Trần Hiệp Thủy
Quê tôi
xưa chỉ thắp đèn dầu, bây giờ nhà nhà sáng điện. Điện khí hóa đưa ánh sáng đèn
điện về quê, không chỉ là thành tựu lớn của 40 năm giải phóng miền Nam mà còn
là ánh sáng văn minh từ thuở cha ông xưa đi khai phá đất phương Nam.
Tên gọi
đèn “ết đa” chắc là do dân quê tôi phiên âm từ thương hiệu đèn Aida phổ biến thời
đó. Thật ra, loại đèn này còn những thương hiệu khác như Petromax hay Star Max,
chất liệu ban đầu bằng đồng thau, sau được dùng phổ biến bằng inox. Đèn “ết đa”
còn được gọi là đèn măng xông do đọc trại ra từ tên gọi manchon trong tiếng
Pháp, chỉ cái tim đèn. Ông tôi kể, cây đèn này có nguồn gốc tận bên Tây. Nghe
nói sự xuất hiện của nó vào đầu thế kỷ XIX được coi là một phát minh quan trọng
trong lịch sử hải đăng thế giới. Nó cũng nhanh chóng vào xứ Nam kỳ thuộc địa của
Pháp.
Ngày xưa ở quê tôi, chỉ mấy nhà khá giả mới sắm nổi cây đèn “ết
đa”, giá ước tính tròm trèm gần trăm giạ lúa. Đèn cũng chỉ được người ta mang
ra dùng mỗi khi có đám tiệc. Thời đó, mỗi lần trong xóm có đám cưới, đám giỗ,
thì bọn trẻ chúng tôi kéo nhau đến xem, thức đến khuya. Nhiều đứa ước ao ba mẹ
có đủ tiền sắm cây đèn như vậy để thắp sáng cho con nít cả xóm qua chơi. Bên
ánh đèn “ết đa”, người lớn nhâm nhi ly rượu với sáu câu vọng cổ hay mấy bản vắn
“ba Nam, sáu Bắc” nghe ngọt lịm.
Thắp đèn “ết đa” cũng là một kỹ thuật phức tạp mà không dễ mấy
người được giao nhiệm vụ. Việc châm dầu, bơm hơi, chỉnh béc, luộc lưới măng
xông đều cần kỹ năng thành thạo sao cho không hư sồi bơm, gãy kim, hỏng béc
phun dầu và măng xông. Nó chỉ là một tấm lưới làm bằng cotton, nhưng bắt lửa
không bị cháy mất mà còn phát ra ánh sánh trắng dễ coi hơn mọi thứ đèn thời đó.
Măng xông mới dùng lần đầu thì dễ, khi đã đốt qua một lần, phải được giữ kỹ,
con nít không được xớ rớ, dễ hóa thành tro.
Đèn “ết đa” đã xa rồi trong dĩ
vãng, nay không còn mấy người dùng, nhưng dường như nó vẫn tỏa sáng trong trái
tim của nhiều người hoài cổ.
Nhận xét
Đăng nhận xét