Trần Hữu Hiệp
Sau khi phát lệnh khởi công
năm 2009, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã “đứng yên” do khó khăn về
vốn, chủ đầu tư trả lại dự án; nay theo thông tin từ ngành chức năng, sẽ khởi
công lại vào tháng đầu năm 2015.
Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý
dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (chủ đầu tư) đã báo cáo Bộ GTVT về tiến độ dự
án. Phương án được chủ đầu tư đề xuất là chọn nhà đầu tư thứ cấp, theo hình
thức đối tác công - tư (PPP). Đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 54km,
tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng, có 4 làn xe, chỉ dành riêng cho xe cơ
giới, dự kiến sẽ được tiếp tục mở rộng lên 6 làn xe trong giai đoạn sau. Đây là
một trong 3 hợp phần độc lập của tuyến cao tốc TPHCM - Cần Thơ gồm 3 đoạn:
TPHCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ; trong đó
đoạn TPHCM - Trung Lương dài 40km đã được đưa vào sử dụng từ tháng 2-2010.
“Vựa lúa gạo, trái cây, thủy sản quốc gia” miền Tây Nam bộ trong nhiều năm liền chỉ có tuyến quốc lộ (QL) 1A độc đạo gồng mình quá tải. Gần đây, đã hình thành thêm các tuyến: N1 (dọc biên giới), N2, đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 nối từ Chơn Thành (Bình Phước) đến Cà Mau. Cầu Rạch Miễu đã nối đôi bờ sông Tiền, phá thế độc đạo của xứ dừa Bến Tre. Trục chiến lược ven biển Đông nối TPHCM với phần ven biển của các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau được hình thành. Các QL 53, 54, 60, 80… đã được nâng cấp, mở mới tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, Nam Sông Hậu. Cùng với hệ thống các cầu lớn (Cần Thơ, Mỹ Thuận) đã được xây dựng, các cầu Cổ Chiên, Vàm Cống, Cao Lãnh đang triển khai, bức tranh giao thông ĐBSCL có nhiều khởi sắc. Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nếu được triển khai, không chỉ điểm thêm dấu son vào bức tranh giao thông đường bộ của đồng bằng, mà còn là động thái “mở nút thắt cổ chai” tại điểm nút Trung Lương, tạo đà nối mạng cho tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trong tương lai.
Sinh thời, khi bàn về giải pháp “đột phá”
cho giao thông ĐBSCL, Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó từng lo ngại, nếu tuyến cao
tốc TPHCM - Trung Lương chỉ dừng lại ở đó, dù có mở rộng QL1 đến Cà Mau, thì
giao thông bộ vẫn bị nghẽn “nút thắt cổ chai”. Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ
Thuận được đầu tư nhằm “mở nút thắt” đó.
Mong rằng, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
không lỗi hẹn như lần trước!
Nhận xét
Đăng nhận xét