TRẦN HIỆP THỦY
Phú Quốc đứng trước cơ hội
là "thành phố đảo" đầu tiên cả nước với nhiều cái nhất nhưng cũng
đang gặp không ít thách thức, cần phải có một "chiếc áo mới" phù hợp
Phú Quốc đang tăng tốc
đến vị thế của một thành phố đảo đầu tiên cả nước với nhiều cái nhất. Là hòn
đảo lớn nhất Việt Nam ví như một Singapore, chỉ cách Hà Tiên khoảng 45 km, cách
TP Rạch Giá 120 km.
Lấp lánh đảo ngọc
"Đảo ngọc" này
nằm ở vị trí trung tâm Đông Nam Á, có lợi thế quan trọng trong mối liên kết
giao thông hàng hải, hàng không với các quốc gia trong khu vực và trên thế
giới; là mắt xích quan trọng để kết nối các chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch,
giải trí quốc tế, tạo ra hấp lực đối với các tập đoàn đầu tư xuyên quốc gia.
Phú Quốc là hòn đảo duy
nhất trong vùng ĐBSCL có sân bay quốc tế. Đây cũng là sân bay được xây dựng mới
đầu tiên của cả nước từ sau năm 1975. Cùng với việc "mở cổng trời"
(sân bay Phú Quốc năm 2012), "mở cửa bể" (cảng biển quốc tế tổng hợp
An Thới và cảng hành khách quốc tế Dương Đông), Phú Quốc đã hoàn thiện đường
trục Bắc - Nam, đường vòng quanh đảo và đang hoàn thiện các tuyến xương cá. Năm
2014, tuyến cáp quang biển đầu tiên cùng với lưới điện quốc gia vượt biển ra
Phú Quốc, kéo theo nhiều công trình hạ tầng lớn trên đảo, các dự án đầu tư tầm
cỡ quốc gia và quốc tế hình thành, nhất là các dự án du lịch lớn.
Cáp treo dài nhất thế giới vượt biển ra Hòn Thơm là một trong những điểm nhấn ở Phú Quốc Ảnh: VĂN DƯƠNG
Phú Quốc đang sở hữu
nhiều kỷ lục quốc gia và quốc tế. Đó là vườn thú thiên nhiên bán hoang dã
Safari Phú Quốc nằm trong tổ hợp dịch vụ du lịch thuộc dự án Khu Du lịch sinh
thái Vinpearl được xem là khu Safari đầu tiên, lớn nhất của cả nước. Khách sạn
Novotel Phú Quốc Resort thuộc Tổ hợp du lịch Sonasea Villas & Resort là dự
án resort đầu tiên trên thế giới của chuỗi thương hiệu khách sạn Novotel toàn
cầu. Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Bãi Khem "Mặt trời Phú
Quốc" với khách sạn 5 sao JW. Marriott và cáp treo dài nhất thế giới vượt
biển ra Hòn Thơm…
Trong 5 năm qua, Phú
Quốc phát triển rất nhanh, tốc độ thu hút đầu tư, tăng trưởng GDP, tăng trưởng
ngành du lịch hàng đầu các huyện đảo cả nước, được xếp vào nhóm thị trường du
lịch sôi động bậc nhất Việt Nam. Nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài, đặc biệt là
các thương hiệu đầu tư du lịch nổi tiếng đã có mặt trên đảo. Hầu hết các tập
đoàn lớn như Vingroup, Bim Group, Sun Group, CEO Group… đã đầu tư vào Phú Quốc.
Chưa kể nhiều doanh nhân ở Hà Nội, TP HCM đang đầu tư các dự án du lịch vệ tinh
trên đảo.
Phú Quốc vẫn đang là một
đại công trường, thường xuyên có hàng chục ngàn lao động làm việc. Đã có hơn 10
tỉ USD vốn đầu tư được đổ ra đảo, cao gấp đôi tổng vốn FDI đăng ký toàn vùng
ĐBSCL. Phú Quốc cũng là huyện đảo có nguồn thu ngân sách lớn nhất của tỉnh Kiên
Giang và các huyện đảo cả nước. Tổng giá trị sản xuất dịch vụ của địa phương
tăng khoảng 30%, thu hút hơn 4 triệu lượt khách du lịch/năm, nhiều hơn gần 40
lần dân cư trên đảo.
Kỳ vọng và nỗ lực
Việc phấn đấu trở thành
"thành phố đảo" đầu tiên của cả nước đã được chuẩn bị từ nhiều năm
trước, từ tạo nền tảng hạ tầng và nội lực, tăng cường thu hút đầu tư và tăng
tốc thời gian gần đây. Sự chuẩn bị đó được thể hiện qua Quyết định số
178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 5-10-2004, phê duyệt Đề án phát
triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2020, trong đó xác định mục tiêu đưa
"đảo ngọc" trở thành "trung tâm du lịch sinh thái biển - đảo,
trung tâm giao lưu, thương mại, dịch vụ chất lượng cao của cả nước, khu vực và
quốc tế…"; đón từ 2-3 triệu lượt khách du lịch/năm (chỉ tiêu này đã đạt và
vượt xa). Tại Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 11-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ
khẳng định mục tiêu "xây dựng Phú Quốc trở thành TP biển đảo, trung tâm du
lịch và dịch vụ cao cấp; trung tâm khoa học công nghệ của quốc gia và khu vực
Đông Nam Á".
"Đảo ngọc"
đang tăng tốc trên đường đến vị thế một thành phố đảo đầu tiên của cả nước
nhưng cũng đang cần một "chiếc áo mới" xứng tầm hơn. Trong khi đặt
niềm tin cho tiềm năng, lợi thế phát triển của đảo ngọc, cần nhận thấy những
điểm yếu để khắc phục, các "điểm nghẽn" cho phát triển phải tháo gỡ.
Sức hút mãnh liệt của đảo ngọc cũng đang tạo ra nhiều hệ lụy cần được tập trung
giải quyết hiệu quả. Mặc dù hạ tầng được quan tâm đầu tư mới làm thay đổi bộ
mặt đô thị nhưng vấn đề môi trường, xử lý rác thải, nước thải vẫn đang là điểm
nghẽn. Tình trạng ngập nước cũng là vấn đề bức bách. Gần đây, Phú Quốc còn nổi
lên nhiều bất cập về an ninh trật tự, tai nạn giao thông tăng...
Việc thành lập thành phố
Phú Quốc được kỳ vọng thu hút đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, tạo đà phát
triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Pháp luật
hiện hành chỉ xác định mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn mà
không có chính quyền "thành phố biển đảo". Chưa có một tiêu chí nào
minh định rõ ràng "thành phố đảo" phân biệt với "thành phố đất
liền".
Kỳ vọng mới cho một giai
đoạn phát triển mới của một TP đảo đặc thù, độc đáo chưa có tiền lệ trong nước.
Chiếc áo mới "thành phố đảo" là cần cho Phú Quốc, nhưng điều quan
trọng là mặc vào cho "đảo ngọc" phải tạo được sự chuyển biến thật sự
hướng đến tương lai bền vững vẫn đang là mối quan tâm của nhiều người.
Áp lực quản lý đô thị
Phát triển nóng trong khi lực lượng
cán bộ mỏng có dấu hiệu gây quá tải cho công tác quản lý đô thị, nông thôn, an
ninh trật tự tại Phú Quốc. Các cơn sốt đất, sai phạm trong quản lý đất đai từng
bị phát hiện khiến nhiều cán bộ đã và đang bị xử lý... Điều này đòi hỏi một mô
hình quản lý mới cho Phú Quốc, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị, dân cư, đất
đai, đầu tư xây dựng, môi trường...
(*) Xem Báo Người Lao
Động từ số ra ngày 8-6
Nhận xét
Đăng nhận xét