GIA BẢO
CTO-Năm 2021, thương mại điện tử (TMÐT) Việt Nam tăng 16%, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỉ USD; tỷ trọng doanh thu bán lẻ TMÐT trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 7%, tăng 27% so với năm 2020. Dự kiến năm 2022, doanh thu TMÐT dự báo đạt 16,4 tỉ USD. Thị trường TMÐT còn rất nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt trong thời đại kinh tế số như hiện nay.
Mua sắm trực tuyến đang
phát triển mạnh.
Tín hiệu tích cực
Phát
triển TMÐT là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số hiện nay.
Theo các chuyên gia, để tận dụng các cơ hội, tăng doanh thu từ nền kinh tế số
cần đầu tư nguồn lực (con người và tài chính, hạ tầng công nghệ…) nhằm tạo nền
tảng phát triển, bắt kịp xu thế dịch chuyển thương mại toàn cầu.
Theo
báo cáo “Digital 2021 global overview report” của We are social &
Hootsuite, lượng người dùng Internet toàn cầu hơn 4,75 tỉ người; tháng 1-2022
con số này là 4,9 tỉ người. Báo cáo “Kinh tế khu vực Ðông Nam Á năm 2021” của
Google, Temaek và Bain & Company, thống kê năm 2021 số người sử dụng
Internet khu vực Ðông Nam Á khoảng 440 triệu người. Theo báo cáo “Digital 2022
global overview report” của We are social & Hootsuite, có 58,4% người dùng
Internet có mua hàng hóa hoặc dịch vụ hằng tuần (Việt Nam tỷ lệ này là 58,2%).
Số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến sau đại dịch COVID-19 tăng lên đáng
kể so với trước dịch. Nguyên do mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng cho rằng
điều đó giúp cuộc sống họ trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn và trở thành một phần
trong thói quen tiêu dùng.
Theo
Sách trắng TMÐT Việt Nam năm 2022 (do Cục TMÐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương
phát hành) dựa trên kết quả điều tra gần 5.000 người tiêu dùng và khoảng 10.000
doanh nghiệp (DN), các số liệu từ kết quả nghiên cứu của các tổ chức quốc tế đã
thống kê, năm 2021 doanh thu bán lẻ TMÐT toàn cầu đạt 4.921 tỉ USD, tăng 16,8%
so với năm 2020. Dự báo năm 2022, quy mô thị trường bán lẻ TMÐT (B2C) toàn cầu
khoảng 5.545 tỉ USD, tăng 12,7% so với năm 2021. Tốp 10 quốc gia có thị phần
TMÐT lớn nhất năm 2021 theo thứ tự gồm: Trung Quốc, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn
Quốc, Ðức, Pháp, Ấn Ðộ, Canada, Brazil (chiếm 88,6% thị phần toàn cầu; trong đó
Trung Quốc chiếm 52,1%). Còn theo báo cáo “Kinh tế khu vực Ðông Nam Á năm 2021”
của Google, Temaek và Bain & Company dự báo năm 2025, doanh thu kinh tế
Internet của Việt Nam có thể đạt 57 tỉ USD.
Sách
trắng TMÐT Việt Nam năm 2022 cũng ghi nhận doanh thu TMÐT Việt Nam giai đoạn
2017-2021 duy trì mức tăng trưởng liên tục ở mức 2 con số. Cụ thể năm 2017
doanh thu TMÐT đạt 6,2 tỉ USD (thị trường B2C); thì đến năm 2021 đạt 13,7 tỉ
USD; dự báo năm 2022 đạt 16,4 tỉ USD. Ước tính số lượng người tiêu dùng mua sắm
trực tuyến năm 2017 là 33,6 triệu người; năm 2021 con số nâng lên 54,6 triệu
người; dự báo năm 2022 khoảng 57-60 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến…
Ðiều đó cho thấy, thị trường TMÐT của Việt Nam đang sôi động hơn. Ðây vừa là cơ
hội, vừa là thách thức cho các DN mở rộng quy mô phát triển.
Cần cơ chế, chính sách đồng bộ
Các
chuyên gia cho rằng, việc mở rộng quy mô và tiệm cận với thị trường quốc tế cần
vượt qua rất nhiều trở ngại, nhất là nhân lực và tài lực đầu tư cho hoạt động
TMÐT. Kế hoạch tổng thể phát triển TMÐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 (Quyết
định số 645/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15-5-2020) đặt mục tiêu đến năm
2025, Việt Nam nằm trong tốp 3 nước dẫn đầu khu vực Ðông Nam Á có thị trường
TMÐT phát triển. TMÐT là cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế số, thúc đẩy chuyển đổi
mô hình kinh doanh và khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Song, cần hành lang pháp
lý hoàn chỉnh và nhân lực cho phát triển TMÐT nhằm thúc đẩy cạnh tranh; đồng
thời, cần đầu tư đồng bộ hạ tầng công nghệ, đảm bảo an toàn thông tin khi tham
gia thị trường trực tuyến.
Theo
Sách trắng TMÐT Việt Nam năm 2022, khảo sát mức độ sẵn sàng ứng dụng TMÐT của
DN trong số 10.000 DN tham gia khảo sát có đến 92% là DN nhỏ và vừa, chỉ 8% là
DN lớn; DN sử dụng phần mềm cho quản trị DN, quản lý chăm sóc khách hàng, quản
lý chuỗi cung ứng chưa tới 28% số DN được khảo sát; chủ yếu dùng phần mềm cho
quản lý nhân sự là 56% và kế toán, tài chính là 88%. Ðánh giá mức độ quan trọng
của việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và TMÐT, chỉ 14% DN cho rằng
rất quan trọng, 41% nhận định quan trọng, 40% cho rằng tương đối quan trọng và
vẫn còn 5% cho biết là không quan trọng. Về hiệu quả đầu tư CNTT và TMÐT trong
hoạt động sản xuất kinh doanh, có 43% cho rằng tương đối hiệu quả, 42% cho biết
có hiệu quả, 11% rất hiệu quả, còn 4% nhận định không hiệu quả.
Bên
cạnh đó, người tiêu dùng vẫn còn tâm lý e ngại mua sắm trực tuyến, khảo sát
5.000 người tiêu dùng có tới 68% cho rằng còn trở ngại khi mua sắm trực tuyến
do chất lượng hàng hóa kém so với quảng cáo, 52% lo ngại thông tin cá nhân bị
tiết lộ, 41% cho biết chi phí vận chuyển còn cao, 30% cho rằng chất lượng dịch
vụ kém… Về nguồn nhân lực cho TMÐT, có tới 64% DN cho biết ưu tiên tuyển dụng
nhân sự đào tạo về CNTT và TMÐT cho chiến lược phát triển kinh doanh trực
tuyến. Có 73% DN có sử dụng hóa đơn điện tử, 42% có sử dụng hợp đồng điện tử và
22% DN tham gia kinh doanh trên sàn giao dịch TMÐT; 57% DN có hoạt động trên
mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram…). Có tới 82% DN có sử dụng website/ứng
dụng TMÐT phục vụ cho mục đích xuất, nhập khẩu… Ðây là điểm tích cực để phát
triển thị trường TMÐT thời gian tới.
TS
Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế, nhận định, tốc độ phát triển TMÐT của Việt
Nam đang gia tăng mạnh mẽ, cùng với sự tích cực chuyển đổi số ở các ngành, các
cấp, DN... đã làm nóng nhu cầu nhân lực và tạo ra cơn khát nhân lực, đặc biệt
là lao động chất lượng cao. Sau đại dịch COVID-19, DN bán lẻ đang tích cực
chuyển từ phương thức mua bán trực tiếp là chủ yếu sang các dạng thức của TMÐT,
đặc biệt là ứng dụng CNTT và tận dụng tiện ích từ Internet. Ðể đáp ứng nhu cầu phát
triển và giải bài toán về nhân lực cần tập trung vào 3 phân khúc nhân lực.
Trước nhất là nhân lực chất lượng cao, mang tính chuyên sâu cho ngành TMÐT. Thứ
hai là nhân lực có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Thứ 3 là nhóm nhân lực có
khả năng ứng dụng phổ cập, có thể được đào tạo ngắn hạn nhưng có thể đáp ứng
nhu cầu thường xuyên cho ngành này.
Theo
TS Trần Hữu Hiệp, muốn phát triển được 3 phân khúc nhân lực cần cách tiếp cận
mới và có cơ chế chính sách, giải pháp đồng bộ. Vậy nên, đầu tiên cần rà soát,
sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế chính sách và quy định pháp luật có
liên quan theo hướng là tăng cường và khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa, hỗ trợ đắc
lực hơn nữa việc phát triển cơ sở hạ tầng mạng, nền tảng công nghệ số, các hoạt
động nghiên cứu, ứng dụng TMÐT... Thứ hai là cần có chiến lược tăng tốc đào tạo
về TMÐT, CNTT, bám sát nhu cầu phát triển để hiện thực hóa mục tiêu Kế hoạch
phát triển TMÐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 (2 mục tiêu quan trọng là: 50% cơ
sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo TMÐT; 1 triệu
lượt DN, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý, sinh viên tham gia các khóa đào tạo
kiến thức, kỹ năng ứng dụng TMÐT). Thứ 3 là cần phát triển thị trường lao động,
trong đó có TMÐT, giải quyết việc làm cho nhân lực CNTT và TMÐT, vừa đáp ứng
nhu cầu cạnh tranh với nhân lực bên ngoài vào trong điều kiện hội nhập kinh tế.
TS
Hiệp cũng cho rằng, TMÐT cần kiến thức, kỹ năng cao đồng thời đòi hỏi sự tích
hợp kiến thức của các chuyên ngành khác, như kinh tế thương mại, CNTT, truyền
thông, sở hữu trí tuệ, các vấn đề pháp lý có liên quan, thương hiệu, quản trị
hệ thống... Ðiều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải đổi mới nội dung chương
trình, phương thức đào tạo để người học có cả kiến thức, kỹ năng cao. Cốt lõi
của thị trường lao động là liên kết thực chất, đào tạo theo nhu cầu của DN, như
vậy mới tạo ra không gian phát triển cho ngành TMÐT và giải quyết cơn khát nhân
lực.
https://baocantho.com.vn/tiem-nang-lon-tu-thi-truong-thuong-mai-dien-tu-a151447.html
Nhận xét
Đăng nhận xét