Bối cảnh hiện nay đang
đòi hỏi cần phải có sự nhận thức lại vai trò của cây lúa đặt trong tương quan
với an ninh lương thực (ANLT) và kinh tế thị trường. Theo ông Trần Hữu Hiệp, Ủy
viên Chuyên trách BCÐ Tây Nam Bộ, chúng ta cần vượt qua "dấu chân lấm bùn
của nông nghiệp truyền thống" để đưa sản phẩm nông nghiệp tham gia vào
chuỗi giá trị công nghiệp sáng tạo toàn cầu.
- Thưa ông, cho đến giờ
dường như vẫn tồn tại những tranh luận xoay quanh câu chuyện đổi mới sản xuất
lúa gạo,về việc lựa chọn con đường xuất khẩu nào là hiệu quả cho một ngành từng
là mũi nhọn nhưng đang bị tụt lại?
- Nâng cao giá trị gia
tăng cho hạt gạo bằng tiêu chuẩn chất lượng, phẩm cấp gạo ngon là cần. Nhưng
quan trọng hơn, cần có các "phân khúc thị trường" và phát triển các
sản phẩm sau gạo. Chúng ta không nên chỉ tập trung vào việc xuất khẩu gạo,
trong khi 90 triệu dân Việt đang ăn gạo và đang còn đó một dư địa lớn từ các
ngành "công nghiệp phụ trợ từ chuỗi giá trị lúa gạo" chưa được quan
tâm. Ðó có thể là các ngành công nghiệp mới sau gạo có giá trị gia tăng cao như
thực phẩm tiêu dùng (dầu ăn, sữa gạo, thức uống dinh dưỡng...), vật liệu (đánh
bóng kim loại), sơn (na-no chống cháy), ngành dược, mỹ phẩm, ngành công nghiệp
sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản...
- Vậy theo ông, để hướng
đến mục tiêu tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, nhìn từ vùng ÐBSCL, chúng ta cần
quan tâm những vấn đề gì?
- Theo tôi, đã đến lúc
ngành nông nghiệp nước ta nói chung, ngành lúa gạo nói riêng, cần vượt qua
"dấu chân lấm bùn" của kinh tế tự nhiên, kinh nghiệm nông nghiệp
truyền thống để bước sang kinh tế tri thức, tham gia vào chuỗi giá trị công
nghiệp sáng tạo toàn cầu. Ðể làm được điều đó cần quan tâm mấy việc như sau:
Thứ nhất, cần tiếp cận
linh hoạt hơn đối với quy hoạch sử dụng đất trong việc thực hiện chủ trương giữ
hơn ba triệu héc-ta đất trồng lúa. Trong đó cần ưu tiên đầu tư vào một
"vùng lõi lúa gạo" của ÐBSCL chỉ với khoảng 30 huyện, nhưng hiện
chiếm hơn 50% sản lượng lúa của vùng. "Thung lũng lúa gạo" này được
nhận diện nằm ở Tứ giác Long Xuyên và lưu vực phù sa sông Tiền, sông Hậu. Phân
biệt khu vực trồng lúa "trọng yếu" và "không trọng yếu" dựa
trên sự phù hợp về sinh thái nông nghiệp, năng suất, tác động của biến đổi khí
hậu.
Thứ hai, cần áp dụng
phân vùng theo không gian, có chính sách hỗ trợ khác nhau ở "vùng
lõi", "vành đai" và các khu vực trồng lúa bình thường khác, có
xem xét mục tiêu sản xuất lúa cho ANLT hay lúa hàng hóa. Tách biệt hẳn các hệ
thống và chiến lược xuất khẩu gạo mang "tính xã hội" và tính thương mại
để có chính sách rõ ràng, phân biệt giữa hai mục tiêu, để tăng cường hỗ trợ
nhóm thực hiện mục tiêu chính trị - xã hội, giải phóng một phần gánh nặng để
tăng lợi nhuận, đồng thời cũng nâng cao trách nhiệm cho nhóm thương mại. Mặt
khác cần định hướng lại trọng tâm, chuyển từ các chức năng thương mại sang tập
trung vào các mục tiêu xã hội, "hàng hóa công" và quản trị rủi ro.
Thứ ba, bên cạnh việc đa
dạng hóa các sản phẩm sau gạo, cần tiếp tục tăng cường chiến lược đa ngành,
lồng ghép nhiều chương trình mục tiêu như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo,
chống suy dinh dưỡng trẻ em... để cùng đảm đương nhiệm vụ ANLT và chống suy
dinh dưỡng chứ không đặt hết gánh nặng lên vai người trồng lúa…
- Xin cảm ơn ông!
ĐỨC NGHĨA (Thực hiện)
Nhận xét
Đăng nhận xét