Trần Hữu Hiệp
TTO -
Trận hạn mặn khốc liệt nhất trong lịch sử vẫn đang hoành hành, tác động nghiêm
trọng đến nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội và đời sống người dân ĐBSCL.
10/13 tỉnh ở ĐBSCL đã công bố thiên tai,
gần 225.000ha lúa, hơn 6.600ha hoa màu, 5.000ha nuôi thủy sản bị thiệt hại,
9.400ha cây ăn quả bị ảnh hưởng, hàng trăm ngàn hộ dân, các bệnh viện, trường
học vùng hạn mặn đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Ở góc nhìn khác, chỉ riêng hai tỉnh Kiên
Giang và Sóc Trăng đã có hơn 40.000 người bỏ quê đi làm ăn xa trong điều kiện
túng quẫn là một chỉ dấu đáng lo ngại. Tác động của hạn mặn không chỉ gây thiệt
hại về kinh tế mà còn làm mất sinh kế của người dân và đang để lại những di
chứng xã hội ở nông thôn miền Tây Nam bộ, vốn được xem là một không gian an
bình, đáng sống.
Di dân tự do trước các tác động tiêu cực
không phải đến bây giờ mới xảy ra. Mấy năm gần đây đã có bộ phận không nhỏ nông
dân, nhiều nhất là những người trẻ tuổi, bỏ ruộng đồng di cư lên thành thị mưu
sinh.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy ĐBSCL là
một trong những vùng có tỉ suất di cư cao và xu hướng tăng dần. Xét trên bình
diện chung thì sự dịch chuyển lao động giữa khu vực nông thôn và đô thị trong
quá trình phát triển là một tất yếu. Nó đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra trong
mối quan hệ giữa các đô thị và khu vực nông thôn trong vùng, giữa ĐBSCL - vùng
nông nghiệp lớn nhất nước - với TP.HCM và một số tỉnh miền Đông Nam bộ có tốc
độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa nhanh.
Song, vấn đề đáng lo ngại là tình trạng
di cư bị động. Đã có bằng chứng cho thấy sự chuyển đổi kinh tế theo hướng phát
triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn chưa thật sự tạo được nhiều việc làm
cho đại bộ phận lao động, phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền
thống còn nhiều khó khăn về nguồn vốn và thị trường tiêu thụ.
Thiếu việc làm nông thôn, thu nhập thấp,
thiếu đất sản xuất, lao động chưa qua đào tạo và sinh kế khan hiếm ở nông thôn
là nguyên nhân “đẩy” lao động nông thôn ra khỏi khu vực truyền thống một cách
chông chênh. Trong bối cảnh đó, cơn hạn, mặn khốc liệt vừa qua như một “cú đấm
hội đồng” lên “thân thể” các gia đình nông dân, nông thôn ở ĐBSCL.
Nên xem di cư tự phát - di chứng của
hạn, mặn ở miền Tây hiện nay như một “thách thức”, một biểu hiện quan trọng để
rà soát lại kết quả triển khai các chính sách lớn về tam nông, về xây dựng nông
thôn mới, giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn để hoạch
định, thực thi chính sách và hệ thống giải pháp thích hợp cho vùng này.
Theo đó, cần lồng ghép hiệu quả hơn nữa
giữa phát triển nông thôn với phát triển công nghiệp, dịch vụ và nghề nghiệp
nhằm giải quyết việc làm nông thôn. Giải quyết lực lượng lao động nông thôn,
trong đó trọng tâm là đào tạo nghề thực chất.
Cần có chương trình đầu tư ưu tiên cho
cơ sở hạ tầng nông thôn miền Tây phục vụ song song hai mục tiêu phát triển kinh
tế và xã hội; đáp ứng nhu cầu về cải thiện sinh kế nông dân nhằm giảm nghèo bền
vững; nâng cao vị thế nông dân và tạo cơ hội cho họ tham gia quá trình công
nghiệp hóa và hiện đại hóa nông thôn.
Giải được bài toán căn cơ đó mới mong
chữa lành di chứng do hạn mặn để lại và nâng cao sức chống chịu của thiên tai,
biến đổi khí hậu đang và sẽ diễn ra thường xuyên hơn, khốc liệt hơn
Nhận xét
Đăng nhận xét