HÀM LUÔNG
Đứng trước yêu cầu công nghiệp
hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập vào nền kinh tế thế giới, thành phố Cần
Thơ đã và đang tập trung mọi nguồn lực phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp
trước năm 2020.
Thành phố công nghiệp
Từ năm 2005, Bộ Chính trị đã ban
hành Nghị quyết 45 “Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trong đó xác định Cần Thơ phải phấn đấu
để trở thành đô thị loại 1 trước năm 2010 và cơ bản trở thành thành phố công
nghiệp trước năm 2020. Qua hơn 10 năm phát triển, diện mạo thành phố công nghiệp
của Cần Thơ đã dần hình thành nhưng chưa rõ nét.
Quá trình chuyển dịch cơ cấu khá
nhanh từ khu vực 2 sang khu vực 3 của thành phố Cần Thơ từ sau năm 2010, về cơ
bản cho thấy đã chuyển sang giai đoạn hoàn thiện công nghiệp hóa. Tuy nhiên, nếu
đối chiếu các chỉ tiêu về GDP/người, tỷ trọng công nghiệp chế tác, lao động phi
nông nghiệp, tỷ lệ đô thị hóa... so với bộ tiêu chí công nghiệp hóa của một số
quốc gia và địa phương thì thành phố Cần Thơ chỉ mới ở thời kỳ khởi đầu công
nghiệp hóa.
Công nghiệp dệt may đang là thế mạnh ở
ĐBSCL nhưng lại thiếu ngành CNPT vì hầu hết phải nhập khẩu Ảnh: TRẦN ANH THẮNG
Theo Viện Kinh tế - Xã hội thành
phố Cần Thơ, cơ cấu kinh tế của thành phố Cần Thơ những năm qua có sự chuyển dịch
theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và tăng dần tỷ trọng
khu vực kinh tế phi nông nghiệp. Nếu tính theo tổng sản phẩm trên địa bàn
(GRDP) thì cơ cấu kinh tế tại thời điểm năm 2015 của Cần Thơ ở 3 khu vực nông nghiệp,
công nghiệp và thương mại - dịch vụ lần lượt là 9,91%, 31,76% và 58,33%. Mặc dù
giá trị sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng mạnh
nhưng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp vẫn còn thấp là một hạn
chế lớn trong quá trình công nghiệp hóa của thành phố. Do đó, việc thu hút đầu
tư lấp đầy các khu công nghiệp là yêu cầu quan trọng để góp phần đảm bảo tốc độ
tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016-2020. Hiện nay thành phố
có 8 khu công nghiệp tập trung, trong đó có 2 khu công nghiệp đã cơ bản lấp đầy
là Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2. Từ nay đến năm 2020, thành phố tiếp tục tập trung
kêu gọi đầu tư phát triển các khu công nghiệp: Hưng Phú 1, 2, Thốt Nốt, Bắc Ô
Môn, Ô Môn.
Theo ông Nguyễn Trọng Cường, Viện
trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ, muốn phát triển doanh nghiệp
công nghiệp, thành phố cần đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu
công nghiệp và cơ chế chính sách cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp yên tâm đầu
tư. Vấn đề đặt ra không phải là giá đất mà là môi trường đầu tư, kèm theo sự
quyết tâm, cam kết của lãnh đạo thành phố.
Phát triển công nghiệp phụ trợ
Theo đánh giá của các chuyên gia,
ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT) của thành phố Cần Thơ chỉ mới ở vạch xuất
phát. Ngoài một số ngành có bước phát triển như: sản xuất linh kiện, phụ tùng,
chi tiết máy cung cấp cho ngành đóng tàu, ô tô, xe máy, nhựa - cao su, điện -
điện tử... đến nay, CNPT của Cần Thơ còn yếu, nhỏ lẻ, manh mún; sản phẩm đơn điệu,
hầu hết được nhập khẩu với giá rất rẻ. Với mục tiêu trở thành thành phố công
nghiệp trước năm 2020 nhưng nếu CNPT không có sự chuyển biến thì sản phẩm công
nghiệp công nghệ cao sẽ khó phát triển. Đây thực sự là thách thức lớn, cần được
các ngành chức năng thành phố sớm đề ra giải pháp giải quyết rốt ráo...
Theo Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu
trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, phát triển CNPT là chìa
khóa thành công cho rất nhiều nền kinh tế trên thế giới. Đây là ngành đóng vai
trò quan trọng trong việc gia tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp
chính. Đồng thời, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa theo hướng rộng và sâu.
Bài học rút ra từ sự phát triển công nghiệp tại các nước tiên tiến là phải xây
dựng một cơ cấu công nghiệp hợp lý. Cơ cấu này phải tự sản xuất các tư liệu sản
xuất cung cấp cho toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, thành phố Cần Thơ nên huy động
doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư phát triển CNPT và liên quan. Để tăng tỷ lệ sử dụng
sản phẩm nội địa, trước hết thành phố phải hình thành cho được ngành công nghiệp
điện tử, chế tạo máy móc nông nghiệp, dây chuyền chế biến nông thủy sản, thiết
bị cho ngành hóa chất và dược phẩm... với khả năng chế tạo và thiết kế cao.
Theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế
thuộc Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, mỗi địa phương ở ĐBSCL sẽ phát triển ngành CNPT dựa
trên nguồn lực và lợi thế so sánh riêng. Trong điều kiện các tỉnh ở ĐBSCL chưa
có ngành CNPT phát triển, Cần Thơ cần có chiến lược phát triển ngành CNPT với
yêu cầu là cung ứng cho toàn vùng ĐBSCL. Ngoài ra thành phố cần phát triển hệ
thống doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất CNPT. Đồng thời, tăng
cường các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNPT như:
tín dụng, hỗ trợ công nghệ kỹ thuật, xây dựng hạ tầng, tư vấn, thông tin-thương
mại… nhằm đưa CNPT là mũi đột phá để phát triển ngành công nghiệp chính của
thành phố.
- See more at:
http://www.sggp.org.vn/thongtincanuoc/DBCuuLong/2016/1/407894/#sthash.qsW3UCFZ.dpuf
Nhận xét
Đăng nhận xét