Mục sự kiện & Vấn đề, báo SGGP Thứ Bảy, 10/6/2017 “Giải cứu” thịt heo đang làm nóng nghị trường Quốc hội và truyền thông thời gian qua. Vào Google gõ 2 từ “giải cứu”, trong 0,61 giây lập tức có ngay hơn 9,6 triệu kết quả như một ma trận. Từ việc kêu gọi giải cứu các mặt hàng nông sản như dưa hấu, chuối, hành tím, ớt, gừng, cá tra, cá sấu, thịt lợn đến... giải cứu giáo viên. Để giải cứu nông sản, nhiều hoạt động mang tính nhân văn được phát động, từ kêu gọi, vận động đến quy định chỉ tiêu phấn đấu kiểu như: mỗi giáo viên phải mua ít nhất 10kg thịt lợn/tháng, đoàn viên, thanh niên đi bán dưa hay ăn dưa hấu là yêu nước, thương nông dân, rồi chỉ đạo “bộ đội ăn thịt lợn” để góp phần tiêu thụ lợn. Tình trạng này đã xảy ra mấy năm qua, là câu hỏi cũ chưa có lời giải mới. “Tín hiệu trục trặc” của thị trường nông sản và điểm yếu trong kết nối cung - cầu của nó đã bộc lộ với điệp khúc nông sản “trúng mùa mất giá, được giá hết hàng” trong vòng luẩn quẩn nhiều năm qua. ...