(PLO)-
Chính phủ đã có chính sách, chủ trương rất tốt nhưng nếu bị gián đoạn ở một
khâu nào và kéo dài thời gian thì cơ hội sẽ mất đi đối với doanh nghiệp.
Do dịch COVID-19, hàng loạt ngành,
lĩnh vực sản xuất bị ảnh hưởng, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu
vào, gây đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh. Thủ tướng Chính phủ đã ban
hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn
cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.
Tiến sĩ kinh tế Trần Hữu Hiệp cho rằng chính sách của Chính phủ
rất kịp thời, nhưng để hấp thụ được thì doanh nghiệp (DN) phải có đủ nội lực.
Thưa tiến sĩ, đa phần DN đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là DN nhỏ
và vừa. Để chính sách đi vào thực tế thì cần làm gì?
+ Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp: Cũng như DN cả nước, DN vùng ĐBSCL cũng đang chịu tác động kép của dịch COVID-19. ĐBSCL đa số DN quy mô nhỏ và vừa nhưng cũng có DN trong nhóm DN mạnh cả nước, đặc biệt là ở ngành hàng thủy sản, may mặc, gạo, trái cây…
Sản xuất kinh doanh của DN gắn chặt với ngành nông nghiệp (nguyên liệu đầu vào) và sản phẩm của DN chủ yếu là xuất khẩu sang thị trường lớn như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ…Tuy nhiên, những thị trường này đang chịu tác động của dịch COVID-19 và DN vùng ĐBSCL đang gồng sức chịu đựng. Dịch COVID-19 làm doanh thu của DN sụt giảm mạnh, thấy rõ nhất là ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn, tổ chức sự kiện và kể cả ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến.Khó khăn này cũng kéo theo hàng loạt các khoản nợ ngân hàng. Các khoản nợ ngân hàng đến hạn phải trả, mà doanh thu sụt giảm, DN không xuất khẩu được hàng hóa do vấn đề phong tỏa lưu thông của các quốc gia. Điều đó cho thấy rằng DN đang rất trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Chính phủ.Vấn đề vốn cho DN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ động các giải pháp hỗ trợ DN vượt qua cơn khó. Trước mắt là gói tín dụng hỗ trợ khoảng 250 nghìn tỉ đồng; đồng thời khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho DN bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19.Vấn đề là DN phải làm gì để hấp thụ được chính sách này. Tôi cho rằng ngay bây giờ các DN phải chủ động, chuẩn bị nhiều phương án để triển khai ngay kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Điều quan trọng là DN phải có đủ nội lực để hấp thụ vốn đưa vào sản xuất, kinh doanh. Gói tín dụng này nếu năng lực hấp thụ của DN kém thì cũng không tới được, điều này đòi hỏi mối quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và DN phải tốt.
. Chính sách luôn có độ trễ nhất
định, điều này có làm mất cơ hội tiếp cận của DN không, thưa Tiến sĩ?
+ Chính phủ đã có chính sách, chủ trương rất tốt nhưng nếu bị gián đoạn ở một khâu nào và kéo dài thời gian thì cơ hội sẽ mất đi đối với DN.
Tôi ví dụ Chủ trương của Chính phủ là xem xét, giãn, khoanh các khoản nợ tín dụng, thuế, tiền thuê đất… thì chính sách này cần các bộ, ngành và địa phương thực hiện chủ động và đồng bộ để xử lý tốt những khó khăn DN đang gặp thì DN mới đủ sức vượt qua giai đoạn đầy khó khăn này.DN đang ốm yếu và tìm thầy thuốc để chữa bệnh. Chính sách hỗ trợ là liều thuốc tốt nhất cho DN thời điểm này. Để khỏi bệnh, DN phải nỗ lực hết sức, có chiến lược bài bản mới đủ điều kiện chạm tới các khoản miễn, giảm, giãn thuế, giảm lãi suất.Nhìn ở góc độ vĩ mô, tình hình căng thẳng phải chịu hy sinh về kinh tế, nhưng nếu DN không thể thích nghi, không tính toán đến các phương án kinh doanh thì không thể gượng dậy khi dịch lắng dịu.
. Có chính sách tốt nhưng sự bí bách về đầu ra thì cũng khó cho DN.
Vậy thời điểm này, DN cần làm gì?
+ Trong tình hình hiện nay, một số quốc gia thuộc EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng đang là tâm điểm của dịch COVID-19. Những quốc gia này lại là thị trường xuất khẩu thế mạnh của DN vùng ĐBSCL. Cũng chưa có câu trả lời khi nào thì thị trường phục hồi trở lại.
Do vậy, phải nắm bắt theo dõi kịp thời tình hình để khai thông thị trường xuất khẩu ngay khi dịch lắng dịu. Vấn đề này cần cơ quan dự báo chuyên môn phải bám sát, cập nhật thường xuyên để cung cấp thông tin cho DN và hỗ trợ DN kết nối giao thương.Vấn đề khác là DN phải nhìn lại thị trường nội địa. Ngay bây giờ, tâm lý mua hàng tích trữ đã xuất hiện ở trong dân và đã tác động nhất định đến giá cả thị trường. Sản xuất đang bị đình đốn vì dịch COVID-19, nếu không có sự chuẩn bị thì tác động còn lớn hơn.Đặc biệt là vùng ĐBSCL - vùng sản xuất chủ lực về lương thực, thực phẩm, trái cây cả nước. Thị trường dù đang khó nhưng phải sự chuẩn bị để khi khơi thông trở lại mới có thể đáp ứng được nhu cầu lớn của thị trường.Dĩ nhiên, chúng ta không mong chờ điều này nhưng DN phải biến thách thức thành các cơ hội kinh doanh. DN đang là người bệnh mới uống thuốc thì sức khỏe không thể phục hồi nhanh được, mà cần có lộ trình phục hồi để nắm bắt các cơ hội. Cơ hội đó là nhu cầu thị trường sau dịch.Các cơ quan quản lý làm sao phải cung cấp thông tin đầy đủ cho DN để DN xác định đúng nhu cầu trong từng thời điểm.
Nhiều DN cho biết nếu
tình hình thị trường không cải thiện, DN cho công nhân nghỉ tạm thời. Như vậy,
làm gì để hài hòa mối quan hệ DN - người lao động trong tình hình này?
+ Trước hết DN phải tính đến vấn đề hàng đầu là an toàn. DN có hàng ngàn công nhân, nếu gặp vấn đề gì thì vỡ trận. Trong tình hình khó khăn, DN cho công nhân nghỉ, khi hoạt động lại thì tuyển dụng lao động ở đâu?Đây là bài toán rất khó, bởi lao động mà họ cho nghỉ là lao động đã lành nghề, tuyển dụng mới phải đào tạo lại. Không thể đẩy lao động ra đường chỉ vì mình đang khó. DN và người lao động trước hết là tuân thủ pháp luật, phải tạo được sự gắn kết giữa DN và lao động.Muốn lao động gắn bó lâu dài với mình, DN cần hành động đúng, đảm bảo chính sách và quyền lợi cho lao động.Chính phủ đã có chính sách khoanh nợ, giảm, giãn thuế cho DN… và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tìm hiểu lao động để có chính sách thỏa đáng cho cả lao động và DN.
. Xin cám ơn Tiến sĩ.
GIA TUỆ thực hiện
Nhận xét
Đăng nhận xét