Trần Hữu Hiệp
SGGP Thứ Sáu, 13/5/2022 06:08
Năm 2021, dù chịu tác động mạnh mẽ của
đại dịch Covid-19 nhưng thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ vẫn đạt gần
111,56 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2020.
Trong
đó, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ hơn 96,3 tỷ USD, tăng 25% so cùng kỳ năm
trước, chiếm tỷ trọng 29% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhập khẩu từ
Hoa Kỳ đạt 15,3 tỷ USD, tăng 11,4% so năm 2020. Thặng dư thương mại của Việt
Nam với nền kinh tế số 1 thế giới đạt 81 tỷ USD, vượt qua nhiều nền kinh tế
lớn, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ.
Tính
đến thời điểm hiện tại, Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt
Nam với giá trị kim ngạch xuất khẩu các tháng đầu năm nay đạt 35,7 tỷ USD,
chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta, tăng gần 19% so cùng kỳ năm
trước. Riêng tháng 4-2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt gần 10,3 tỷ
USD, tăng gần 33,3% so với cùng kỳ năm 2021. Với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực
của nước ta, Hoa Kỳ luôn là cánh cửa lớn.
Theo
báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2021 của Bộ Công thương, Hoa Kỳ là thị
trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đối với các mặt hàng máy móc, thiết bị
(17,8 tỷ USD); hàng dệt và nguyên phụ liệu (16,6 tỷ USD); hàng may mặc (16 tỷ
USD); máy tính và linh kiện điện tử (12,8 tỷ USD); gỗ và sản phẩm gỗ (8,77 tỷ
USD); giày dép (7,4 tỷ USD); thủy sản (2,05 tỷ USD, chiếm 23,1% tổng kim ngạch
xuất khẩu thủy sản của nước ta); sản phẩm nhựa (1,8 tỷ USD); túi xách, ví, vali,
mũ, ô dù (1,3 tỷ USD). Hoa Kỳ cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của các
mặt hàng điện thoại và linh kiện (9,7 tỷ USD), rau quả (223 triệu
USD).
Hoa Kỳ
cũng hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam trong ứng phó đại dịch Covid-19, cung cấp gần 40
triệu liều vaccine và đang cam kết tiếp tục hợp tác phục hồi kinh tế, xây dựng
hệ sinh thái chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, tài nguyên nước sông
Mekong, hỗ trợ khu vực tư nhân các hoạt động đổi mới, sáng tạo.
Tuy
nhiên, đầu tư trực tiếp (FDI) của Hoa Kỳ vào Việt Nam còn khá khiêm tốn, mới
đạt 10,3 tỷ USD, đứng thứ 11/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ, chưa tương
xứng với vị thế cường quốc số 1 thế giới. Song, dư địa phát triển đầu tư,
thương mại giữa 2 nước còn rất lớn. Hai nền kinh tế có thể bổ sung và mang lại nhiều
lợi ích hơn từ quan hệ song phương, nhất là các lĩnh vực nhiều tiềm năng như
đầu tư phát triển hạ tầng, logistics, năng lượng xanh, công nghệ, kỹ thuật cao,
xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số mà Hoa Kỳ có nhiều lợi thế.
Ngược
lại, Việt Nam là nguồn cung quan trọng các mặt hàng tiêu dùng, dệt may, nông,
thủy sản mà ta có lợi thế trong sản xuất, cung ứng. Mới đây, VinFast và chính
quyền bang Bắc Carolina của Hoa Kỳ vừa công bố việc ký kết biên bản ghi nhớ xây
dựng nhà máy sản xuất đầu tiên của VinFast tại Bắc Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là quốc gia
xếp thứ 2 trong số các quốc gia mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài từ đầu năm
2022 đến nay. Có thể thấy, hợp tác đầu tư, thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ là trụ
cột quan trọng, động lực mạnh mẽ trong quan hệ hai nước, đang tăng tốc và còn
nhiều dư địa phát triển.
Chuyến
thăm và làm việc của đoàn cấp cao Việt Nam tại Hoa Kỳ do Thủ tướng Phạm Minh
Chính dẫn đầu lần này được kỳ vọng mở ra trang mới, nâng quan hệ song phương
lên tầm cao mới.
https://www.sggp.org.vn/tang-toc-phat-trien-thuong-mai-dau-tu-viet-namhoa-ky-812956.html
Nhận xét
Đăng nhận xét