Trần
Hữu Hiệp
Phần lớn nhân lực ĐBSCL hiện nay trong
các ngành, lĩnh vực lớn lên trong môi trường giáo dục và đào tạo sau ngày miền
nam hoàn toàn giải phóng. Thành tựu 40 năm của nền giáo dục cách mạng ở vựa
lúa, 30 năm đổi mới, đặc biệt là 10 năm trở lại đây mang đậm dấu ấn của nhân
lực đồng bằng.
Vươn lên từ vùng trũng
Nhớ những năm đầu sau giải phóng, Đại
học (ĐH) Cần Thơ (CTU) - cơ sở giáo dục đại học duy nhất ở ĐBSCL thời đó - đã
đi tiên phong trong việc gắn “nhà trường với nhà nông”. Năm 1978, trong lúc
cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam còn nóng bỏng, “vựa lúa gạo” miền Tây Nam Bộ
phải vất vả chống chọi với cơn lũ dữ và dịch rầy nâu hại lúa chưa từng có.
Nhiều gia đình phải ăn độn khoai lang, khoai mì và bo bo. Thầy và trò CTU không
vào giảng đường mà đồng loạt ra đồng. Hơn 2.000 sinh viên của trường đã ra quân
đến các địa phương đang có rầy nâu xuất hiện. Mỗi sinh viên mang 1kg lúa giống
IR36 để cấy ra 1.000m2, trái với tập quán của nông dân là phải cần 8 - 10kg lúa
giống... Chỉ trong 2 vụ lúa, giống mới IR36 đã phủ khắp các vùng lúa cao sản,
đánh đuổi giặc rầy nâu, chấm dứt thảm họa của nông dân. Sống trong không khí
của ruộng đồng, cùng học cùng làm với nông dân, nhiều thế hệ thầy và trò trường
đại học Cần Thơ đã tạo dựng nên thương hiệu CTU, đóng góp quan trọng cho sự
phát triển của ĐBSCL.
Không chỉ có CTU, nhiều cơ sở giáo dục,
đào tạo và nghiên cứu khoa học ở ĐBSCL đã ươm mầm nhân lực phục vụ sự nghiệp
phát triển vùng đất này như Viện Lúa ĐBSCL, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền
Nam. Ngày nay, mặc dù còn những hạn chế, yếu kém, nhưng không thể phủ nhận thành
tựu của giáo dục - đào tạo (GDĐT) và dạy nghề vùng ĐBSCL trong việc quyết định
nâng cao dân trí, chất lượng nhân lực. Nhiều chương trình đầu tư kiên cố hóa
trường lớp học, liên kết vùng trong đào tạo do BCĐ Tây Nam Bộ phối hợp các bộ,
ngành trung ương, địa phương triển khai thực hiện thời gian qua. Chương trình
Mê Kông 1.000 đào tạo sau đại học ở nước ngoài là kết quả nỗ lực liên kết vùng
trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, trở thành điểm sáng trong vùng.
ĐBSCL có khoảng 18 triệu dân; trong đó,
hơn 10,3 triệu lao động trong độ tuổi. Thời gian qua, vùng này đã hình thành và
phát triển nhanh mạng lưới đào tạo từ trung cấp chuyên nghiệp đến cao đẳng, đại
học. Nếu như năm 2000, toàn vùng chỉ có Trường ĐH Cần Thơ, thì nay đã có 42
trường đại học, cao đẳng và 30 trường trung cấp chuyên nghiệp; trong đó có 17
trường đại học. Nhiều chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng trường học, xoá
đói giảm nghèo, dạy nghề, giải quyết việc làm, đào tạo nghề lao động nông thôn,
tín dụng chính sách, xây dựng nông thôn mới... đã được triển khai có hiệu quả.
Tuy nhiên, so với các vùng, miền khác, ĐBSCL vẫn “còn trũng” về nhân lực, cần được quan tâm đầu tư phát triển. Toàn vùng mới đạt tỉ lệ 169 sinh viên/vạn dân so cả nước đạt khoảng 280 sinh viên/vạn dân. Hiện có khoảng một phần tư dân số đang học tại một cơ sở GDĐT và dạy nghề; song tỉ lệ lao động qua đào tạo 46% và lao động qua đào tạo nghề còn thấp hơn nhiều, nằm trong những vùng có tỉ lệ thấp của cả nước.
Tuy nhiên, so với các vùng, miền khác, ĐBSCL vẫn “còn trũng” về nhân lực, cần được quan tâm đầu tư phát triển. Toàn vùng mới đạt tỉ lệ 169 sinh viên/vạn dân so cả nước đạt khoảng 280 sinh viên/vạn dân. Hiện có khoảng một phần tư dân số đang học tại một cơ sở GDĐT và dạy nghề; song tỉ lệ lao động qua đào tạo 46% và lao động qua đào tạo nghề còn thấp hơn nhiều, nằm trong những vùng có tỉ lệ thấp của cả nước.
Nhiều bất cập trong cơ chế, chính sách
đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Trong khi cả nước và từng tỉnh đã xây dựng
chiến lược nguồn nhân lực quốc gia và địa phương, thì đến nay vẫn chưa có một
chiến lược cho vùng. Đào tạo nghề nhưng chưa gắn được với tạo việc làm bền
vững, có tình trạng “học nghề cũng ngồi nhầm lớp”. Một số nơi, việc thực thi
chính sách rập khuôn, cứng nhắc trong áp chuẩn nghèo và chính sách đào tạo dẫn
đến một số hệ luỵ.
Tăng tốc và liên kết vùng đào tạo nhân lực
Tăng tốc và liên kết vùng đào tạo nhân lực
Cuộc chiến chống lại nghèo khó ở vựa lúa
gạo, thuỷ sản và vươn lên thoát khỏi vùng trũng về chất lượng nhân lực rất cần
được tăng tốc với cách làm hiệu quả hơn. Nghèo khó và chất lượng nhân lực ở vựa
lúa miền Tây có “cái chung”, nhưng cũng có “cái riêng” khác nhiều nơi, nên cần
có cơ chế, chính sách riêng, phù hợp.
Từ xuất phát điểm thấp, nhiều khó khăn,
BCĐ Tây Nam Bộ đã “đi tiên phong” trong việc chủ động phối hợp với các trường
ĐH, cơ sở đào tạo nhằm “tăng tốc” trong cuộc “rượt đuổi” các vùng, miền khác về
phát triển nhân lực. Cơ quan này đã chủ động phối hợp với Bộ GDĐT xây dựng chính
sách ưu tiên cho con em đồng bào 22 huyện nghèo vùng biên giới, hải đảo trong
vùng ĐBSCL (không thuộc 62 huyện nghèo). Các đề án đào tạo nguồn nhân lực
chuyên ngành cho Tây Nam Bộ của các trường ĐH Kiến trúc TPHCM, ĐH Kinh tế
TPHCM, ĐH Y dược TPHCM và Cần Thơ đã được xây dựng công phu, áp dụng từ 4 năm
qua. Các hoạt động liên kết đào tạo không chỉ tạo điều kiện cho con em miền Tây
được “rộng đường” vào ĐH mà còn phải đảm bảo chất lượng, giữ “thương hiệu” cho
các trường, gắn chặt với địa phương trong việc xác định nhu cầu, trách nhiệm bố
trí, sử dụng các em sau khi học.
Tuy nhiên, nỗ lực liên kết
vùng trong GDĐT của BCĐ Tây Nam Bộ và các tỉnh, các trường có thể chỉ mới là
hoạt động “kết nối”, “lấp khoảng trống” do các qui định hành chính tạo ra,
nhưng bước đầu cũng có tác dụng thiết thực hỗ trợ ĐBSCL tăng tốc để nâng cao
chất lượng nhân lực. Thực tế đòi hỏi cần phải quan tâm lồng ghép, kết nối, tập
hợp để tạo ra chuyển biến tốt hơn từ nhiều chương trình, tạo ra cuộc vận động
lớn, thiết thực và hiệu quả hơn. Về lâu dài, việc đào tạo nhân lực cho miền Tây
cần chính sách căn cơ hơn. Cùng với chiến lược nguồn nhân lực quốc gia và các
tỉnh, rất cần một chiến lược nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL. Qui hoạch phát
triển hệ thống các trường ĐH, cao đẳng, trường nghề, trường phổ thông… phải dựa
trên chiến lược này. Cần “hướng cầu” là thị trường lao động, nhu cầu sử dụng
nhân lực của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trong vùng làm động lực phát triển
hơn là chủ yếu dựa trên năng lực chuyên môn, cơ sở vật chất của các trường.
Những “cơ chế đặc thù” trong GDĐT ưu
tiên cho vùng khó khăn như ĐBSCL là cần thiết để tăng tốc, đuổi kịp các vùng,
miền khác. Nhưng vùng này cần phải đi lên bằng chính “đôi chân” của mình chứ
không thể dựa vào sự hỗ trợ “đặc thù”. Hệ thống GDĐT từ mầm non, phổ thông, cao
đẳng, ĐH đến các trường nghề, hệ thống giáo dục xã hội trong vùng cần được quan
tâm đầu tư để đủ sức tạo ra “sản phẩm nhân lực” tốt hơn, đáp ứng tốt hơn nhu
cầu xã hội, chứ không phải trông chờ vào chính sách ưu tiên “điển sàn, điểm
chuẩn” hay tăng chỉ tiêu đào tạo, chỉ tạo ra “lợi thế ảo”. Hoạt động liên kết
vùng ĐBSCL trong phát triển nguồn nhân lực cần được tiếp tục tăng cường về
chất; nội dung, phương thức phù hợp hơn nữa. Phải thật sự gắn kết được lợi ích,
sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động trong đào tạo
nhân lực của vùng, kèm theo là các chính sách khuyến khich thích hợp. Liên kết
vùng trong phát triển nguồn nhân lực không chỉ là cách làm, yêu cầu đặt ra mà
còn là mệnh lệnh của phát triển vùng trong thời kỳ mới.
Nhận xét
Đăng nhận xét