Báo Tuổi Trẻ, ngày 01-10-2018
Trần Hữu Hiệp
Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có Công văn yêu cầu tăng cường quản lý việc
sử dụng thuốc trừ cỏ trong giao thông, đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở chuyên
ngành, UBND các cấp và các tổ chức, cá nhân liên quan không dùng thuốc trừ cỏ với
mục đích phi nông nghiệp, tại nơi công cộng, đông dân cư, ven đường, trên các
công trình giao thông gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi và môi
trường.
Mấy năm trước đây Tổng cục Đường bộ VN đã yêu cầu các Cục Quản lý đường
bộ, các Sở Giao thông vận tải kiểm tra, xử lý nghiêm việc sử dụng thuốc diệt cỏ
dọc theo các tuyến giao thông. Điều 5.1.2.5, Tiêu chuẩn cơ sở số 07:2013/TCĐBVN
về Tiêu chuẩn kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên đường bộ đã quy định “Tuyệt đối
không được sử dụng các thuốc hóa học, thuốc diệt cỏ thay cho cắt cỏ”. Nhiều địa
phương đã chỉ đạo việc tăng cường quản lý nhà nước thuốc bảo vệ thực vật, nhưng
tình trạng lạm dụng thuốc sâu, thuốc cỏ cứ diễn ra. Môi trường ngày càng ô nhiễm
hơn, thực phẩm kém an toàn hơn, số người mắc bệnh và tử vong vì ung thư tăng mà
nguyên nhân từ những hệ lụy trên ngày càng nhiều.
Nông dân sử dụng thuốc sâu phổ biến |
Theo Tổng hội Nông nghiệp & PTNT, Việt Nam là một trong những quốc
gia sử dụng thuốc BVTV nhiều và khó kiểm soát. Hiện có 217 hoạt chất với 664
tên thương phẩm đăng ký phòng trừ cỏ dại.
Không thể phủ nhận “lợi ích” của thuốc diệt cỏ. Theo các nhà chuyên môn,
cỏ dại có thể làm giảm 40-45% năng suất lúa và hoa màu. Chi phí trừ cỏ dại theo
phương thức sản xuất hữu cơ cao gấp 20 lần so với dùng thuốc hóa học. Lợi nhuận
trước mắt khiến người ta lạm dụng thuốc cỏ. Hiện có khoảng 40% nông dân dùng
thuốc BTVT theo thói quen, tự bắt bệnh, tự mua thuốc. Cửa hàng và người buôn
bán thuốc nhiều, điều kiện kinh doanh còn lỏng lẻo, lực lượng thanh tra mỏng,
khó quản lý. Hệ thống hơn 10.000 đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật ở ĐBSCL chính
là các “phòng khám bệnh cây trồng” không có chuyên môn, chuyên tư vấn cho nông
dân dùng thuốc mà tiêu chí chọn lựa ưu tiên vẫn là chủng loại thuốc có chiết khấu
huê hồng cao.
Tăng cường quản lý thuốc trừ cỏ là cần thiết. Bộ chỉ đạo xuống tỉnh,
tỉnh xuống huyện, huyện xuống xã. Trong khi cấp cơ sở thiếu kiến thức chuyên
môn, thực tế nhiều cán bộ không thể phân biệt được loại thuốc bảo vệ thực vật
nào người dân được phép dùng hay không, nên hiệu quả quản lý nhà nước kém. Yêu
cầu đặt ra là phải “diệt cỏ tận gốc” chứ không phải chỉ bằng cách kêu gọi ý thức,
qui định chung chung thiếu tính khả thi, thiếu chế tài không đủ mạnh để xử lý.
Đầu vào của thuốc cỏ ở chỗ, hàng năm nước ta vẫn phải chi hàng tỉ
USD cho việc nhập nguyên liệu sản xuất thuốc BVTV. Một cường quốc nông nghiệp
mà diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ chưa đến 1%, nên phải dùng nhiều
thuốc hóa học. Trong khi các tiêu chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm thuốc
BVTV còn nhiều bất cập trước yêu cầu bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sống
ngày càng cao. Thái độ tiêu cực của chính con người bởi các phương thức sản xuất,
sinh hoạt, thói quen tiêu dùng chính là khách hàng lớn của nhà sản xuất thuốc
sâu.
Theo các chuyên gia, cần có lộ trình rõ ràng giảm sử dụng thuốc BVTV
khoảng 30-40% mỗi năm, nâng tỷ lệ thuốc sinh học lên 40-60% từ nay đến năm 2020
và nâng cao tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm theo hướng giảm tối đa mức độ ô
nhiễm môi trường và tuyệt đối không nguy hại sức khỏe con người. Cần tổng rà
soát, sắp xếp, xử lý các cơ sở sản xuất và các sản phẩm thuộc BVTV không đảm bảo.
Tăng cường hướng dẫn, huấn luyện nông dân sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm, an
toàn và hiệu quả.
Quan trọng hơn việc cấm và quản sử dụng thuốc BVTV là xây dựng các chuỗi giá trị “sản xuất và tiêu dùng xanh”
trên cơ sở hình thành các cụm kinh tế ngành và hệ thống phân phối đảm bảo truy
xuất nguồn gốc. Quản lý thuốc cỏ không chỉ là việc dùng thuốc cỏ, cần tiếp
cận từ gốc, phối hợp và giải quyết liên ngành.
Nhận xét
Đăng nhận xét