Trần Hữu Hiệp
Các cơ quan chức năng khẩn cấp truy tìm nguồn phóng xạ
thất lạc ở Vũng Tàu, tiềm ẩn nguy hiểm khôn lường. Sau khi hàng loạt “lá phổi xanh” của thủ đô bị chặt hạ
không thương tiếc thì các ngành chức năng Hà Nội tiến hành tổng kiểm tra toàn
bộ công viên, vườn hoa, “xử lý nghiêm sai phạm”.
Trước đó, các đợt “tổng kiểm tra” cơ sở dịch vụ thẩm
mỹ, an toàn vệ sinh thực phẩm, đồ chơi trẻ em, các phương tiện vận tải thủy...
được thực hiện sau khi xảy ra các vụ chìm canô, ngộ độc thực phẩm, đồ chơi trẻ
em gây nguy hiểm, cháy nổ, bác sĩ phẫu thuật chết người...
Tăng cường, chấn chỉnh, khắc phục hậu quả ngay sau khi
có thiệt hại xảy ra là cần thiết, nhưng kiến tạo cơ chế, chính sách, pháp luật,
thực hiện nghiêm, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát để không xảy ra sai phạm còn
quan trọng hơn nhiều.
“Nhà nước kiến tạo phát triển”, yêu cầu nâng cao “chất
lượng quản trị quốc gia” được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra trong thông điệp
đầu năm mới 2014. Trong bước chuyển từ “Nhà nước sở hữu sang Nhà nước can
thiệp và từ Nhà nước can thiệp sang Nhà nước kiến tạo” rất cần chất lượng, hiệu
quả hoạch định cơ chế, chính sách, pháp luật và thực thi nó một cách chủ động
theo tư duy “kiến tạo” và “quản trị công hiệu quả” hơn là bị động, theo đuôi
khắc phục thiệt hại.
Thời gian qua, đã có nhiều chính sách hỗ trợ tam nông,
từ quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, hỗ trợ giống, cơ
giới hóa đến đào tạo nghề cho nông dân. Nhưng nhiều chính sách chưa đi vào
trọng tâm, không đồng bộ, chậm đi vào cuộc sống.
Một số chính sách lẫn lộn giữa “làm kinh tế” và “chăm
lo an sinh xã hội”, nặng tính ban phát, đối phó, thực hiện rời rạc, lãng phí
nguồn lực. Người nuôi được hỗ trợ khi tôm bị dịch bệnh chết hàng
loạt, heo lở mồm long móng, gà vịt bị cúm gia cầm. Người trồng được hỗ trợ khi
lúa bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, cam quýt bị bệnh vàng lá gân xanh, nhãn bệnh
chổi rồng chết hàng loạt. Giá dừa, lúa gạo, cá tra xuống thấp mới có hỗ trợ, mua
tạm trữ. Chính sách luôn bị “độ trễ” khi đến người dân...
Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” được ca tụng, nhưng cũng bị
vướng do nông dân tham gia “Cánh đồng mẫu lớn” thì mất hỗ trợ đầu tư kênh mương
thủy lợi, giống, mua máy nông nghiệp, hệ thống sấy lúa. Trong khi những vấn đề lớn như chính sách “tích tụ
ruộng đất”, đảm bảo tỉ lệ vốn cổ phần của nông dân, cổ phần của doanh nghiệp
trong nước... để loại hình công ty cổ phần này không bị thao túng trên sàn
chứng khoán vẫn còn đang tiếp tục được... nghiên cứu.
Thực tế đang cần một hệ thống các cơ chế, chính sách
đồng bộ, căn cơ. Nông dân cần “cung hàng sỉ” ổn định lâu dài hơn là chính sách
cấp “hàng lẻ” nhất thời. Tư duy làm chính sách và thực thi chính sách cần được
đổi mới mang tính chủ động, dựa vào thế mạnh, tiếp cận theo chuỗi giá trị sản
phẩm chủ lực hơn là việc cơ quan hoạch định chính sách thị trường đi bán dưa,
mặc dù điều đó có thể nhất thời cần thiết
Nhận xét
Đăng nhận xét