Các quán nhậu đông đúc khách - Ảnh: Hữu Khoa |
Nỗi đau trong gia đình tôi từ rượu cứ đeo đẳng tuổi thơ tôi đến tận bây giờ...
Tôi có cha, có mẹ. Gia đình tôi cũng không quá khó khăn. Tôi không mong giàu sang hay điều gì to tát, chỉ mong được sống cùng nụ cười của mẹ và vòng tay không còn ngập ngụa hơi men của cha tôi.
Năm nay tôi 20 tuổi, là sinh viên của một trường đại học y dược phía Nam nơi vẫn là ao ước của biết bao gia đình mong con em mình được vào học. Thế nhưng trong ngần ấy năm tôi lớn lên, dường như khái niệm gia đình đối với tôi chỉ đơn thuần là tình thương của mẹ. Tôi ước ao và thèm khát lắm một lần được sống trong hơi ấm trọn vẹn của cha.
Mẹ tôi lam lũ một nắng hai sương để chăm lo cho mái ấm gia đình. Bao chuỗi ngày cơ cực, bà đã cố gắng vượt qua chỉ mong nuôi anh em tôi được ăn học như bạn bè cùng trang lứa. Thế nhưng càng thương mẹ bao nhiêu, tôi lại càng đau đớn khi nghĩ về cha mình.
Ký ức tuổi thơ tôi là những tháng ngày đầy nước mắt. Tôi ghét và căm hờn thứ hơi men mà anh em tôi vẫn gọi là “con quỷ rượu” đã biến cha tôi thành một con người như thế. Đến tận bây giờ tôi vẫn luôn bị ám ảnh bởi những lần say xỉn của cha. Ông nghiện rượu, hầu như uống mỗi ngày, thậm chí là nhiều cữ một ngày. Uống say về nhà ông thường la hét, quát mắng mọi người và trong đó có cả người bạn đời của chính ông.
Tôi còn nhớ có lần mẹ tôi đã nhắc cha rằng hãy nghỉ ngơi sau khi uống nhiều, nhưng có lẽ rượu đã chiếm hết phần lý trí của ông. Vậy là một cái tát mạnh như trời giáng vung vào mặt mẹ tôi. Cô Ba tôi chạy sang nhà ngăn cha nhưng ông bảo rằng do mẹ tôi vô lễ. Mẹ bật khóc giữa muôn vàn tủi nhục. Anh em tôi cũng òa khóc theo.
Những bữa cơm của gia đình tôi không còn tiếng cười. Thi thoảng, uống say về cha hất cả mâm cơm rồi chạy ra sau nhà đập đổ mọi thứ kể cả những chiếc lu mà ngoại đã chắt chiu dành riêng cho mẹ. Tôi kể ra đây không phải vì tôi trách cha hay hận cha, chỉ vì tôi muốn cho bạn biết rượu đã biến cha tôi thành một con người như thế nào và biến cả gia đình rơi vào bi kịch ra sao.
Nhiều người bảo mẹ tôi nên dứt khoát cắt đứt quan hệ với cha nhưng mẹ chỉ cười buồn rồi đáp: “Tội nghiệp các con”. Tôi đã lớn lên nhờ tình thương yêu của mẹ và giọt mồ hôi mà bà vất vả mưu sinh từ sạp đồ rẫy ở chợ quê. Cứ 3-4g mỗi sáng, bà lại phải đẩy một xe đồ thật to ra chợ, dầm mưa dãi nắng đến tối mịt mới đẩy về.
Có những đêm giật mình thức giấc, tôi nghe rõ từng tiếng ngáy của cha trong hơi men còn lại, tôi cũng nghe nhịp đấm lưng vì đau nhức đều đều của mẹ. Đó là những đêm tôi khóc. Thật chẳng tự hào gì khi một thằng con trai khóc, nhưng tôi khóc vì thương mẹ và khóc vì tôi ao ước một ngày nào đó cha tôi sẽ như bao người cha tuyệt vời khác.
Hình ảnh về cha trong anh em tôi là từng mảnh vụn vỡ và chắp vá. Bởi tôi không tin và cũng không bao giờ dám tin những hình ảnh ấy... chính là cha của mình!
Nhiều khi tôi cứ muốn gào lên với cuộc đời: Làm ơn đi mà! Xin hãy trả lại tôi người cha biết yêu thương...
Nhận xét
Đăng nhận xét