Trần Hữu Hiệp
NLĐ - 02/12/2023
07:28
Thực tế đã khẳng định gạo Việt đang tạo ra bước chuyển mới từ lượng sang chất; từ nền sản xuất lúa gạo sang kinh tế lúa gạo; từ đơn giá trị sang đa giá trị, từ đơn ngành sang đa ngành.
Ngành lúa gạo nước ta đang vượt qua dấu chân lấm bùn của kinh tế tự nhiên, kinh nghiệm nông nghiệp truyền thống để bước sang kinh tế tri thức, tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp sáng tạo toàn cầu. Lúa gạo với sự tích hợp đa ngành - tức không chỉ là trồng lúa mà có thể kết hợp nuôi thủy sản, làm du lịch, lồng ghép phát triển và ứng dụng năng lượng sạch...
Kết quả xuất khẩu
gạo 11 tháng năm 2023 tuy không đạt đỉnh cao nhất về lượng với 7,753 triệu tấn,
nhưng lập kỷ lục về kim ngạch với 4,408 tỉ USD. Đây là mức cao nhất sau 34 năm
nước ta quay trở lại thị trường xuất khẩu gạo thế giới. Gạo Việt đã vượt qua
gạo Thái, đang có giá bán cao nhất. Các thương hiệu gạo Việt cũng tiếp tục đạt
danh hiệu gạo ngon tại các cuộc thi gạo ngon nhất thế giới.
Ngành trồng lúa
đang có cách tiếp cận mới gia tăng chuỗi giá trị. Đó là sự tích hợp các nguồn
lực vật chất, từ lợi thế tự nhiên, các nguồn tài chính, khoa học - công nghệ và
nguồn lực con người. Nông nghiệp tích hợp đa giá trị vừa là yêu cầu, vừa là
cách thức phát triển để hiện thực hóa chiến lược phát triển nông nghiệp và nông
thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chuỗi giá trị lúa gạo được
đặt trong bức tranh chung đó.
Sự tiếp cận vùng,
theo chuỗi ứng dụng công nghệ, phát huy đổi mới sáng tạo và những ưu thế của
kinh tế số, kinh tế chia sẻ không xa lạ với nông dân và người tiêu dùng thời
gian gần đây, nhưng "lúa gạo digital" cần những chuỗi giá trị liên
kết chặt chẽ các tác nhân tham gia quy trình trong mối quan hệ gắn bó công
nghệ, thị trường, lợi ích.
Đề án phát triển
bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với
tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đang rất được kỳ vọng cho một giai đoạn phát triển
mới. Không gian phát triển lúa gạo trọng điểm đang được cụ thể hóa trong một
không gian vật lý cụ thể. Hơn thế, đó còn là sự tích hợp với những nguồn lực
vật chất, từ lợi thế tự nhiên, nguồn tài chính, khoa học công nghệ; đặc biệt là
nguồn lực con người trong mối liên kết các tác nhân quan trọng trong chuỗi giá
trị hàng lúa gạo gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.
Yêu cầu sắp tới
phải tiếp tục thương mại hóa ngành sản xuất lúa gạo, đặc biệt là hiện đại hóa
chuỗi giá trị hạt gạo, bao gồm đổi mới thể chế, cải tiến công nghệ, ứng dụng
ngày càng nhiều hơn các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng đến sản xuất bền vững
hơn, với môi trường, chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt hơn.
Để tiếng lành mãi vang xa, gạo Việt
đang rất cần tiếp tục nhận được sự trợ lực và sức bật mới từ các ngành công
nghiệp sáng tạo. Đó là các ngành công nghệ sinh học tạo ra giống tốt, cạnh
tranh, giảm giá thành, ít sử dụng vật tư nông nghiệp nhất. Là các ngành công
nghiệp mới sau lúa gạo có giá trị gia tăng cao như thực phẩm tiêu dùng (dầu ăn,
sữa gạo, thức uống dinh dưỡng...), vật liệu (đánh bóng kim loại), sơn (nano
chống cháy), ngành dược, mỹ phẩm, tạo ra những giá trị từ các tài sản trí tuệ
khác và thương hiệu gạo ngon, nổi tiếng, được người tiêu dùng lựa chọn và vinh
danh.
https://nld.com.vn/de-tieng-lanh-mai-vang-xa-196231201223052897.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét