Sau 30 năm đổi mới, TP Cần Thơ được nhắc đến là một thành
phố trẻ năng động, thân thiện và đầy tiềm năng. Không chỉ vậy, Cần Thơ còn
đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối và tạo sức lan tỏa để các
tỉnh trong vùng ĐBSCL cùng phát triển. Với vai trò, vị trí đặc biệt, TP Cần
Thơ đã và đang đón nhận nguồn lực, cơ hội mới song cũng phát sinh những khó
khăn, mâu thuẫn cần được nhận diện giải quyết hợp lý.
Những bước đi ấn tượng
Từ sau đổi mới, đặc biệt là giai đoạn 2004-2014 khi trở
thành thành phố trực thuộc Trung ương, TP Cần Thơ đã có những bước tiến ngoạn
mục. Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Thanh Mẫn, tự hào: Yêu cầu đặt ra đối với
thành phố trực thuộc Trung ương là rất cao trong khi hạ tầng kinh tế-xã hội
đầu tư chưa đồng bộ và khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng không nhỏ đến
TP Cần Thơ. Song được sự quan tâm của Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số
45-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện
đại hóa đất nước; Quyết định số 366/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ thực hiện Nghị
quyết số 45-NQ/TW đã mở ra hướng đi cho thành phố. Cùng với sự đoàn kết, nỗ
lực phấn đấu, sáng tạo của đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Cần Thơ từng
bước vượt qua khó khăn, thách thức đưa kinh tế phát triển với tốc độ tăng
trưởng GDP bình quân hàng năm đạt 14,5%. Đời sống nhân dân không ngừng cải
thiện, quốc phòng - an ninh được bảo đảm, công tác xây dựng hệ thống chính
trị đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP bình
quân của TP Cần Thơ giai đoạn 2001-2005 là 13,46%/năm, 2006-2010 là
15,35%/năm và 2011-2015 ước đạt 11,58%/năm. Năng suất lao động tăng nhanh và
hiện tăng gấp 5,35 lần so với năm 2004. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 10,1% năm
2005 xuống còn 4% trong năm 2014...
Thời gian qua, Cần Thơ luôn quan tâm đến việc cải thiện chỉ
số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2013, PCI của Cần Thơ đứng 9/63
tỉnh, thành cả nước, 4/13 tỉnh ĐBSCL và 2/5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Đây cũng là năm đầu tiên thành phố nằm trong danh sách 10 địa phương có chỉ
số PCI dẫn đầu cả nước. Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường Đại học
Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, nhận định: “Một yếu tố hết sức quan trọng và
mang tính quyết định cho những hoạch định chiến lược phát triển công nghiệp
thành phố là tập trung nhiều viện, trường; cơ quan Trung ương và địa phương.
Đây là điều kiện thuận lợi để Cần Thơ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thỏa
mãn yêu cầu về lượng và chất. “Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc”
chính thức đi vào hoạt động là sự kỳ vọng của Chính phủ và người dân nhằm đưa
kinh tế thành phố lên tầm cao mới thông qua phát triển công nghiệp”.
Và còn nhiều khó khăn, thách thức
Trong bối cảnh hội
nhập kinh tế quốc tế, TP Cần Thơ đã và đang đầu tư xây dựng nhiều công trình
hạ tầng quy mô lớn như: cầu Cần Thơ, sân bay Cần Thơ, hệ thống cảng, mạng
lưới giao thông liên hoàn... Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố
nâng cao năng lực cạnh tranh trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại-dịch
vụ và du lịch. Thời điểm này, ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố phát
triển mạnh từ ngành chế biến cho đến xay xát, in ấn, may mặc, đồ uống... Bên
cạnh đó, Cần Thơ không ngừng đẩy mạnh thành lập khu công nghiệp tập trung để
thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. TP Cần Thơ cũng khẳng định được vị
thế là đầu mối giao thương của vùng ĐBSCL. Hiện tại, mạng lưới chợ truyền
thống, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đáp ứng nhu cầu mua sắm đa
dạng của người dân trong và ngoài thành phố...
Mặc dù có những bước đi ấn tượng và đạt được những thành quả
đáng ghi nhận, song phát triển kinh tế-xã hội của thành phố vẫn tồn tại nhiều
bất cập. Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Công
nghệ Cần Thơ, phân tích: “Một nhược điểm rất lớn là TP Cần Thơ không có khu
công nghiệp chuyên biệt mà làm theo kiểu đa ngành. Thế nên, để xây dựng một
nhà máy thì xây dựng hạ tầng, xử lý môi trường vất vả hoặc làm ô nhiễm môi
trường sản xuất của ngành công nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, phát triển
công nghiệp hỗ trợ diễn ra chậm. Đây là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng
gia công, lắp ráp vừa phụ thuộc vào nhập khẩu, vừa làm cho giá trị gia tăng
thấp. Mặt khác, tỷ trọng lao động công nghiệp tăng chậm, dẫn tới hiệu quả và
sức cạnh tranh kém”.
Nhiều ý kiến cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành
phố tuy đạt mức khá cao nhưng chưa xứng với lợi thế, tiềm năng. Tỷ lệ vốn đầu
tư cho phát triển công nghiệp còn ít; quy mô DN nhỏ; chưa có ngành công
nghiệp mũi nhọn... TP vạch ra lộ trình công nghiệp hóa theo hướng ban đầu,
chú trọng phát triển những ngành sử dụng nhiều lao động (gia công quần áo,
giày dép, hàng điện tử...). Sau đó, khi đã đáp ứng các yêu cầu cần thiết thì
phải từng bước phát triển sang những ngành có vốn đầu tư lớn, kỹ thuật cao.
Tuy nhiên, hiện nền công nghiệp TP Cần Thơ duy trì giai đoạn đầu quá lâu.
Ngành công nghiệp nặng đến nay vẫn chưa có thành tựu gì đáng chú ý. Công tác
quản lý nhà nước trên các mặt như: quy hoạch, xây dựng, đô thị, cải cách hành
chính... còn nhiều hạn chế. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư nhưng còn
thiếu, yếu và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; hiệu quả, chất lượng tăng
trưởng thiếu tính bền vững; nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế...
Tại Hội thảo “Tổng kết 30 năm đổi mới phát triển kinh tế-xã
hội TP Cần Thơ” mới đây, các chuyên gia kinh tế khẳng định liên kết vùng là
bước đi tạo thế và lực mới cho TP Cần Thơ. Tuy nhiên, thế và lực này chưa
được khơi dậy. Mặc dù TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL có nhiều quyết tâm nhưng
giải pháp hành chính không thể mang lại kết quả như mong muốn. Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ
trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhấn mạnh: “TP Cần Thơ đã ký kết
Chương trình hợp tác toàn diện phát triển kinh tế-xã hội với 12 tỉnh vùng
ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sự liên kết này còn mang nặng tính chất
chính trị hơn là kinh tế, chủ quan hơn là khách quan và hình thức hơn là thực
chất”.
Hướng đến sự phát triển bền vững
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, cơ cấu kinh tế của thành
phố hiện nay không còn phù hợp nữa. Vì vậy, Cần Thơ phải tái cấu trúc nền kinh
tế để tập hợp nguồn lực, giải quyết các “điểm nghẽn” từ đó khơi dậy tiềm
năng, lợi thế. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Thành Danh, Trưởng Khoa Kinh tế-Quản
trị kinh doanh, Trường Đại học Cần Thơ, đề xuất: TP Cần Thơ nên đa dạng hóa
nguồn lực đầu tư. Đặc biệt, phát huy nguồn vốn ngoài ngân sách để đáp ứng nhu
cầu phát triển nhanh của thành phố. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách chỉ nên ưu
tiên tạo cơ sở và tác động lan tỏa cho cả nền kinh tế. Về thu hút vốn đầu tư
FDI, thành phố cần có những chính sách ưu đãi cho những lĩnh vực, ngành mà
thành phố đang cần như công nghiệp phụ trợ chẳng hạn. Để tạo môi trường đầu
tư hấp dẫn, thuận lợi, thành phố đẩy nhanh đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông,
vận tải, logistic để dễ dàng kết nối với các địa phương trong vùng và cả nước.
Vùng ĐBSCL cũng như TP Cần Thơ là nơi mà Hàn Quốc, Nhật Bản,
các nước EU đặc biệt quan tâm. Đây là cơ hội lớn cho các DN thu hút đầu tư,
mở rộng thị trường... Nhưng thách thức cũng không nhỏ vì họ có nguồn lực
trong khi nhiều DN vùng ĐBSCL chưa biết tận dụng lợi thế. “Lợi thế đó là liên
kết lại. Liên kết DN nhỏ thành DN lớn, tạo nội lực cạnh tranh. Khi hội nhập,
nếu ai nhanh trí, nắm được thông tin, làm chủ được thị trường nông thôn thì
bên đó thắng. Họ vào khu vực đô thị có thể nhanh nhưng thâm nhập nông thôn
không thể nhanh được. Bởi cần phải có thời gian để tìm hiểu văn hóa, thị
trường nông thôn. Đó là lợi thế của DN Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói
riêng” - ông Trần Văn Tư, Chủ tịch Hội Khoa học xã hội và Nhân văn TP Cần Thơ
nói. Theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo
Tây Nam Bộ, Cần Thơ cần tập trung liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng
ĐBSCL theo định hướng liên kết vùng. Trong đó, phát huy lợi thế so sánh, cạnh
tranh của thành phố ở vị trí trung tâm. Đồng thời, tạo lập các điều kiện
thuận lợi để hình thành nền tảng kinh tế cơ bản như cơ sở hạ tầng, phát triển
nguồn nhân lực, chính sách tài khóa, bảo vệ môi trường...
Với tâm thế sẵn sàng bước sang giai đoạn phát triển mới, ông
Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần
Thơ, cho biết: Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực được TP Cần Thơ chọn là giải
pháp có tính đột phá và cấp bách. Hiện TP Cần Thơ tập trung nghiên cứu, xây
dựng đề án cụ thể hóa chủ trương phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao từ
đó đưa ra nhiệm vụ, giải pháp đào tạo đến năm 2020 định hướng đến năm 2030.
Theo đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố gắn kết chặt chẽ
với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ cao đáp ứng yêu cầu nền kinh tế
tri thức; gắn kết hợp lý các khâu đào tạo, sử dụng và đãi ngộ nhân tài; đẩy
mạnh xã hội hóa; tăng cường hợp tác với các viện trường trong và ngoài nước
trong công tác giáo dục, đào tạo và dạy nghề...
Bài, ảnh: MỸ THANH
|
Nhận xét
Đăng nhận xét