tra hồ sơ vụ việc để tư vấn cho
UBND TP Cần Thơ có hướng xử lý phù hợp, đồng thời cho biết nghị định 96/NĐ-CP -
văn bản mà chính quyền TP Cần Thơ làm căn cứ xử phạt anh Rê - nằm trong kế
hoạch sửa đổi vào năm nay.
Dư luận đang theo dõi bước xử lý tiếp theo của các cơ quan chức năng TP Cần
Thơ. Tính minh bạch, thuyết phục nhìn ở góc độ pháp lý của vụ việc này
chắc chắn có tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh và niềm tin xã hội. Ai
thắng ai, kể cả khi ra tòa (nếu có) sẽ có tác động tích cực hay tiêu cực với
những điều nêu trên.
TTO - Liên quan vụ
mua bán 100 USD ở tiệm vàng bị UBND TP Cần Thơ xử phạt tổng cộng 270 triệu
đồng, phóng viên Tuổi Trẻ đã gặp những người trong cuộc, và họ nói gì?
Nhận xét
Đăng nhận xét