Trần Hữu Hiệp
NLĐ-23-05-2022 - 09:15|Thời sự trong nước
Diễn đàn Kết nối du lịch giữa TP HCM và 13 tỉnh, thành
ĐBSCL lần thứ 2 - năm 2022 vừa được tổ chức tại Đồng Tháp.
Không chậm chân cùng cả nước, 2 vùng du lịch với thế mạnh
đặc thù riêng đã nắm tay nhau nối lại chương trình liên kết hợp tác phát triển
du lịch trong trạng thái bình thường mới.
Nhiều kỳ vọng phục hồi, thúc đẩy mạnh mẽ du lịch cho giai
đoạn mới đang mở ra. Có một dòng chảy du lịch ĐBSCL - TP HCM đang phục hồi và
tăng trưởng mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Dòng chảy đó đang được tiếp sức bằng
nhiều nỗ lực của ngành, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp và các tác
nhân trong chuỗi giá trị du lịch.
Đó là bước tiếp nối và tăng tốc kể từ sau ngày 1-10-2021.
Với tư duy phòng chống dịch mới và chính sách mở cửa kịp thời, du lịch nội địa
sau thời gian dài "đóng băng" đã bung ra đi trước mở đường. Đến ngày
15-3 vừa qua, với việc mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế, ngành kinh tế tổng hợp
này đã chính thức "đi bằng 2 chân".
TP HCM và ĐBSCL đã thể hiện là một trong những vùng du lịch
năng động nhất. Lượng khách du lịch trong nước và quốc tế, doanh thu dịch vụ
ngành du lịch và hàng loạt sự kiện đã diễn ra, không phải là các hoạt động
riêng lẻ mà mang tính kết nối cao giữa TP HCM và các tỉnh.
Mặc dù còn quan ngại trước diễn biến phức tạp của dịch
bệnh, hay ĐBSCL vẫn còn những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch
và thương mại, ảnh hưởng trực tiếp đến du lịch lữ hành, lưu trú; nhưng dòng
chảy du lịch đang có nhiều khởi động mới với nhiều quyết tâm và động lực mới.
TP HCM đã xóa đi hình ảnh "vùng dịch" để trở lại
vị trí "mặt tiền, cửa ngõ" của một trung tâm du lịch lớn nhất nước.
Miền Tây sông nước cũng đã mở van "lò xo du lịch" an toàn cho du lịch
quốc tế cùng với các điểm sáng du lịch nội địa đang thu hút du khách.
Lượng du khách đến vùng ĐBSCL từ đỉnh cao của năm 2019, đạt
47 triệu lượt, đã giảm 47% trong năm 2020, tiếp tục giảm hơn 80% vào năm 2021,
thậm chí có thời điểm du lịch đóng cửa hoàn toàn, rơi vào trạng thái "chết
lâm sàng". Nay, số lượng khách trong và ngoài nước đến ĐBSCL đã tăng
trưởng vượt bậc, nhất là các dịp Tết nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, dịp lễ
30-4, 1-5 và sắp tới là hàng loạt tour, tuyến, gói sản phẩm du lịch hè đang trở
lại mạnh mẽ.
Thế mạnh du lịch sông nước, miệt vườn, biển đảo, du lịch
xanh, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm văn hóa của ĐBSCL là sự kết nối có nhiều
lợi thế với du lịch TP HCM. Hai vùng du lịch nổi tiếng này có thể nương tựa vào
nhau, bổ sung cho nhau để tăng tính hấp dẫn. Liên kết, hợp tác, kết nối du lịch
TP HCM - ĐBSCL không phải là yêu cầu, nội dung mới, nhưng trước tình hình mới,
đã trở thành mệnh lệnh mới cho việc mở cửa ngành "công nghiệp không
khói".
Liên kết phát triển du lịch TP HCM - ĐBSCL, cần tiếp tục
thực hiện linh hoạt thích ứng, tăng cường liên kết hệ thống, từ trọng tâm là
thị trường du lịch nội địa sang mạnh dạn khai thác du lịch quốc tế, tránh chậm
chân trước các đối thủ cạnh tranh. Theo đó, đề nghị các địa phương, doanh
nghiệp, người kinh doanh du lịch và các tác nhân liên quan trong chuỗi du lịch
cần cụ thể hóa rõ ràng cơ chế, nội dung, chương trình liên kết, hợp tác thực
chất bằng nhiều hoạt động, sản phẩm du lịch cụ thể; phân định trách nhiệm tháo
gỡ và giải quyết các vướng mắc phát sinh thường xảy ra sau thời gian dài các chuỗi
du lịch bị đứt gãy
https://nld.com.vn/mien-tay/mot-dong-chay-du-lich-dang-hoi-phuc-20220522190544281.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét