Trần Hữu Hiệp
TTO - Hơn cả “một công xưởng nuôi tôm của thế giới”, vùng
ĐBSCL phải thật sự trở thành một “trung tâm sinh thái nuôi tôm” gắn với nghiên
cứu, ứng dụng công nghệ sinh học... để con tôm Việt thật sự “lột xác”.
Ngay những ngày làm việc
đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ Nông nghiệp và phát
triển nông thôn, Công thương đã vào tận Cà Mau chủ trì hội nghị “Phát triển
ngành tôm Việt Nam”.
Một làn gió mới đầu năm
được thổi lên với nhiều kỳ vọng cho con tôm Việt vượt qua các điểm nghẽn tăng
trưởng, vươn tầm thế giới với vị thế mới.
Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc
Trăng, Kiên Giang và Bến Tre là 5 tỉnh ĐBSCL nhiều năm liền đứng đầu cả nước về
diện tích và sản lượng tôm nuôi, cung cấp khoảng 70-80% sản lượng và giá trị
xuất khẩu. Lịch sử hình thành và phát triển của ngành nuôi, chế biến, xuất khẩu
tôm nói riêng và thủy sản ĐBSCL, Việt Nam nói chung đã tạo ra kỳ tích đáng ghi
nhận.
Sau lúa gạo, rồi vượt
lên trên lúa gạo, con tôm Việt đã vươn lên đưa nước ta trở thành cường quốc
xuất khẩu tôm thứ 3 thế giới.
So với sản xuất lúa, làm
bài toán đơn giản, giá gạo xuất khẩu chỉ khoảng 350 - 400 USD/tấn, tức khoảng
0,35 - 0,4 USD/kg thì giá tôm luôn cao hơn hàng chục lần. Tất nhiên, mức đầu
tư và năng lực, trình độ canh tác đối với con tôm khác xa cây lúa.
Nhưng rõ ràng, tiềm năng
phát triển của con tôm còn rất lớn. Thế mạnh về điều kiện tự nhiên vùng nuôi,
năng lực chế biến và xuất khẩu tôm Việt đã được nhận diện, nhưng để thật sự trở
thành một “công xưởng nuôi tôm thế giới”, ngành tôm còn phải làm nhiều việc.
Trên thương trường quốc
tế, mặc dù vùng ĐBSCL, Việt Nam đã xuất hiện tên tuổi một vài tập đoàn hàng đầu
về con giống, xuất khẩu tôm, nhưng phía sau thành tích đó là đầy ắp những lo
toan.
Những lúc giới quan sát
“kiểm đếm” có đến 70% doanh nghiệp thủy sản đứng trước nguy cơ ngừng sản xuất.
Nguyên nhân được nhận
diện là khi giá thị trường xuống thấp, thiếu vốn, “hiệu ứng đôminô” lây lan
khiến doanh nghiệp, người nuôi, đại lý cung cấp thức ăn, thuốc thủy sản, ngân
hàng nợ nần dây chuyền, chiếm dụng vốn lẫn nhau.
Chưa kể tình trạng một
số người làm ăn chụp giựt, “tham bát bỏ mâm”, bơm tạp chất vào tôm, đánh mất
hình ảnh và giá trị của con tôm Việt mà đến người đứng đầu Chính phủ mới đây đã
phải “tuyên chiến” với kiểu làm ăn gian dối này.
Để “lột xác” con tôm,
cần sự tiếp cận đa ngành, sự phối hợp hành động liên ngành và một quyết tâm
mạnh mẽ. Phải liên kết vùng, thương hiệu hóa và luật hóa “sân chơi” nội địa và
quốc tế để các doanh nghiệp ngành tôm ứng xử đúng, liên kết lại “làm sạch con
tôm” và đủ sức cạnh tranh với bên ngoài.
Phải có lộ trình “cải
tổ” ngành tôm theo hướng tái cấu trúc, liên kết chuỗi giá trị ngành hàng từ con
giống, kỹ thuật nuôi, chế biến, năng lực xuất khẩu và phát triển các giá trị
gia tăng ở thị trường tiêu dùng nội địa hơn 92 triệu dân để nâng cao giá trị và
phát triển bền vững ngành tôm.
Và để ngành tôm đủ lớn
cho sản xuất lớn phải tính đến việc tháo gỡ hạn điền, tích tụ ruộng đất, cơ chế
liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị ngành tôm…
Hơn cả “một công xưởng
nuôi tôm của thế giới”, vùng ĐBSCL phải thật sự trở thành một “trung tâm sinh
thái nuôi tôm” gắn với nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, một địa chỉ
cung cấp sản phẩm hữu cơ tin cậy cho mạng lưới cung ứng tôm toàn cầu.
Làm được như thế, con
tôm Việt thật sự “lột xác”, giấc mơ 8 năm sau, VN đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỉ USD không
phải là điều xa vời.
Nhận xét
Đăng nhận xét