Trần Hữu Hiệp
Đợt triều cường lịch sử nửa đầu tháng 10 năm nay làm
ngập nhiều khu vực đô thị ở ĐBSCL.
Đã qua thời đợi mùa nước nổi hằng năm mang theo bao
sản vật trời cho của dòng Mê Kông, người dân ĐBSCL nay phải căng mình ứng phó,
xoay chuyển đảo chiều từ khô hạn đến ngập sâu.
Biến đổi khí hậu, nước
biển dâng không còn là dự báo trong kịch bản mà đã hiển hiện ở ĐBSCL. Trận hạn
mặn lịch sử năm 2016, thời tiết thay đổi thất thường và tần suất các vụ sạt lở
bờ sông diễn ra thường xuyên hơn. Đặc biệt, sụt lún nền đất như "kẻ thù
giấu mặt" đang làm cho ĐBSCL "chìm dần", rất cần những nghiên
cứu bài bản để góp phần lý giải cho tình trạng khu vực đô thị, nông thôn bị
ngập sâu cục bộ năm sau cao hơn năm nước. Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy
tốc độ sụt lún ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng hơn (trung bình 1,1cm/năm), có
nơi 2,5 cm/năm, cao hơn 10 lần so tốc độ nước biển dâng. Mực nước ngầm ở một số
nơi đã hạ thấp hơn 5 m.
Thất thường của thủy
văn biểu hiện qua tình trạng trong khi nhiều nơi ở hạ lưu sông Tiền, sông Hậu
ngập sâu, vượt mức báo động III thì mực nước thượng nguồn sông Mê Kông chưa đến
mức báo động. Theo Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ, mực nước thực đo ngày 9-10
tại trạm Kratie (Campuchia) là 14,11 m, còn thấp hơn nhiều so mức báo động I là
22 m và đang xuống. Trong khi đó, mực nước trên sông Hậu tại TP Cần Thơ ngày
10-10 là 2,23 m, vượt báo động III 0,33 m; Long Xuyên: 2,67 m; Cao Lãnh: 2,4 m;
Mỹ Thuận: 2,08 m.
Nguyên nhân ngập lụt
đô thị có phải chỉ do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nước đầu nguồn đổ về
nhiều hay do sụt lún đất và chính hành động của con người đã kéo mực nước lên,
tạo ra tác động tích lũy?
Nước bị cướp mất không
gian. Yêu cầu "dành không gian cho nước" để nước không giành chỗ của
con người càng trở nên bức xúc hơn đối với các đô thị. Khi một con đường được
tôn nền, khu đô thị mới xuất hiện lại gây ngập nặng nhiều đường phố và khu dân
cư khác. Mặt trái của hệ thống đê bao khép kín, công trình giao thông đã thành
vật cản làm thay đổi cơ chế dòng chảy các con sông, tạo ra hiện tượng thất
thường của thủy văn. Các "túi chứa nước" vốn được điều tiết tự nhiên
hàng ngàn năm qua ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên bị phá vỡ. Nhiều kênh
rạch tự nhiên bị xóa sổ nhường chỗ cho công trình xây dựng.
Rõ ràng, chống ngập
rất cần những giải pháp công trình, kỹ thuật. Việc kiểm soát lũ, triều cường
bằng hệ thống đê, cống đồng bộ, trạm bơm, hệ thống thoát nước là cần thiết. Nhưng
quan trọng hơn vẫn là cái gốc tư duy, theo cách tiếp cận vùng, không cục bộ địa
phương, tránh xung đột lợi ích, đô thị gắn với nông thôn. Tư duy quy hoạch tích
hợp theo không gian vùng, tiểu vùng và liên kết đòi hỏi phải thực thi mệnh lệnh
liên kết vùng. Mạnh ai nấy làm, địa phương nào biết địa phương đó, ngành nào
biết ngành đó không còn phù hợp trước tính khí thất thường của thời tiết, thủy
văn.
Nhận xét
Đăng nhận xét