TS TRẦN HỮU HIỆP (Cần Thơ)
TTO - 26/08/2020
10:20 GMT+7
Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập (2-9-1975 - 2-9-2020), báo Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của bạn đọc gửi gắm những góp ý, hiến kế cho báo.
Các phóng viên Đan Thuần, Duyên Phan tác nghiệp ở hiện trường - Ảnh: Bạn đọc
Và để phụng sự bạn đọc ngày càng tốt hơn, báo Tuổi Trẻ rất
mong tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp của quý độc giả trên cả nước
trong thời gian tới.
Ở số báo này, Tuổi Trẻ trích đăng hai ý kiến tâm huyết của
bạn đọc đã gửi về trong dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập báo.
45 năm vẫn là Tuổi Trẻ
Báo Tuổi Trẻ bước vào tuổi 45 trước nhiều thách thức và kỳ
vọng trên bước đường phụng sự bạn đọc.
Làm sao vượt qua những cơn sóng mới trước "bão"
của mạng xã hội cùng những đòi hỏi ngày càng khắt khe của bạn đọc mà vẫn giữ
được giá trị "đỏ - trẻ - Sài Gòn" của Tuổi Trẻ mấy mươi năm qua và
tiếp tục xây dựng niềm tin, là chỗ dựa tin cậy của độc giả?
Chấp nhận "cạnh tranh thị phần bạn đọc" để tồn
tại trước cơn lốc đào thải của thị trường đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động
báo chí, hay chọn cách thức tồn tại an toàn trước một giai đoạn mới nhiều biến
động?
Có nên theo một khuôn mẫu định sẵn khi viết bài, đưa tin?
Thận trọng, an toàn tuyệt đối trước những nhân tố mới, chờ đợi hay chấp nhận
dấn thân bằng bản lĩnh, trí tuệ của Tuổi Trẻ? Đó là những câu hỏi không dễ trả
lời, nhưng cần phải đi tìm lời giải.
Sứ mệnh cao cả của tờ báo là "nâng cái tốt, lên án cái
xấu". Qua đó góp phần định hướng dư luận, xây dựng những giá trị, chuẩn
mực đạo đức tốt đẹp của một xã hội thông tin: kịp thời, khách quan, trung thực
và dấn thân.
Kỷ niệm 45 năm thành lập báo Tuổi Trẻ, nhiều thế hệ nhà
báo, người làm báo và bạn đọc có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của tờ
báo qua các thời kỳ.
Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, trước những đòi hỏi bức
bách của cuộc sống, sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và truyền
thông, những điều đó đang đặt ra cho báo chí nói chung và Tuổi Trẻ nói riêng
những đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn, phải liên tục cải tiến, đổi mới không
ngừng cùng với việc phát huy những giá trị truyền thống nền tảng của tờ báo
trong lòng bạn đọc.
45 năm qua, báo Tuổi Trẻ luôn đi đầu trong các tuyến thời
sự nóng bỏng. Nhiều nhà báo đã xông xáo trên nhiều mặt trận, có nhiều tác phẩm
hay, tác động mạnh mẽ trong cuộc sống, kịp thời biểu dương, động viên người
tốt, việc tốt và đấu tranh không khoan nhượng trước cái xấu, người xấu.
Không chỉ phản ánh khách quan, trung thực sự việc mà nhiều
tác phẩm báo chí của Tuổi Trẻ còn mang tính phát hiện vấn đề, phản biện những
bất cập từ cơ chế, chính sách và thực thi.
Và không ít các vụ việc tiêu cực, tham nhũng do báo phát
hiện, sau đó được các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố,
xét xử.
Tờ báo thành "gương chiếu yêu" soi tội phạm và là
kênh thông tin quan trọng của các chính trị gia như đại biểu Quốc hội, hội đồng
nhân dân, nhà khoa học... khi đưa ra lập luận bảo vệ, phản bác vấn đề thực
tiễn.
Không khó để nhận thấy những cơ chế, chính sách được điều
chỉnh nhờ sự lên tiếng mạnh mẽ của báo chí nói chung và Tuổi Trẻ nói
riêng.
Qua đó, các quy định, cơ chế, chính sách bất cập được sửa đổi, hoàn thiện hơn; công tác quản lý chuyên ngành được quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn.
Các phóng viên Nguyễn Khánh (trái) và Tấn Lực tác nghiệp ở hiện trường - Ảnh: XUÂN MAI - LƯƠNG THÁI LINHTin yêu và kỳ vọng
Song cũng phải khách quan luận công và lỗi. Tuy không nhiều
nhưng đâu đó bạn đọc vẫn còn bắt gặp, có thể vì sự cẩu thả của người viết trước
áp lực tin bài phải nộp, lỗi của biên tập..., những lỗi kỹ thuật không đáng có
vẫn còn xuất hiện ngay trên tờ báo được bạn đọc đặt trọn niềm tin, sự kính
trọng và ngưỡng mộ.
Mặt trái của báo chí còn bộc lộ những bài báo chỉ
"phản ánh một phần sự thật", thiếu tính toàn diện, thiếu định hướng,
gây ngộ nhận đâu đó vẫn còn xuất hiện.
Trong vòng xoáy kinh tế, mấy năm gần đây, độc giả đã chứng
kiến sự ra đi của một số tên tuổi lớn trong làng báo in trên thế giới và trong
nước. Làm báo ngày nay không chỉ là sự phản ánh trung thực, nhanh nhạy, đa
chiều, có định hướng tích cực, tạo phong cách riêng, mà mỗi tờ báo còn gánh
nặng nỗi lo tài chính.
Làm sao có doanh thu để tự trang trải chi phí và nuôi sống
bộ máy một cách đàng hoàng? Làm sao để tiếp nối nhiệm vụ vinh quang trong bối
cảnh có nhiều thay đổi về phương thức, phương tiện và công nghệ thông tin có
những bước tiến như vũ bão? Làm sao để sống được bằng nghề báo?... tiếp tục là
những câu hỏi lớn không dễ có lời đáp trong thực tế đang đặt ra.
Nhưng sứ mạng cao cả của người làm báo với thiên chức là
phản ánh trung thực sự thật khách quan. Làm báo là dấn thân.
Tuổi Trẻ sang tuổi 45 cũng là lúc người làm báo và bạn đọc
suy ngẫm, chia sẻ và động viên với một nghề nhiều áp lực, cực nhọc, không kém
phần nguy hiểm, luôn đòi hỏi trí cao, tâm sáng, sức bền.
Quan trọng hơn là việc Tuổi Trẻ chọn cho mình hướng đi, tư
duy và cách làm để xứng đáng và xứng đáng hơn với vai trò, vị trí, uy tín và
tình cảm của một tờ báo có lượng độc giả đông đảo nhất cả nước đang tin yêu và
kỳ vọng!
Báo chí nói chung và Tuổi Trẻ nói riêng đang đứng trước
những thách thức của mạng xã hội. Chạy theo thông tin nhanh trên mạng xã hội để
chiều lòng xu hướng đám đông hay góp phần định hướng dư luận là thách thức
không dễ nhưng phải vượt qua.
Hệ thống báo chí trong
nước cũng đang được sắp xếp lại với kỳ vọng hoạt động tốt hơn. Thay cái cũ bằng
cái mới bao giờ cũng xảy ra những "xung đột" hoặc ít nhất là những
trăn trở, lăn tăn, không tránh khỏi "kẻ còn, người kết".
https://tuoitre.vn/hien-ke-cho-tuoi-tre-20200826095622768.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét