Trần Hữu Hiệp
NLĐ, 06-06-2022
- 06:00|Nói thẳng
(NLĐO)
- Những con số và nhiều tình tiết của các vụ đại án được Trung tướng Tô Ân Xô -
Chánh Văn phòng Bộ Công an cung cấp, khiến dư luận không khỏi bất ngờ, đau lòng
và căm phẫn.
Đó là
các vụ ăn chặn trên nỗi đau, nước mắt và xương máu người dân theo đúng nghĩa
đen lẫn nghĩa bóng với quy mô lớn, phạm vi rộng, liên quan nhiều người, tính
chất đặc biệt nghiêm trọng.
Bằng
thủ thuật thổi giá khủng kit test "ngoáy mũi", câu kết với người có
chức, có quyền khắp nơi trong nước, thao túng các gói thầu mua sắm khẩn cấp lúc
dịch bệnh, bỏ ra 800 tỉ đồng "bôi trơn"… những phù thủy ở Công
ty Việt Á đã
thu về hơn 4.000 tỉ đồng.
Mượn
"chiếc áo nhân đạo" thực hiện gần 2.000 chuyến bay giải cứu đồng bào
khỏi vùng dịch, một số quan chức Cục Lãnh sự và đồng phạm đã bỏ túi riêng
khoảng 4.000 tỉ đồng.
Bằng
vài động tác ma thuật trên sàn chứng khoán xanh đỏ, Trịnh Văn Quyết và cộng sự
đã thao túng thị trường chứng khoán, thu lợi bất chính, ước tính 975 tỉ đồng,
gây thiệt hại đặc biệt lớn cho các nhà đầu tư, làm mất niềm tin thị trường…
Điều
đáng quan tâm là những vụ đại án sẽ không thể xảy ra với tính chất, quy mô và
mức độ đặc biệt nghiêm trọng như vậy nếu không có sự tham gia, giúp sức, hối hộ
và "vẽ đường cáo chạy" của những quan chức tham nhũng, biến chất.
Một
cuộc chiến trước kẻ thù giấu mặt vô cùng phức tạp, cực kỳ gay cấn, một mất một
còn nếu lâu nay còn bị hoài nghi về hiệu quả, thì nay đang nóng hơn lên. Ghi
nhận công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), trừng trị quan tham tiếp tục có
những bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều
sâu, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, đồng bộ, rõ rệt hơn, được cán bộ,
đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao.
Nhiều trường
hợp cán bộ cấp cao, đứng đầu chính quyền địa phương đã bị "tạm đình chỉ
kịp thời", trong đó có cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
"Một bộ phận không nhỏ" cán bộ hư hỏng, tham nhũng không còn là khái
niệm chung chung, nay được lượng hóa bằng con số và địa chỉ, danh tánh cụ thể
đã góp phần xây dựng niềm tin trong dân chúng.
Nhưng
bên cạnh "điểm sáng" vẫn còn những "mảng tối" mà người dân
đang đòi hỏi công tác PCTN được tiếp tục với quyết tâm cao, biện pháp mạnh mẽ,
tạo bứt phá để đáp ứng kỳ vọng.
Kết
quả khảo sát "Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ
công chức" do Thanh tra Chính phủ phối hợp Ngân hàng Thế giới thực hiện
gần đây cho thấy: Hơn 90% số người được hỏi tin rằng đối tượng tham nhũng chưa
phải chịu những hình phạt thích đáng; 80% trả lời rằng chưa có sự chú trọng làm
trong sạch đội ngũ cán bộ và 76-82% cho rằng các biện pháp phòng chống tham
nhũng còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm.
Bên
cạnh các biện pháp quyết liệt để phát hiện hành vi tham nhũng kịp thời, xử lý
triệt để "phần ngọn", thì cần giải quyết "phần gốc" –
nguyên nhân, nguồn gốc của tham những bằng các giải pháp đồng bộ, hoàn thiện bộ
máy, cơ chế, chính sách, pháp luật, kiểm soát quyền lực, thực thi công vụ liêm
chính.
Một hệ
thống phòng ngừa và giải quyết xung đột về lợi ích đang là phần cốt lõi của nền
tảng PCTN. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế điều chỉnh xung đột về
lợi ích sẽ giúp xử lý được những thách thức đang nổi lên về nhóm lợi ích, phát
huy vai trò tích cực của những nhân tố và lực lượng tích cực đấu tranh.
Cần
kiên quyết hơn nữa, dứt khoát và dứt khoát hơn nữa xử quan tham, ngăn chặn từ
xa các thủ đoạn mới, tinh vi, hoa mỹ, lợi dụng chính sách để trục lợi, chặt đứt
các khâu then chốt trong chuỗi câu kết phạm tội có hệ thống đang chọn các điểm
nút là quan tham có chức, có quyền.
Cần có
biện pháp mạnh, hiệu quả để thu hồi triệt để tài sản, tiền bạc tham nhũng. Nếu
không, quan tham chấp nhận "hy sinh đời bố củng cố đời con", tìm cách
bòn rút tài sản công, "ăn" trên xương máu đồng bào.
Người
dân mong lắm thay!
Bài:
TS Trần Hữu Hiệp; Đồ họa: Nguyên Lâm
https://nld.com.vn/noi-thang/noi-thang-tien-tham-chua-tien-le-20220605184449051.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét