Trần Hữu Hiệp
NDO
- Thứ sáu, ngày 06/05/2022 - 10:40
Tầm
nhìn chiến lược, tư tưởng chỉ đạo sáng suốt và thực tiễn sinh động đã được
chuyển tải vào Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng đồng
bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần được triển khai,
quán triệt từ Trung ương đến tận cơ sở để nghị quyết sớm vào cuộc sống hiệu quả
nhất.
tỉnh
Hậu Giang hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình sản xuất lúa thông minh. |
Vấn đề cốt lõi của đồng bằng sông Cửu Long vẫn là định vị
vùng, bố trí không gian và huy động các nguồn lực phát triển với mục tiêu đưa
vùng này thành nơi đáng sống đối với người dân, và là điểm đến hấp dẫn đối với
du khách và nhà đầu tư cùng với các cộng đồng dân cư chung sống thịnh vượng và
năng động.
Nước là cốt lõi, con người là trung tâm
Yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển vùng là lấy
“con người” làm trung tâm; chọn “đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ” là chìa
khóa phát triển, “văn hóa” làm nền tảng, coi “tài nguyên nước” là cốt lõi,
chuyển đổi mô hình sinh kế theo hướng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu,
nước biển dâng, các tác động ngoại cảnh cũng như ứng phó, quản trị tốt rủi ro
các yếu tố tiêu cực nội vùng.
Nhận thức rõ các thách thức mà vùng châu thổ này đang đối
mặt ở nhiều cấp độ khác nhau, từ nội vùng, liên vùng, khu vực hạ lưu Mê Công và
cấp độ tác động toàn cầu do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Vấn đề cốt
lõi-tài nguyên nước của đồng bằng cũng đang chịu nhiều áp lực to lớn. Tác động
tiêu cực của vấn đề nước xuyên biên giới. Các quốc gia đầu nguồn xây đập thủy
điện “treo các túi nước trên đầu Mê Công”, “trích máu dòng sông” bằng các dự án
chuyển nước dòng chính làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, nguồn lợi
thủy sản, tăng xâm nhập mặn, sạt lở, tác động tiêu cực đến phát triển kinh
tế-xã hội và môi trường của vùng hạ lưu.
Thách thức còn bị nhân lên từ hoạt động kinh tế với cường
độ cao ở nội vùng gây nhiều hệ lụy làm mất cân bằng sinh thái, cạn kiệt tài
nguyên nước và cát, trong khi quản lý Nhà nước “thiếu phối hợp, thừa chồng
chéo”. Các thách thức đó không riêng lẻ mà đang tích lũy, liên hoàn, đòi hỏi sự
nhận diện hệ thống, có chiến lược ứng phó dài hạn, sự tiếp cận đa ngành và phối
hợp giải quyết liên ngành.
Bên cạnh đó, vùng này cũng đang đứng trước
cơ hội chuyển đổi sang mô hình phát triển mới theo hướng gia tăng giá trị, phát
huy có hiệu quả các nguồn lực về con người, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng
tạo và chuyển đổi số. Mới đây Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính
trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng
đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành trước
bối cảnh và yêu cầu đó. Thực tiễn đời sống sinh động cùng với tư tưởng chỉ đạo,
tầm nhìn chiến lược đã được kết tinh trong Nghị quyết, cần thiết phải được triển
khai, quán triệt đến tận cơ sở, để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.
Ba câu
hỏi lớn và hành động
Ba câu hỏi lớn đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng đặt ra, cần được triển khai, quán triệt, chỉ đạo hành động, tạo chuyển
biến. Một là, vì sao trong lúc này Bộ Chính trị lại ban hành Nghị quyết phát
triển vùng đồng bằng sông Cửu Long tầm nhìn đến năm 2045? Hai là, những ý tưởng
mới, tinh thần mới, nội dung mới của nghị quyết là gì? Và thứ ba là, cần làm gì
và làm như thế nào để tổ chức thực hiện hiệu quả nhất các mục tiêu, nhiệm vụ,
giải pháp chủ yếu?
Bộ Chính trị đã thống nhất đánh giá, Nghị
quyết số 21-NQ/TW ngày 20/1/2003 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ,
giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh-quốc phòng vùng đồng
bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2010 (gọi tắt là Nghị quyết 21) đã được các bộ,
ngành Trung ương và địa phương trong vùng triển khai, thực hiện hiệu quả; phát
huy được tiềm năng, lợi thế, tác động tích cực, mạnh mẽ đến sự phát triển chung
của vùng và cả nước.
Các mục tiêu của Nghị quyết 21 đã cơ bản
hoàn thành, giai đoạn mới, yêu cầu phát triển mới, cách tiếp cận mới, cần thiết
phải có Nghị quyết mới cho vùng kinh tế, xã hội quan trọng này của đất nước.
Yêu cầu phát triển mới với tầm nhìn dài hạn, rất cần tư duy kiến tạo, cách tiếp
cận tổng hợp, thích ứng thuận theo tự nhiên, yêu cầu phải chuyển đổi mô hình
phát triển vùng, định hướng bố trí không gian, huy động nguồn lực, tăng cường
liên kết vùng và liên vùng với thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó “Trục xương
sống” của vùng vẫn là cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi và chất lượng nguồn
nhân lực. Ba khâu then chốt này vẫn cần được coi là chiến lược quan trọng nhất
của quy hoạch vùng.
Hiện chúng ta đang ở thời điểm tái cấu trúc,
định hình lại cách thức phát triển, tính toán nguồn lực quốc gia để huy động,
chuẩn bị các kịch bản phát triển sau đại dịch Covid-19. Cùng với định hướng huy
động, bố trí nguồn lực, cần xác định rõ đâu là nhiệm vụ trọng tâm, địa chỉ chịu
trách nhiệm từng đầu việc, thời hạn hoàn thành, nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu
quả. Theo đó, cần ưu tiên tập trung năm nhóm giải pháp sau:
Một là, các giải pháp về cơ chế, chính sách
đảm bảo liên kết vùng. Tiếp tục hoàn thiện thể chế điều phối vùng, tăng cường
vai trò của các địa phương trong Hội đồng điều phối vùng. Xây dựng cơ chế,
chính sách nhằm tạo sự liên kết giữa các địa phương, tạo nên sức mạnh tổng hợp,
định vị lợi thế cạnh tranh, phát huy sức mạnh tiềm năng. Nghiên cứu, ban hành
cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, liên kết sản
xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đối với các nhóm sản phẩm chủ lực của vùng.
Hai là, tổ chức huy động nguồn lực đầu tư phát
triển, ưu tiên bố trí vốn đầu tư công, thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách,
nhất là vốn trong khối tư nhân; những việc, lĩnh vực mà tư nhân có thể thực
hiện cần được tạo điều kiện cho tư nhân. Thúc đẩy hình thành các quỹ đầu tư,
các cơ chế huy động vốn khuyến khích cho vay, tăng cường năng lực cho các thành
phần kinh tế. Với nguồn lực có hạn, việc lựa chọn mục tiêu trọng tâm, lựa chọn
khâu đột phá, khắc phục tình trạng dàn trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả
trong đầu tư là yêu cầu quan trọng hàng đầu.
Ba là, đầu tư và phát triển hạ tầng theo quy
hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ, giải quyết các “điểm nghẽn” phát triển
trong lĩnh vực giao thông vận tải, thích ứng biến đổi khí hậu phù hợp với quy
hoạch vùng được phê duyệt. Thực hiện nhiệm vụ cấp bách về chống sạt lở, sụt lún
nghiêm trọng tại một số khu vực bờ biển, bờ sông. Các dự án đầu tư và phát
triển hạ tầng phải đảm bảo thống nhất, tính liên vùng, liên ngành, có trọng
tâm, trọng điểm và có lộ trình hợp lý.
Bốn là, nhóm giải pháp về phát triển nguồn
nhân lực, đổi mới sáng tạo và khoa học, công nghệ cần được xem là chìa khóa
thành công trong phát triển vùng. Theo đó, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực
theo hướng phục vụ phát triển các ngành lợi thế của vùng và tăng cường đào tạo,
thu hút số lao động trẻ có trình độ chuyên môn, tay nghề, trên cơ sở gắn kết
hoạt động của các trung tâm đầu mối với hệ thống các viện nghiên cứu và trường
đại học trong vùng cũng như ngoài vùng, cả các tổ chức quốc tế và các quỹ có
quan tâm và ưu tiên đầu tư cho vùng.
Năm là, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh
địa bàn Tây Nam Bộ, giữ vững “tuyến biên giới mềm” đoàn kết, hợp tác, cùng phát
triển, gắn kết với các mục tiêu phát triển con người, kinh tế, xã hội và môi
trường.
Tầm nhìn dài hạn, mục tiêu phát triển đồng
bằng sông Cửu Long trở thành vùng đất an toàn, trù phú, thịnh vượng trong tương
lai đến nhanh hay chậm đang đòi hỏi những nỗ lực vượt qua các thách thức, tận
dụng thời cơ, hành động đột phá và không hối tiếc. Diện mạo tương lai đồng bằng
đã được định hình rõ, cần những gam màu sáng bằng tư duy, cách tiếp cận và hành
động thực tế. Đặc biệt là Nghị quyết 13-NQ/TW đã từng bước soi đường, kỳ vọng
đưa vùng châu thổ Cửu Long sẽ cất cánh trong tương lai.
Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang có dự án “Nâng cao khả năng
chống chịu, phát triển khu định cư con người và sinh thái gắn kết, bền vững
thông qua các can thiệp hạ tầng quy mô nhỏ ở các vùng ven biển đồng bằng sông
Cửu Long” được thực hiện. Đây là dự án đầu tiên của vùng, triển khai tại Trà
Vinh và Bạc Liêu có kết hợp can thiệp “cứng và mềm” nhằm thúc đẩy khả năng
thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng. Bên cạnh việc triển khai các can thiệp
“cứng” là các hạ tầng bảo vệ và sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền
vững, dự án còn thực hiện các can thiệp “mềm” thông qua tăng cường năng lực cho
cán bộ quản lý các cấp và áp dụng công nghệ hạ tầng hiện đại.
https://nhandan.vn/nghi-quyet-soi-duong-ky-vong-chau-tho-cuu-long-cat-canh-post695999.html
Nhận xét
Đăng nhận xét