Trần Hữu Hiệp – Nguyễn Văn Đức
CAND, Thứ Bảy, 06/08/2022, 08:54
Vấn đề cốt lõi của ĐBSCL vẫn là định
vị vùng, bố trí không gian và huy động các nguồn lực phát triển với mục tiêu
đưa vùng này thành nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với
du khách và nhà đầu tư cùng với các cộng đồng dân cư chung sống thịnh vượng và
năng động để tạo ra giá trị mới cho vùng đất “Chín Rồng”.
Chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và
xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 21/6,
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Hội nghị 5 trong 1 này là sáng kiến của Bộ
KH&ĐT, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, bao gồm: Công bố
Chương trình hành động của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã
hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng ĐBSCL thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ
Chính trị; công bố quy hoạch vùng ĐBSCL theo quy định của Luật Quy hoạch và xúc
tiến đầu tư cho vùng ĐBSCL; giới thiệu Chỉ thị về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát
triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, chủ động thích ứng biến đổi
khí hậu (BĐKH); công bố các cam kết tài trợ quốc tế; tổ chức triển lãm, quảng
bá hình ảnh, vùng đất văn hóa, con người vùng ĐBSCL. Đó là những nội dung chính
mang nhiều kỳ vọng, niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Bố trí
không gian, huy động nguồn lực
Vấn đề cốt lõi của ĐBSCL vẫn là định vị vùng, bố trí không gian và huy động các nguồn lực phát triển với mục tiêu đưa vùng này thành nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư cùng với các cộng đồng dân cư chung sống thịnh vượng và năng động để tạo ra giá trị mới cho vùng đất “Chín Rồng”.
Việc sớm đưa Nghị quyết và quy hoạch vào thực tiễn sẽ giúp châu thổ Cửu Long vươn lên mạnh mẽ.
Quy hoạch bố trí 4 hành lang phát
triển vùng, gồm: Hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An;
hành lang dọc sông Tiền - sông Hậu; hành lang kinh tế ven biển từ Long An, Cà
Mau đến Kiên Giang và hành lang biên giới từ Long An đến Kiên Giang. 4 khu vực
phát triển động lực, gồm: TP Cần Thơ trung tâm vùng; Tứ giác động lực Cần Thơ,
Long Xuyên, Cao Lãnh, Vĩnh Long; các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với
hệ thống các đô thị loại 1 có vai trò trung tâm tổng hợp, trung tâm chuyên
ngành của vùng, tiểu vùng và phát triển Phú Quốc gắn kết với hệ thống đô thị
ven biển, đô thị đảo để trở thành một cực phát triển kinh tế biển quan trọng
trong không gian biển quốc gia. “Trục xương sống” của vùng vẫn là cơ sở hạ tầng
giao thông, thủy lợi và chất lượng nguồn nhân lực. Ba khâu then chốt này vẫn
được coi là chiến lược quan trọng nhất của quy hoạch vùng.
Quy hoạch vùng ĐBSCL xác định rõ, phát
triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và
quốc tế, trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội
địa. Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao
tốc; khoảng 4.000km quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách
và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa. Hạ tầng thủy lợi được xây dựng đồng
bộ phù hợp với chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH tại các tiểu
vùng sinh thái, đồng thời đảm bảo chủ động kiểm soát lũ, ứng phó với lũ cực
đoan, phòng, chống sạt lở.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho
biết, Bộ đã hoàn thành 5 quy hoạch chuyên ngành, xác định phát triển hướng kết
nối giao thông từ ĐBSCL đến TP Hồ Chí Minh thông qua các tuyến cao tốc, tuyến
đường thủy giúp cho việc đi lại thuận lợi hơn, phát triển hết tiềm năng lợi thế
của vùng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ngày
30/4 vừa qua khánh thành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, 1 - 2 năm nữa sẽ khánh
thành cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đang triển khai quyết liệt.
Hiện, Bộ đang triển khai 3 cao tốc rất lớn: Cần Thơ - Cà Mau, Cần Thơ - Sóc
Trăng và Cần Thơ - Châu Đốc, hoàn chỉnh đường cao tốc từ An Hữu qua Cao Lãnh về
Rạch Giá, vậy là sẽ có 3 trục đường cao tốc quan trọng. Trong nhiệm kỳ này, nếu
quyết tâm cao, phối hợp tốt sẽ hoàn thành được khoảng 448km đường cao tốc.
“Tin rằng, với hệ thống đường cao tốc
như thế này sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế và các nhà đầu tư sẽ đến
với Vùng nhiều hơn", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
TS Đặng Kim Sơn, chuyên gia về chính
sách nông nghiệp chia sẻ, trong quá trình đổi mới thời gian qua, nổi bật lên
thành công rực rỡ của lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, trong đó, ĐBSCL là địa
bàn tiên phong; Quy hoạch ĐBSCL đã được công bố mở ra cơ hội, tiềm năng mới cho
vùng đất này. Với định hướng đa dạng về sản xuất nông nghiệp, thời gian tới
ĐBSCL không chỉ là vựa lúa mà còn trở thành vựa trái cây, vựa thuỷ sản của Việt
Nam, đóng góp quan trọng cho an ninh lương thực thế giới.
Với 3 vùng sinh thái được xác định các
giải pháp, hệ thống hạ tầng cơ sở liên kết như hiện nay, chắc chắn ĐBSCL sẽ
phát triển theo hướng thuận thiên, vững bền. Đây cũng là cơ sở bảo đảm để chúng
ta xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tái tạo. Một
điểm quan trọng là chúng ta xác định được 8 vùng trung tâm đầu mối gắn với quá
trình phát triển cơ sở, đây là cơ sở quan trọng để tiến hành phát triển nông
nghiệp chế biến, nâng tầm giá trị cho nông sản Việt Nam.
Hiện
thực hóa Nghị quyết, quy hoạch vùng
Những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội
dung mới đã được thể hiện trong Nghị quyết 13 và bản quy hoạch vùng được công
bố, kêu gọi nguồn lực đầu tư xã hội cùng với ưu tiên bố trí vốn đầu tư công và
yêu cầu liên kết vùng là quan trọng, nhưng quan trọng hơn vẫn là việc triển
khai nó trong thực tế.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh
Hoan, quy hoạch nông nghiệp hướng đến tính tổng thể, chiến lược chứ không chỉ
là “phép cộng công thức” đơn thuần. Quy hoạch có tính mở, tính linh hoạt tương
đối, để có thể chủ động thích ứng với xu thế biến đổi liên tục, không ngừng,
với những câu hỏi kinh tế học từ trăm năm nay: “Sản xuất cái gì, sản xuất cho
ai, sản xuất như thế nào?”.
Sự điều phối theo chuỗi ngành hàng,
tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương được chú trọng ngay đầu mùa
vụ, chứ không phải chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch. Mỗi địa
phương có thể chủ động mở rộng không gian liên kết, phát triển trong không gian
có sự điều phối cả vùng. Đất đai có thể manh mún, địa giới hành chính có thể bị
chia cắt, nhưng không gian phát triển không thể manh mún, không gian kinh tế
không thể bị chia cắt. Chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế là mệnh
lệnh cấp thiết phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông
thôn vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ đã đi vào hoạt động. Văn phòng đang thực hiện
vai trò điều phối tích hợp thông tin nông nghiệp cấp vùng thông qua số hoá các
cơ sở dữ liệu, công tác quy hoạch sản xuất, chuẩn hoá vùng nguyên liệu, chuẩn
hoá quy trình sản xuất; kết nối doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ
cao, chế biến sâu; hình thành chuỗi ngành hàng thông qua các hiệp hội ngành
hàng bắt đầu từ chuỗi lúa gạo, hỗ trợ nâng cao chất lượng hợp tác xã, hình
thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; điều phối vận hành các công trình
thuỷ lợi đảm bảo đồng bộ toàn hệ thống. Ngoài ra, cũng sẽ hỗ trợ điều phối các
dự án tài trợ quốc tế có tính liên tỉnh, liên vùng, kết hợp hài hoà giữa đầu tư
công trình và các giải pháp phi công trình, mở ra không gian kinh tế nông thôn.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đang tích
cực đàm phán, kêu gọi các dự án đầu tư hạ tầng logistics nông nghiệp, nông
thôn, trong đó có chuỗi kho lạnh bảo quản nông sản cấp độ liên huyện, liên tỉnh
dọc theo sông Hậu và sông Tiền. Sản xuất nông nghiệp ít nhiều tác động đến
BĐKH.
Tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh
đạo quốc gia trên thế giới, COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết đến năm
2050 Việt Nam sẽ là quốc gia có nền kinh tế cân bằng các-bon. Nếu nói BĐKH là
một thách thức, thì từ góc nhìn tích cực, khi giải quyết được thách thức này
lại tạo ra thương hiệu cho ĐBSCL, mặc dù chịu tác động lớn của thiên nhiên,
nhưng biết cách chủ động thích ứng và phát triển một cách thông minh, hài hòa,
thuận thiên.
Những mô hình nông nghiệp sinh thái,
tích hợp “đa tầng, đa giá trị, thuận tự nhiên” gần đây đã xuất hiện ở nhiều địa
phương trong vùng, như: Mô hình kinh tế dưới tán rừng; mô hình tôm - lúa ở bán
đảo Cà Mau; mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh đã
tăng thu nhập cho nông dân vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên; mô hình sản
xuất thích ứng với hạn mặn ở các tỉnh duyên hải; mô hình du lịch sinh thái, du
lịch nông nghiệp, nông thôn… đang tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực.
Theo các chuyên gia, có 4 nhóm giải
pháp cần thống nhất, triển khai đồng bộ. Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện thể chế
điều phối vùng, tăng cường vai trò của các địa phương trong Hội đồng điều phối
vùng. Các cơ chế, chính sách tạo sự liên kết giữa các địa phương, phát huy sức
mạnh tổng hợp, định vị lợi thế cạnh tranh. Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ
phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản
phẩm đối với các nhóm sản phẩm chủ lực của vùng. Tổ chức huy động nguồn lực đầu
tư phát triển, ưu tiên bố trí vốn đầu tư công, thu hút các nguồn vốn ngoài ngân
sách, nhất là vốn trong khối tư nhân; những việc, lĩnh vực mà tư nhân có thể
thực hiện cần được tạo điều kiện cho tư nhân. Thúc đẩy hình thành các quỹ đầu
tư, các cơ chế huy động vốn khuyến khích cho vay, tăng cường năng lực cho các
thành phần kinh tế.
Với nguồn lực có hạn, việc lựa chọn
mục tiêu trọng tâm, lựa chọn khâu đột phá, khắc phục tình trạng dàn trải, phân
tán, lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư là yêu cầu quan trọng hàng đầu. Cần
nghiên cứu, hy động nguồn lực triển khai chương trình hỗ trợ cấp vùng cho nông
dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp nông thôn. Tổ chức
thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch; đầu tư và phát triển hạ tầng theo
quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ, giải quyết các “điểm nghẽn” phát
triển trong lĩnh vực GTVT, thích ứng BĐKH phù hợp với quy hoạch vùng được phê
duyệt. Thực hiện nhiệm vụ cấp bách về chống sạt lở, sụt lún nghiêm trọng tại
một số khu vực bờ biển, bờ sông.
Các dự án đầu tư và phát triển hạ tầng
phải đảm bảo thống nhất, tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm
và có lộ trình hợp lý. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và
khoa học, công nghệ cần được xem là chìa khóa thành công trong phát triển vùng.
Theo đó, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực theo hướng phục vụ phát triển các
ngành lợi thế của vùng và tăng cường đào tạo, thu hút số lao động trẻ có trình
độ chuyên môn, tay nghề, trên cơ sở gắn kết hoạt động của các trung tâm đầu mối
với hệ thống các viện nghiên cứu và trường đại học trong vùng cũng như ngoài
vùng, cả các tổ chức quốc tế và các quỹ có quan tâm và ưu tiên đầu tư cho vùng.
Tầm nhìn dài hạn, mục tiêu phát triển
ĐBSCL trở thành vùng đất an toàn, trù phú, thịnh vượng trong tương lai đến
nhanh hay chậm đang đòi hỏi những nỗ lực vượt qua các thách thức, tận dụng thời
cơ, hành động đột phá và không hối tiếc. Diện mạo tương lai đồng bằng đã được
định hình rõ, cần những gam màu sáng bằng tư duy, cách tiếp cận, giải pháp khả
thi và hành động thực tế.
Nhận xét
Đăng nhận xét