Trần Hữu Hiệp
ĐBSCL
là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, có địa bàn nông thôn rộng lớn, lực
lượng nông dân đông đảo, là vùng nguyên liệu lớn trong chuỗi cung ứng nông sản
toàn cầu. Năm 2016 mở ra cho giai đoạn 5 năm kế hoạch 2016-2020, sau ĐH Đảng
toàn quốc lần thứ XII, nước ta hướng đến mục tiêu “cơ bản trở thành nước công
nghiệp theo hướng hiện đại”. Tiếp nối kỳ tích của 30 năm đổi mới, nông nghiệp
Việt Nam đang cần “động lực mới” để chủ động hội nhập, cạnh tranh, vượt qua
thách thức. Hệ quả tích cực hay tiêu cực của hội nhập quốc tế khi nước ta chính
thức là thành viên TPP, FTA, AEC… các “sân chơi toàn cầu” không tạo ra chiến thắng
mà nó phụ thuộc vào cách chơi, sức chơi của “đội bóng” - nông nghiệp ĐBSCL hơn
là lợi thế từ các sân chơi lớn mang lại.
Thành
tựu, điểm yếu và thách thức mới
3 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp,
ĐBSCL đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo ra diện mạo mới của vùng, nhất là
những thành tựu trong sản xuất nông, thủy sản, xây dựng nông thôn mới. Nông dân
ĐBSCL ngày càng tiếp cận và ứng dụng nhanh hơn với những tiến bộ khoa học kỹ
thuật và công nghệ. Mô hình cánh đồng lớn (CĐL) đạt được thành công bước đầu rất
quan trọng trong liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, gắn sản xuất với thị trường,
nông dân, nhà khoa học với doanh nghiệp. Mô hình CĐL không chỉ giới hạn ở sản
xuất lúa mà còn được áp dụng trong các ngành sản xuất khác như: mía đường, chăn
nuôi và thủy sản. Xây dựng nông thôn mới bước đầu tạo ra diện mạo mới với 19
tiêu chí quốc gia, tạo ra không gian sống, lao động sản xuất và hưởng thụ vật
chất văn hóa, tinh thần tốt hơn cho người dân.
Tuy nhiên, vùng này cũng còn nhiều tồn tại,
yếu kém và đứng trước nhiều thách thức trong phát triển và hội nhập, cạnh
tranh. Tăng trưởng kinh tế thiếu vững chắc, tiềm năng và lợi thế của vùng chưa
được đầu tư, khai thác đúng mức, đúng tầm; kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều
rộng. Hệ thống kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng về giao thông, thủy
lợi. Giá trị sản xuất nông nghiệp thiếu tính ổn định và có nguy cơ bị thu hẹp
diện tích sản xuất do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, nước mặn xâm nhập,
môi trường ngày càng ô nhiễm.
ĐBSCL có xuất phát điểm thấp, cơ cấu
kinh tế chủ yếu dựa trên sản xuất nông nghiệp truyền thống, mức đầu tư cho vùng
còn thấp, đặc biệt là vốn đầu tư cho nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp so với tổng
đầu tư toàn xã hội. Công nghệ chế biến còn khá lạc hậu, giá thành nông sản còn
cao, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất còn thấp; tỷ lệ hao hụt, thất
thoát sau thu hoạch còn lớn. Hệ thống cơ chế, chính sách trong nông nghiệp còn
bất cập đã ảnh hưởng đến sức hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước
vào lĩnh vực này. Sự phối hợp của các bộ, ngành, Trung ương thiếu chặt chẽ
trong sự liên kết vùng, liên vùng và liên ngành.
Điểm yếu từ nội tại và thách thức trước
bối cảnh hội nhập sâu rộng đang đặt ra cho ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL yêu cầu
cấp thiết và mang tính tất yếu là phải đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, tăng cường
liên kết vùng hiệu quả và thực chất. Liên kết vùng không chỉ nhằm phát huy lợi
thế của từng địa phương trong vùng mà còn phát huy lợi thế vùng và quốc gia, tạo
ra sức mạnh cho một “đội bóng mạnh” trên “sân chơi lớn”.
Đẩy
mạnh tái cơ cấu, tăng cường liên kết vùng
Theo lộ trình cam kết, đến 31/12/2015, Cộng
đồng kinh tế ASEAN chính thức được thành lập, nhiều hiệp định thương mại, đầu
tư, kinh tế đa phương và song phương mà Việt Nam đã tham gia ký kết như Tổ chức
thương mại thế giới (WTO), Liên minh kinh tế Á – Âu, hoàn tất đàm phán Hiệp định
thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… sẽ tác động sâu sắc và toàn diện
đến nền nông nghiệp.
Bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng đang
đặt ra yêu cầu bức thiết tái cơ cấu nông nghiệp, tăng cường liên kết vùng
ĐBSCL, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành nông nghiệp. Liên kết vùng thời gian
tới phải vượt qua các thách thức và các điểm nghẽn tăng trưởng. Theo đó, cần điều
chỉnh lại quy hoạch vùng, cần có những nghiên cứu cơ bản về vùng và xây dựng cơ
sở dữ liệu khoa học vùng (tài nguyên đất, nước, rừng, biển…) để làm nền tảng
phân tiểu vùng và liên kết vùng, kết nối không gian phát triển và sản xuất, từ
kết nối sản xuất đến tiêu thụ; kết nối thị trường, doanh nghiệp.
Sự kết nối thể chế và phối hợp chính
sách mang tính “pháp định hóa”, tạo ra hiệu lực chỉ huy thống nhất cấp vùng,
mang ý nghĩa quyết định. Các địa phương trong vùng phải có sự đồng thuận về tư
duy, tầm nhìn và quy hoạch phát triển vùng và xác định rõ lợi ích của vùng là
tiền đề, điều kiện thực hiện các lợi ích của địa phương mình.
Đổi
mới tư duy “kinh doanh nông nghiệp”
Tái cơ cấu nông nghiệp là một quá trình
phức tạp, khó khăn và lâu dài, cần được thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm
để điều chỉnh phù hợp với thực tế trên cơ sở xây dựng một hệ thống giám sát,
đánh giá và tham vấn thông tin phản hồi từ các bên liên quan, nhất là trong bối
cảnh hội nhập, trước những tác động mạnh mẽ và sâu sắc từ bên ngoài. Vì vậy,
đòi hỏi không chỉ là “sự chuyển đổi lớn” của ngành nông nghiệp từ Trung ương đến
địa phương, mà cần sự tham gia mang tính quyết định của nông dân và doanh nghiệp.
Người nông dân phải ở vị trí trung tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu
nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tư duy về lợi thế cần được thể hiện
trong một chiến lược quốc gia, vùng miền để tạo ra sức cạnh tranh hơn là quanh
quẩn trong địa giới hành chính tỉnh, huyện như vừa qua. “Chiếc bánh nông sản” với
những lợi thế về điều kiện tự nhiên thuận lợi cho ngành trồng trọt, chăn nuôi,
các sản phẩm chủ lực như lúa gạo, trái cây, thủy sản của Việt Nam cần được “chế
biến” thành những “chiếc bánh” ngon hơn, bán giá cao hơn, lãi hợp lý hơn cho những
người làm ra nó. Nông sản có được phát huy lợi thế cạnh tranh hay không bằng
chính tư duy, tầm nhìn và cách làm. Chiếc bánh ngon của mình cũng có thể thành
miếng mồi ngon của thiên hạ! Mở cửa cho nước ngoài vào, chuẩn bị tâm thế và tư
thế để chủ động hội nhập cũng có nghĩa là chúng ta phải xác định rõ lộ trình đến
khi nào ta sẽ kết thúc vai trò làm thuê, làm gia công, tiến đến làm chủ? Trong
khi trình độ quản lý “tầm thấp” khó vượt lên trên sự ma mãnh thương trường của
các kiểu chuyển giá, lời thật, lỗ giả, đã không “áp” được nhà đầu tư ngoại thực
hiện các nghĩa vụ, thì doanh nghiệp nội chỉ được khuyến khích chung chung,
không thúc đẩy phát triển sáng tạo, đầu tư dài hạn, mạnh ai nấy làm, thiếu liên
kết tạo sức mạnh.
Phần lớn trong số hơn 90% doanh nghiệp
nhỏ và vừa phải lo ăn xổi ở thì, đối phó ngắn hạn hơn là chiến lược dài hạn.
Danh xưng “Vựa lúa quốc gia” dành cho ĐBSCL đã có từ lâu đời, nhưng đã đến lúc
cần nhận thức lại. Đã đến lúc không cần tự hào về mỹ từ "vựa lúa".
Hay nhìn rộng ra, người Việt chúng ta cũng không cần thiết phải tự hào là cường
quốc số 1, số 2 thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, cá tra, “vương quốc trái
cây”. Tự hào làm chi là những người làm ra thật nhiều nông sản cung ứng cho
toàn cầu mà dân ta vẫn còn nhiều khó khăn. Cần thương mại hóa ngành lúa gạo, và
sản xuất nông sản, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cư dân nông thôn để làm
giàu.
Định hướng chiến lược, giải pháp chiến
thuật cho “đội bóng” trong “sân chơi mới”
Để tái cơ cấu và phát triển bền vững nền nông nghiệp ĐBSCL, chủ động hội nhập, cạnh tranh, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, cần những “định hướng chiến lược” lẫn “giải pháp chiến thuật” cho tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL:
Để tái cơ cấu và phát triển bền vững nền nông nghiệp ĐBSCL, chủ động hội nhập, cạnh tranh, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, cần những “định hướng chiến lược” lẫn “giải pháp chiến thuật” cho tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL:
Một
là, quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng
trên cơ sở gắn với cung – cầu thị trường. Cần tạo môi trường thuận lợi để thiết
lập và tăng cường các mối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, HTX, giữa
doanh nghiệp, HTX với người dân, giữa người dân với người dân, nhằm tổ chức,
hình thành mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm chặt chẽ
hơn. Tái cấu trúc nông nghiệp ĐBSCL phải theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Quá
trình tái cơ cấu phải chú trọng đến việc cải tiến, đổi mới cơ chế, chính sách
nhằm đảm bảo tính hài hòa trong việc phân chia lợi ích giữa các khâu trong chuỗi
sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ưu tiên cho chuỗi nông sản chủ lực
lúa gạo, trái cây, tôm, cá tra.
Hai
là, trên cơ sở điều 52 – Hiến pháp 2013 về “tăng cường liên kết kinh tế
vùng”, các văn bản pháp lý của Chính phủ về liên kết vùng, cần có quy chế liên
kết vùng điều chỉnh trong một số lĩnh vực có thế mạnh, nhất là trong nông nghiệp,
thủy sản và có thể triển khai ngay vào thực tế để phát huy hiệu quả của các mô
hình liên kết đã có.
Ba
là, tập trung cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, tạo và nhân nhanh các giống
có năng suất, chất lượng và giá trị cao. Tăng cường năng lực hợp tác nghiên cứu
khoa học giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng ĐBSCL với các vùng miền khác
trong cả nước. Đưa nhanh các công nghệ mới vào tất cả các khâu: sản xuất, thu
hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Bốn là, xây dựng và
thí điểm các khu nông nghiệp công nghệ cao, các “Cluster lúa gạo, trái cây, thủy
sản” dựa vào những tiến bộ khoa học – công nghệ mới, nhất là công nghệ sinh học,
các mô hình liên kết, quản lý theo tiêu chí hiện đại dựa vào tri thức mới.
Tầm nhìn dài hạn trước bối cảnh hội nhập,
cạnh tranh cho một ĐBSCL phát triển an toàn, trù phú và bền vững trong tương
lai đòi hỏi phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp, tăng cường liên kết vùng.
Một “sân chơi lớn” từ hội nhập chỉ là cơ hội. Sức mạnh và chiến thắng chỉ đến với
một “đội bóng” mạnh. Sức mạnh của một “đội bóng” luôn được tạo ra từ mối liên kết
của một tập thể. Tái cơ cấu, liên kết hợp tác và hội nhập vừa là yêu cầu, vừa
là động lực cho giai đoạn mới đang mở ra.
Đọc thêm tại: http://nongnghiep.vn/san-bong-va-doi-bong-post154057.html |
NongNghiep.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét