23/04/2019 22:04 GMT+7
TTCT - Chuyện Chính phủ phải “giải cứu” lúa gạo ở ĐBSCL và
“cơn sốt” ưa thích giống lúa Jasmine 85 của VN trên đất Thái thu hút sự quan
tâm của nhiều người, thật ra cũng là… chuyện cũ. Một câu hỏi cũ cho ngành lúa
gạo chưa có lời giải mới: Bao giờ cung gặp cầu?
“Lệch pha” là đổ thừa nông
dân
Thị trường cần loại nào, lúa thường, chất lượng cao, hay lúa
hữu cơ... thì chọn loại giống đó và sản xuất theo quy trình để đảm bảo cung cấp
đủ chất, đủ lượng đáp ứng nhu cầu khách hàng. Yêu cầu đơn giản đó ai cũng biết,
nông dân (ND) cũng biết. Nhưng tại sao ND vẫn rơi vào tình trạng “lệch pha”
trong sản xuất?
Chọn giống lúa nào tưởng dễ, hóa ra là câu hỏi khó cho bà con.
Trách ND “nói hoài không nghe”, nhưng người trồng lúa nghe theo khuyến cáo của
chính quyền phải chịu thua thiệt. Thực tế vừa qua, nhiều ND đã chuyển sang
trồng lúa chất lượng cao, có địa phương đạt hơn 70% diện tích canh tác. Trớ
trêu là lúa chất lượng cao bị “cào giá” như chất lượng thấp, thương lái không
mua.
Yêu cầu sản xuất phải kết nối với thị trường là vấn đề khó,
“vượt tầm” của ND. ND cần “cung hàng sỉ” ổn định lâu dài hơn là “cấp hàng lẻ”
nhất thời. ND cần thông tin thiết thực để tổ chức sản xuất bắt đúng “tần số tín
hiệu thị trường” hơn là những kêu gọi chung chung. Xét góc độ này thì nhiều cơ
quan chưa làm tốt, chưa làm đúng vai đã tạo ra sự “lệch pha” cung - cầu chứ
đừng chỉ đổ thừa cho ND.
Nghị định 107/2018/NĐ-CP quy định: Bộ NN&PTNT chủ trì,
phối hợp thực hiện cân đối nhu cầu tiêu dùng gạo trong nước, công bố vào quý 4
hằng năm. Bộ Tài chính công bố giá lúa định hướng ngay từ đầu vụ để làm cơ sở
áp dụng các biện pháp bình ổn giá lúa, gạo hàng hóa trên thị trường.
UBND cấp tỉnh công bố giá thành sản xuất lúa bình quân dự tính
trong toàn tỉnh ngay từ đầu vụ đối với từng vụ sản xuất trong năm. Vậy mà có cơ
quan nào làm thông suốt? ND làm sao tiếp cận được thông tin lúa gạo để tổ chức
sản xuất theo “tín hiệu thị trường”, chọn phân khúc gạo nào để đảm bảo cung -
cầu?
Câu chuyện “những bàn tay thô ráp quẹt Zalo”, ND “ứng dụng
điện toán đám mây” để trồng lúa bằng cách đo độ mặn, điều khiển hệ thống bơm,
thoát nước bằng smartphone không còn là chuyện lạ. Điều đó cho thấy ND có thể
tiếp cận rất nhanh với công nghệ mới và cách làm mới.
Tập đoàn Rynan Holdings JSC ở Trà Vinh đã đầu tư hệ thống trạm
quan trắc nước, xử lý thông tin, cung cấp cho ND bộ công cụ “làm nông bằng điện
thoại”. Tập đoàn Lộc Trời cũng đã tích hợp dữ liệu, ứng dụng viễn thám địa lý
giúp ND An Giang và nhiều địa bàn vùng nguyên liệu của tập đoàn nắm bắt thông
tin đồng áng qua điện thoại thông minh mà không cần phải ra đồng.
Song, ND vẫn đang rất cần sự dẫn dắt của nhà đầu tư, doanh
nghiệp, sự hỗ trợ của nhà khoa học và kiến tạo của Nhà nước để tìm mới trong
câu chuyện cũ. Thiếu một đảm bảo chắc chắn cho chất lượng gạo, thương hiệu gạo,
sản xuất lúa trong điều kiện mù thông tin thị trường, chưa biết bán cho ai
chính là cái vòng luẩn quẩn của ND đi tìm giá trị mới trong câu chuyện cũ.
Không còn một sản phẩm cho
mọi người dùng
Hằng năm, chúng ta sản xuất khoảng 44 triệu tấn lúa, tương
đương 22 triệu tấn gạo. Xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn, chỉ chiếm hơn 27%, còn
lại 16 triệu tấn tiêu dùng trong nước, chiếm gần 2,7 lần gạo xuất. Vì vậy, việc
định ra các phân khúc thị trường tiêu thụ cho từng chủng loại gạo là rất quan
trọng. Gạo xuất khẩu đã chiếm khoảng 18-20% thị phần gạo thế giới, yêu cầu về
giống tốt, có thương hiệu, phẩm cấp đạt yêu cầu.
Trong khi thị trường gạo nội địa với hơn 94 triệu người dùng,
dù ăn cơm ít hơn nhưng đang đòi hỏi chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm ngày
càng cao hơn. Người dùng gạo trong nước cần được đáp ứng đúng nhu cầu, phải có
công cụ truy xuất nguồn gốc, bảo vệ các thương hiệu gạo uy tín, chất lượng.
Ngoài gạo cho bữa cơm hằng ngày của mỗi gia đình, nhu cầu gạo
nguyên liệu cho hàng loạt ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm và
các sản phẩm sau gạo khác đang ngày càng lớn hơn. Những “tín hiệu thị trường
này” phải đến được ruộng lúa của người ND. Thời buổi lúa gạo cạnh tranh, không
còn một sản phẩm cho mọi người dùng.
Nghiên cứu, sản xuất các giống lúa có năng suất, chất lượng,
giá trị cao thuộc công nghệ sinh học, nhưng không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà nó
cần được gắn với hệ thống ngành hàng lúa gạo từ khâu giống đến quy hoạch, tổ
chức sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ, phát triển công nghệ sau gạo.
Vì vậy, cần tăng cường năng lực hợp tác nghiên cứu khoa học,
đưa các công nghệ mới vào tất cả các khâu: sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế
biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Đó cũng là việc đi tìm giá trị mới trong
câu chuyện cũ.
Ngành lúa gạo nước ta phải vượt qua dấu chân lấm bùn của kinh
tế tự nhiên, kinh nghiệm nông nghiệp truyền thống để bước sang kinh tế tri
thức, tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp sáng tạo toàn cầu.
Gạo Việt đang rất cần trợ lực và sức bật mới từ các ngành
“công nghiệp phụ trợ”. Đó có thể là các ngành công nghiệp mới sau lúa gạo có
giá trị gia tăng cao như thực phẩm tiêu dùng (dầu ăn, sữa gạo, thức uống dinh
dưỡng...), vật liệu (đánh bóng kim loại), sơn (nano chống cháy), ngành dược, mỹ
phẩm, ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
“Chiến dịch giải cứu lúa” mà nhiều nơi đang làm là cần, nhưng
chỉ mang tính đối phó mùa vụ. Bà con ND đang cần tập hợp lại cùng với các doanh
nghiệp đủ mạnh phát triển sản xuất theo các chuỗi giá trị được quản lý từ đầu
vào đến đầu ra. Phải kiểm soát được tiêu chuẩn chất lượng gạo từ sản xuất, chế
biến đến các kênh phân phối bằng pháp luật và chất lượng quản lý.
Nâng cao sức cạnh tranh, định chuẩn giống lúa, đảm bảo chất
lượng gạo và xác định đúng phân khúc thị trường đầu ra cho hạt gạo để các yêu
cầu này tác động trở lại từ đầu vào đến đầu ra trong toàn bộ chuỗi giá trị gạo
Việt và mở ra một không gian phát triển mới cho các sản phẩm sau gạo. Đó chính
là chuyện tìm giá trị mới trong câu chuyện cũ.■
Ông Lê Minh Hoan (bí thư Tỉnh ủy Đồng
Tháp): Cần liên kết lại để thôi
“giải cứu” lúa Để thôi “giải cứu” ngành hàng lúa gạo, cần liên kết lại ở
toàn chuỗi ngành hàng gồm cả khâu sản xuất, chế biến và thị trường... ND hiện
nay chỉ sản xuất theo kiểu thấy giá lúa nào cao thì tự động “bung thêm” diện
tích hoặc thương lái gợi ý, mà thương lái gợi ý đôi khi lại dựa vào tín hiệu
của doanh nghiệp. Tư duy của nhà quản lý đôi khi cũng lấy đó làm thành tích
đánh giá sự tăng trưởng. Vì vậy, muốn có quy hoạch tương đối ổn định thì cần
nắm bắt đầy đủ thông tin về yêu cầu của thị trường. Sản xuất theo nhu cầu của thị trường là tất yếu trong nền
kinh tế thị trường. Nhưng trách ND không sản xuất theo thị trường là không
công bằng. Trong khi cả đội ngũ phân tích thị trường trong các cơ quan chuyên
ngành, các doanh nghiệp còn lúng túng, thậm chí thông tin còn bị méo mó do
lợi ích cục bộ, thì sao quay lại trách ND. Ngay cả dự báo thị trường trong
mỗi mùa vụ, mỗi quốc gia nhập khẩu là chính xác nhưng vẫn có thể thay đổi
ngay vụ sau. Thị trường “trăm người bán vạn người mua” khó có thể phân
tích. Khi có kết quả phân tích thì làm sao đưa thông tin đó đến ND? Nhiệm vụ
cung cấp thông tin một cách đầy đủ nhất, kịp thời nhất là của các cơ quan nhà
nước chuyên ngành, sau đó ND sẽ quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định
của mình. Ngoài ra, các viện trường, doanh nghiệp nghiên cứu sản
xuất giống, doanh nghiệp tiêu thụ và xuất khẩu cần liên kết lại như những
thành phần trong chuỗi ngành hàng lúa gạo. Có như vậy mới gắn kết các kết quả
nghiên cứu sát và kịp thời với yêu cầu của thị trường. |
GS Bùi Chí Bửu (nguyên viện trưởng Viện
Lúa ĐBSCL): Thêm nhiều sản phẩm giá
trị gia tăng từ gạo Các sản phẩm giá trị gia tăng từ gạo hiện chưa được làm
tốt. Sản xuất với số lượng quá lớn và chỉ chăm bẳm vào thị trường xuất khẩu,
đến khi thị trường “tắc” là việc sản xuất lúa gạo có vấn đề ngay. Chưa nói
đến việc sản xuất với số lượng quá lớn (vụ đông xuân khoảng 11-12 triệu tấn),
ngay cả thu hoạch đồng loạt đã không có chỗ chứa (cả ĐBSCL năng lực chứa chỉ khoảng
4 triệu tấn). Trong khi đó việc chế biến ra các sản phẩm sau thu hoạch
là cách mà Hàn Quốc đã làm rất tốt như chế biến sữa gạo và nhiều sản phẩm
khác. Chính phủ cần có chương trình hỗ trợ cho nghiên cứu sau thu hoạch. Mình
không có thế mạnh về lúa thơm so với Thái Lan và Campuchia mà có thế mạnh đưa
giống chuyển qua hướng phẩm chất dinh dưỡng dành cho người bị tiểu đường,
bệnh huyết áp. Cần có định hướng nghiên cứu sản xuất giống theo hướng này.
Mình cần chủ động đi vào một hướng tìm sự khác biệt. Trước khi làm được những vấn đề trên, về giải pháp kỹ
thuật có thể làm giảm giá thành sản xuất lúa ở ĐBSCL do sạ quá dày và phân
thuốc phòng trị sâu bệnh quá lớn (khuyến cáo chỉ 400 - 600kg phân vô cơ/ha,
nhưng ĐBSCL dùng tới 1,1 tấn/ha). Tuy nhiên, muốn làm được việc này thì phải
làm được câu chuyện liên kết doanh nghiệp với ND để ND buộc phải sản xuất
theo quy trình do doanh nghiệp đặt ra. CHÍ QUỐC ghi |
Chuyện
lúa và gạo: Tìm mới trong chuyện cũ - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)
Nhận xét
Đăng nhận xét