Trần Hữu Hiệp
NLĐ-27-03-2022 - 07:59|Góc nhìn
Cùng với việc khẩn trương triển khai "trục xương
sống" cao tốc Bắc - Nam, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có tờ trình
Chính phủ về việc ưu tiên đầu tư các tuyến cao tốc khu vực phía Nam, gồm: Biên
Hòa - Vũng Tàu, TP HCM - Chơn Thành, TP HCM - Mộc Bài, Tân Vạn - Nhân Trạch,
Bình Chuẩn - Bến Lức, Mỹ An - Cao Lãnh, Chơn Thành - Đức Hòa, An Hữu - Cao Lãnh
và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Động thái tích cực của cơ quan quản lý ngành GTVT đang tạo
ra nhiều kỳ vọng hiện thực hóa giấc mơ thoát vùng trũng, kết nối thông suốt 2
vùng kinh tế Đông Nam Bộ với ĐBSCL - nơi đóng góp hơn 50% GDP và 70% nguồn thu
ngân sách quốc gia.
Thời gian qua, bức tranh giao thông vùng ĐBSCL ngày càng
khởi sắc, với các trục dọc, đường ngang, đường vành đai ven biển phía Đông và
phía Tây, các cầu vượt sông lớn được đầu tư. Song nhìn chung, hiện trạng giao
thông của vùng này vẫn bất cập, thiếu sự kết nối nội vùng, liên vùng.
Dọc theo Quốc lộ 1 nối "2 nút kép" TP HCM và Cần
Thơ thường xuyên xuất hiện các nút thắt cổ chai gây bức xúc. Đặc biệt, miền Tây
vẫn đang trong tình trạng "đói đường cao tốc, khát đường giao thông".
Chưa giải quyết được tình trạng này thì miền Tây vẫn đi trên "những đôi
chân rùa bò" vì giao thông không thể đi trước mở đường phát triển trong
khi hạ tầng vẫn luôn là điểm nghẽn lớn của vùng.
Quy hoạch tích hợp phát triển vùng ĐBSCL được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt đã xác định đến năm 2030, vùng này được đầu tư xây dựng mới
và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc. Theo đó, hệ thống đường cao tốc
miền Tây sẽ được kết nối với TP HCM và Đông Nam Bộ theo 3 trục dọc và 3 trục
ngang nhằm tăng cường kết nối với hệ thống cảng biển trong vùng với các cửa
khẩu quốc tế.
Các trục dọc gồm: tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn
TP HCM - Cần Thơ - Cà Mau) và phía Tây (đoạn Đức Hòa - Rạch Sỏi), tuyến TP HCM
- Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng; các trục ngang gồm: tuyến cao
tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu và Hồng
Ngự - Trà Vinh.
Để hiện thực hóa giấc mơ về đường cao tốc miền Tây và tăng
cường kết nối với miền Đông Nam Bộ, cần tranh thủ tối đa gói chính sách tài
khóa và tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội với hàng trăm
ngàn tỉ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên
cứu các cơ chế, chính sách để thực thi, bảo đảm tiến độ thi công công trình;
tránh tình trạng chậm giải ngân, khát vốn, vướng giải phóng mặt bằng.
Các tuyến cao tốc khu vực phía Nam được đầu tư thời gian
tới là "mạch máu" chính, là "trục xương sống" quan trọng
của vùng. Song, để phát huy hiệu quả, rất cần nhiều công trình giao thông kết
nối khác bằng các trục vành đai, đường xương cá. Cùng với đường bộ, cần kết nối
các phương thức giao thông đường thủy, đường biển và hàng không để tạo mạng
lưới đồng bộ.
Vì vậy, cùng với việc phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT triển
khai những công trình cao tốc trọng điểm thời gian tới, các địa phương cần chủ
động triển khai quy hoạch, thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách để
"đón gió" và kết nối các tuyến cao tốc. Cần tính toán, tận dụng tất
cả cơ hội, giải pháp để phát triển. Đó cũng chính là việc khơi thông "mạch
máu" để phát triển ĐBSCL và khu vực phía Nam trong giai đoạn mới
https://nld.com.vn/thoi-su/khoi-thong-mach-mau-phia-nam-20220326222603302.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét