Vài lời: Tứ của 2 bài viết này đã
được người khác thể hiện trước qua các bài báo năm … 2011. Tên bài viết, tiểu
tựa và ý tứ là từ các bài viết: “Hạt gạo cắn chia làm tám” (Lao Động ngày
9-11-2011), “Trăn trở từ vựa lúa quốc gia”(Nông
nghiệp VN ngày 02-5-2014), “Nghèo trên vựa lúa” (Tuổi Trẻ
ngày 30-5-2013), “Ly
nông và giải pháp tam nông” (Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 14/3/2014).
SĨ NGUYÊN
Danh xưng là “Vựa lúa Quốc
gia”, là “chén cơm” của thế giới, vậy mà nông dân vẫn còn nghèo. Chúng ta tự
hào xuất khẩu gạo đứng nhất, nhì thế giới, nhưng nông dân chưa được trả công
xứng đáng.
Tự hào “Vựa lúa Quốc gia”
Đồng bằng sông Cửu Long
(ĐBSCL) ngày càng khẳng định vị thế là vùng chủ yếu bảo đảm an ninh lương thực
và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của cả nước. Sản xuất 52% sản lượng
lúa, đóng góp 90% sản lượng gạo xuất khẩu. Vào những năm 1930, diện tích lúa
mùa toàn vùng ĐBSCL khoảng 570 ngàn ha, đến năm 1980 diện tích này giảm xuống
còn 300 ngàn ha và từ năm 1990 trở lại đây hầu như không còn lúa mùa nữa, thay
vào đó là các giống lúa mới, ngắn ngày, năng suất cao được gieo trồng 2-3
vụ/năm.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ
NN&PTNT), trong 20 năm qua, ĐBSCL đã gia tăng diện tích vụ đông xuân gấp 8
lần, vụ hè thu tăng 4,3 lần và vụ mùa giảm 3,4 lần. Từ 1 vụ lúa mùa của năm
1976 đã được nâng dần 2 vụ, rồi 3 vụ.
Việc gia tăng diện tích đất
lúa của vùng còn xuất phát từ công cuộc khai hoang mở đất. Từ những năm 1980,
các nhà khoa học Việt Nam đã vào cuộc khai hoang khu vực Đồng Tháp Mười và Tứ
giác Long Xuyên. Cùng với chính sách di dân của các địa phương, vùng đất hoang
hóa, người thưa ngày nào đã đông đúc và phong trào gia tăng sản xuất cũng được
thúc đẩy.
Theo ông Phạm Văn Dư, Phó Cục
trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), chỉ riêng lĩnh vực sản xuất lúa gạo ở
ĐBSCL từ năm 2000 - 2010, sản lượng lúa luôn tăng. Nếu năm 2000, sản lượng lúa
đạt 16,702 triệu tấn thì đến năm 2010 sản lượng đã đạt 21,569 triệu tấn. Năm
2012, sản lượng lúa của toàn vùng ĐBSCL đạt khoảng 24,6 triệu tấn, tăng 1,1
triệu tấn so với năm 2011.
Đến năm 2013, tổng sản lượng
lúa toàn vùng ĐBSCL ước đạt 24,8 triệu tấn, tăng 550 ngàn tấn so với năm 2012
và đến năm 2014, sản lượng đạt 25,5 triệu tấn, tăng 700 ngàn tấn so với năm
2013. Trong đó, sản lượng lúa của vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên
chiếm 40% sản lượng lúa toàn vùng ĐBSCL, chiếm giữ vai trò bảo đảm an ninh
lương thực rất lớn cho vùng.
Năng suất và sản lượng năm sau
cao hơn năm trước và giữ vững vị thế ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất Việt Nam; đồng
thời sản lượng lúa ĐBSCL tăng hàng năm cũng góp phần quan trọng vào việc bảo
đảm an ninh lương thực Quốc gia, vừa bảo đảm sản lượng gạo xuất khẩu hàng năm
của Việt Nam.
Còn nghèo do nhiều yếu tố
Báo cáo kết quả sản xuất lương
thực trong năm 2014, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết,
tổng sản lượng lương thực cả năm của tỉnh ta ước đạt 1,37 triệu tấn (đạt 103%
kế hoạch đề ra). Trong đó, đối với cây lúa, diện tích gieo trồng cả năm 230.605
ha, năng suất bình quân 58,77 tạ/ha (tăng 1,53 tạ/ha so với năm 2013), sản
lượng 1,35 triệu tấn.
Diện tích, sản lượng đều tăng
nhưng số lượng nông dân nghèo không giảm nhiều. Ông Hồ Thanh Sơn, Phó Giám đốc
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn
22.644 hộ nghèo, 22.429 hộ cận nghèo mức 1 và 5.136 hộ cận nghèo mức 2.
Trong 22.644 hộ nghèo thì
thiếu vốn sản xuất có 6.770 hộ, thiếu đất sản xuất là 4.513 hộ, thiếu phương
tiện sản xuất là 1.077 hộ, có lao động nhưng không có việc làm là 1.183 hộ, có
lao động nhưng không biết làm ăn là 981 hộ, hộ bảo trợ xã hội là 4.338 hộ, số
hộ nghèo thuộc diện chính sách là 398 hộ.
Trao đổi qua điện thoại, GS.TS
Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết, người trồng lúa
nghèo triền miên vì làm nông nghiệp không có vốn, nông dân phải vay tiền. Đến
mùa thu hoạch, người dân chen chúc ở ngân hàng nông nghiệp để trả nợ. Xong nợ
cũ lại vay mới để đầu tư làm vụ kế tiếp.
Có tới 95% nông dân phải vay
ngân hàng để sản xuất theo kiểu ăn trước trả sau. Ngoài yếu tố trên, nông dân
trồng lúa vẫn còn nghèo là do quá bảo thủ, mạnh ai nấy làm, tự “đấu đá” lẫn
nhau về kỹ thuật; gieo sạ quá dày, dẫn đến sâu bệnh nhiều, chi phí cao.
Nhà nước đã đề ra nhiều chính
sách đầu tư cho phát triển nông nghiệp, trong đó chính sách cho sản xuất lúa
gạo là không ít như: Quyết định 80/2002/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính
sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng; Nghị định
109/2010/NÐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; Nghị quyết 63/NQ-CP
của Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực; Quyết định 63/QÐ-TTg ngày
15-10-2010 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch; Chính sách
thu mua tạm trữ lúa gạo...
Hầu như những chính sách này
chưa đi vào đời sống và cũng không giúp được nhiều cho nông dân. Thị trường
luôn chịu cảnh bấp bênh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến người nông dân. “Từ những
yếu tố trên, nông dân luôn nghèo là do bản thân họ và một phần của Nhà nước” -
GS.TS Võ Tòng Xuân nói.
Còn theo Thạc sĩ Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam
bộ, nông dân còn nghèo là do không có đất, thiếu đất sản xuất; người có đất
nhưng thiếu vốn, thiếu kiến thức, không biết cách làm ăn; sản xuất kém hiệu
quả, gặp rủi ro cao.
Cũng có người thiếu sự phấn đấu để vươn lên thoát nghèo. Có cả nguyên nhân
chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa hợp lý, cách làm cứng nhắc, thiếu lồng ghép
các chính sách phát triển kinh tế với việc giải quyết vấn đề xã hội, khiến việc
hỗ trợ của Nhà nước chưa đến được người nghèo một cách thiết thực, hiệu quả.
Kỳ tích của ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam đã đưa nước ta từ một nước
thiếu lương thực, chỉ sau vài năm tham gia xuất khẩu trở lại đã chiếm vị trí
thứ 2 xuất khẩu gạo trên thế giới. Mặc dù đời sống của nông dân trồng lúa có
phần khấm khá hơn lên, nhưng thu nhập của họ được xem là thấp so với các lĩnh
vực khác. Cũng chính từ đó, một bộ phận không nhỏ đã tìm một hướng đi mới,
thoát khỏi cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” với đồng ruộng.
(Còn tiếp)
Nhận xét
Đăng nhận xét