Vài
lời của tôi: Tôi không phải là Tiến sĩ, nhưng thỉnh thoảng một vài bạn nhà báo vẫn hay
nhầm. Bài viết này của bạn Hoàng Văn Minh có tâm, nhưng có phần bi quan. Vì bạn
Văn Minh có vài đoạn trích dẫn tôi, có thể do khuôn khổ bài báo có hạn, nên
khó diễn đạt đầy đủ, nên tôi cũng cần nói cho rõ. Cá nhân tôi trăn trở, nhưng không bi
quan về tương lai của đồng bằng. Tôi vẫn có niềm tin về con người miền Tây khí phách, không chịu khuất
phục, còn mang trong người khí chất thời đi mở đất của “Hương rừng Cà Mau” mà
ông già Nam Bộ học Sơn Nam đã ghi tạc một góc trời Nam qua mấy dòng thơ “Từ bên này sông Tiền/ Qua bên kia sông Hậu/ Mang theo chiếc độc huyền/ Điệu
thơ Lục Vân Tiên/ Với câu chữ: Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả...”. Tất nhiên, niềm tin đó không phải là “ngồi cầu
trời, khấn phật”.
“Tôi không muốn nói
là u ám, nhưng đúng là rất… u ám” - câu cảm thán của TS Trần Hữu Hiệp - Ủy viên
chuyên trách kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - với chúng tôi cách đây 3 năm, khi
nói về những bước chân liêu xiêu đói nghèo của người dân cuối Việt. Sau 3 năm
gặp lại, hỏi chuyện cũ, ông Hiệp vẫn nhắc lại câu nói cũ kèm thêm những cái lắc
đầu: “Không những không thay đổi được gì mà tình hình ngày càng xấu hơn…”.
Những tan vỡ và mất
mát
“Thành phố Bavet”
(tỉnh Soài Riêng, Campuchia) bên kia Mộc Bài một trưa nắng tháng 6. Lại là một
casino bỏ hoang, nhưng lần này chúng tôi ghé lại bởi ngạc nhiên khi thấy trước
cổng có cô bé đầu trần ngồi ôm cái thùng nhựa với ánh mắt chờ đợi đặc trưng của
người bán hàng ế khách. Lượm - tên cô bé, 14 tuổi, đến từ bên kia cửa khẩu Mộc
Bài ở tận dưới miệt Sóc Trăng, theo ba mẹ qua đây kiếm sống đã nhiều năm sau
một thời gian bỏ ruộng, bỏ nhà bôn ba lên Sài Gòn, qua Bình Dương làm công
nhân. Lượm bán đồ ăn vặt “xách tay” bỏ trong thùng nhựa.
Em gái Lượm - nhỏ hơn
một tuổi, đi bán vé số. Mẹ của chị em Lượm thì bán cóc ổi xoài và tất tần tật
những gì có thể ăn được trên một chiếc xe đẩy. Đối tượng phục vụ của gia đình
lượm, tất nhiên là những người Việt “vượt biên” sang đây chơi đỏ đen trong các
casino còn sót lại đang lay lắt cầm chừng...
Hôm trước ở Long An,
chúng tôi vừa “xâm nhập” vào một khu nhà trọ có đến mấy chục gia đình từ
Campuchia “vượt biên” qua kiếm sống bằng nghề bán vé số. Chưa hết ngạc nhiên
thì hôm nay ở Campuachia lại “đụng” phải không chỉ một cô Lượm mà nhiều những
người Việt cũng qua đây kiếm cơm bằng đủ thứ nghề buồn chán, trong đó có rất
nhiều cô gái có chút nhan sắc đang “làm gái” trong các casino với giá “dò hỏi”
lên đến 1.500.000 đồng cho một lần “tàu nhanh” từ “bọn chăn dắt”.
Mà đâu chỉ có mỗi
“thành phố Bavet” này. Ở Singapore, Malaysia, Trung Quốc vùng giáp biên… ở đâu
chúng tôi cũng gặp rất nhiều người Việt dắt díu nhau kiếm sống với những nghề
cũng rất buồn chán. Và thật buồn là phần lớn trong số họ có xuất xứ từ miền Tây
- nơi từng là “mảnh đất xanh”, là “đất hứa” của nhiều thế hệ người dân miền
Trung, miền Bắc. Khá giả hơn cả là “biệt đội” những cô gái lấy chồng ngoại,
nhưng bi kịch thì đầy rẫy, hơn chục năm nay báo chí kể mãi không hết chuyện.
3 năm trước, trong
loạt phóng sự “Liêu xiêu nơi cuối Việt”, chúng tôi đã đi qua những ngôi làng bị
“đổi ngôi” khi phụ nữ trong gia đình là người kiếm tiền chính bằng cách đi làm
công nhân, còn đàn ông ngược lại ở nhà lo quét dọn nhà cửa, cơm nước, đưa đón
con đi học và… nhậu! Đó là một sự tan vỡ, mất mát, bắt đầu từ bữa cơm và sự
phân công việc làm trong mỗi gia đình, chỉ dấu báo hiệu cho những tan vỡ và mất
mát lớn hơn.
“Thời gian gần đây,
tỉ lệ ly hôn ở các gia đình có vợ làm công nhân ở Long An do vợ chủ động tăng
đột biến” - một chánh án ở Long An than thở. Một khảo sát bỏ túi của chúng tôi
cho thấy, cứ 10 gia đình “đổi ngôi” thì có đến 3-4 đã ly hôn hoặc đang ly thân
và người “đâm đơn” hoặc chủ động khép mình là người vợ với một lý do chung như
thú nhận của một người vợ rất đau lòng: Sau một thời gia “đi ra” làm công nhân,
họ tiếp xúc với nhiều người, nhiều không gian sống cùng bao chuyện mới lạ. Cứ
thế một hôm, bỗng dưng họ thấy “thằng chồng” suốt ngày say xỉn và không làm ra
tiền của mình ở nhà thật là nhạt nhẽo!
Thời sự, vẫn là hạt
gạo bị cắn làm 8
Nếu như gốc rễ của
chuyện sạt lở ở ĐBSCL là nạn khai thác cát tràn lan thì gốc rễ của những thân
phận bị “tước đoạt” tư liệu sản xuất với nhiều hình thức, đang ngập ngụa trong
tín dụng đen trá hình thành “ngân hàng trụ điện” và những hành vi “ác hồn
nhiên” đang ngày càng phổ biến ở vùng đất này là gì? Là ĐBSCL sau bao nhiêu năm
vẫn là một “vùng trũng” về giáo dục, văn hóa, nhận thức và các thiết chế đi
kèm. Là sự đi xuống của hình sin đói nghèo và chưa có dấu hiệu dừng lại.
TS Trần Hữu Hiệp - Ủy
viên chuyên trách kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - nói “đó là thực tế, một thực
tế đau lòng!”. Cách đây hơn 5 năm, chính ông Hiệp là người phát triển “lý
thuyết” hạt gạo Việt Nam đang bị cắn chia làm 8 nên lợi nhuận của người trồng
lúa teo tóp của TS Nguyễn Văn Sánh - Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL
(Đại học Cần Thơ).
Ông Hiệp bảo, trong 8
phần đó, 4 phần đầu tiên phải chia cho “4 nhà” gồm: Nhà băng (nông dân phải trả
vốn, đóng lãi ngân hàng, kể cả vay lãi cao bên ngoài để có tiền đầu tư sản
xuất); nhà cung ứng vật tư (mua chịu phân bón, thuốc trừ sâu đầu vụ, trả lãi
cao cuối vụ, chiếm tới khoảng 65% chi phí sản xuất); nhà mình (ăn uống, chữa
bệnh, học hành, các khoản đóng góp... chiếm thêm 21%); nhà hàng xóm (hoan, hôn,
tang, tế…). Còn 4 phần sau?
Ông Hiệp liệt kê: Đó
là nhà xuất khẩu (nhà gần như có đặc quyền quyết định giá lúa hằng năm căn cứ
vào hiệu quả kinh doanh, mà không nhìn vào hầu bao lép kẹp của nông dân); “ông
CPI” (lúa gạo do nông dân làm ra phải làm nhiệm vụ bình ổn giá tiêu dùng, không
thể tăng-giảm tự nhiên theo nhịp điệu thị trường thế giới); nhiệm vụ đảm bảo an
ninh lương thực quốc gia, góp phần tích cực vào an ninh lương thực thế giới.
Rồi ông Hiệp ví von:
“Sản xuất lúa gạo của nông dân hiện nay như cây đòn gánh. Gánh nặng đầu vào là
nguyên liệu, vật tư, phân bón, chi phí ngày càng cao; đầu kia là tiêu thụ lúa
gạo bấp bênh; cả 2 đầu đều đang “có vấn đề”. Người nông dân vừa gánh, vừa bị
“lắc lư” trong thế dễ ngã”.
Mà đâu mỗi hạt gạo bị
“cắn” làm 8 phần, ngay cả con cá, cây mía và các loại nông sản khác cũng bị
chặt làm nhiều khúc, chia ra nhiều phần nhưng phần của người nông dân được nhận
lại quá nhỏ và bất hợp lý, không tương xứng với công sức họ bỏ ra.
Bất cứ con gì, cây
gì, bây giờ nếu bán có lời thì hết 70% tiền lời là những thương lái trung gian,
phần lớn là thương lái nước ngoài hưởng. Nhưng nếu lỗ thì người dân chịu hoàn
toàn. TS Trần Hữu Hiệp cay đắng: “Câu chuyện sản xuất ở ĐBSCL hiện nay như cái
đòn gánh. Một bên là đầu vào nặng trĩu giá vật tư, phân bón, tiền lãi vay; một
bên là đầu ra với giá cả bấp bênh, phập phù theo giá thị trường sớm nắng chiều
mưa, nên người nông dân ở giữa cứ bước liêu xiêu với tương lai mờ mịt”.
Những “mảnh giáp” bảo
vệ của ĐBSCL không những ngày càng mỏng đi mà còn đã và đang vỡ ra, bắt đầu từ
việc vắng bóng những mùa lũ “đặc sản” hằng năm mang theo nguồn phù sa vô tận
cùng với hạn mặn, thiếu nước và sạt lở bủa vây quanh năm.
Là một nền nông
nghiệp bị “bỏ hoang” theo nhiều nghĩa khiến vùng đất này thành “túi nghèo” của
đất nước và những dòng người “đóng cửa” ruộng vườn, nhà cửa dắt díu nhau ngược
lên Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai… làm công nhân kiếm sống qua ngày. Những kết
cấu xã hội và các giá trị đạo đức bị xáo tung, đảo lộn, từ bữa cơm gia đình
nguội lạnh và người đàn ông phải chăm con, quét nhà… để vợ yên tâm ra ngoài làm
công nhân kiếm tiền lo gia đình. Là những cô gái không chỉ ngược xuôi Nam-Bắc
mà còn đến hầu khắp khu vực Đông Nam Á kiếm cơm bằng đủ thứ nghề buồn tủi cùng
triết lý “lấy chồng nước ngoài thì có hạnh phúc, có khổ đau nhưng ở nhà lấy
chồng quê thì chỉ là bất hạnh”.
Một kết quả nghiên
cứu về “Chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo” của Viện Nghiên cứu phát triển Đồng
bằng sông Cửu Long cho thấy: Bình quân đất sản xuất của người dân ở đây chỉ có
0,4ha/hộ. Và do quy mô nhỏ lẻ nên thu nhập chia cho số nhân khẩu trong hộ thuần
nông còn thấp hơn 1USD/người/ngày - chưa đủ để mua một tô phở! Một con số không
thể nào tin được!
Sau nhiều năm gặp lại
TS Trần Hữu Hiệp, thời sự của ĐBSCL vẫn là chuyện hạt gạo bị “cắn” làm 8 phần
và con cá, cây mía, các loại nông sản bị chặt ra nhiều khúc, chia ra nhiều
phần… Hỏi giải pháp và kết quả? Ông Hiệp lắc đầu, thở dài bảo “giải pháp thì
nhiều nhưng kết quả lại chẳng thấy đâu và nguy hiểm hơn là thực tế lại ngày mỗi
xấu đi…”.
Nhận xét
Đăng nhận xét