Mật độ dày đặc
Dọc theo tuyến sông
Hậu từ TP Cần Thơ xuống Hậu Giang ra đến cửa biển giữa hai tỉnh Sóc Trăng và
Trà Vinh, đã và đang hình thành khoảng 14 nhà máy nhiệt điện than. Tuy nhiên,
theo kế hoạch từ nay đến năm 2020 và tiếp sau, ĐBSCL sẽ được đầu tư, hình
thành sáu trung tâm nhiệt điện than tại Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên
Giang, Tiền Giang, Long An, trong đó, hầu hết các trung tâm đều gần các cửa
sông. Theo tính toán của các chuyên gia, để sản xuất ra 1 MWH điện cần dùng
khoảng 4.163 lít nước, vậy mỗi trung tâm nhiệt điện than sẽ cần khoảng 4,5
triệu m3 nước/ngày đêm làm mát, trong khi, vấn đề nguồn nước cung cấp cho sản
xuất và sinh hoạt hiện đang ngày càng trở nên bức thiết đối với ĐBSCL.
Với quy mô phát triển
công nghiệp năng lượng như vậy, từ nay đến năm 2030, vùng ĐBSCL sẽ trở thành
một trong những khu vực có mật độ nhiệt điện cao so với cả nước (23 nhà máy
các loại, không kể các nhà máy nhiệt điện đã có)! Đặc biệt, đoạn từ Cần Thơ
đến Trà Vinh, chỉ khoảng 80 km đường sông, sẽ trở thành đoạn sông tấp nập
những tàu vận tải chuyển tiếp than đá cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện
đang được triển khai ở đây. Trong khi theo cảnh báo của các chuyên gia, thì
tất cả nhà máy nhiệt điện đốt than đều có những lò hơi phát sinh rất lớn
lượng khói tro xỉ, tro bụi, các khí độc hại như SO2, NOx, CO và các
hydrocacbon bay hơi. Hàm lượng tro xỉ thường chiếm từ 5 đến 40% khối lượng
đốt than. Tro bụi trong khói đốt than, đặc biệt trong các nhà máy nhiệt điện
than, có chứa rất nhiều chất hạt bụi (Particulate matter, viết tắt là PM) lơ
lửng trong không khí. Nếu các hạt PM10 tích tụ vào phổi người do hít phải, sẽ
gây hệ lụy xấu cho sức khỏe... Ngoài ra, khí thải dạng SOx, NOx… từ quá trình
vận hành nhà máy nhiệt điện khi phát tán vào không khí sẽ bị oxy hóa. Trong
trường hợp có độ ẩm cao, sương mù và mưa rơi, sẽ tạo nên hiện tượng mưa axit
xuống đồng ruộng, ao hồ gây ảnh hưởng xấu đến cây trồng, các loài thủy sản,
các hệ sinh thái, cũng như làm ăn mòn vật liệu kim loại và các công trình xây
dựng... Vào mùa mưa, gió mùa Tây Nam sẽ đưa các đám khói bụi từ khu vực nhà
máy nhiệt điện ở Cần Thơ, Hậu Giang đến các vùng ven biển Trà Vinh, Bến Tre,
Tiền Giang. Ngược lại, khi có gió chướng, gió mùa Đông Bắc thì các khối không
khí mang khói bụi từ các nhà máy nhiệt điện ở Trà Vinh, Sóc Trăng sẽ đưa sâu
vào đất liền… Tại hội thảo “Sự tham gia của cộng đồng trong đánh giá tác động
môi trường- từ chính sách đến thực tiễn” tổ chức tại TP Cần Thơ mới đây, PGS,
TS Lê Anh Tuấn, Trường ĐH Cần Thơ cho biết: Qua tìm hiểu hai dự án (Nhà máy
nhiệt điện 1 và 3 thuộc cụm nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải) cho thấy, đến nay
hai dự án này vẫn không có báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (SEA);
không có báo cáo đánh giá môi trường tích lũy (CIA), không có báo cáo kế
hoạch quản lý môi trường (EPM)...
Điều này khiến cho dư
luận không khỏi lo ngại trước tác động tiêu cực của nhiệt điện than đến môi
trường sản xuất nông nghiệp, thủy sản, sinh kế và sinh hoạt của người dân ở
nơi vựa lúa của đất nước.
Lựa chọn khó khăn
Theo quy hoạch ngành
than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 60/2012/QĐ-TTg, thì nhu cầu than trong
nước thời gian tới sẽ tăng cao (riêng ngành điện tăng khoảng 6 triệu tấn vào
năm 2015). Từ năm 2016 trở đi, nước ta phải nhập khẩu vài triệu tấn, đến năm
2020 sẽ nhập khoảng 20-30 triệu tấn. Trong khi đó, ĐBSCL ngoài cảng than dùng
cho Trung tâm điện lực Duyên Hải (Trà Vinh) đang xây dựng, thì vẫn chưa có
một cảng nước sâu nào bảo đảm cho tàu lớn nhập than trực tiếp nên phương án
được các nhà đầu tư tính tới là trung chuyển than bằng tàu nhỏ hoặc sà-lan.
Việc nghiên cứu xây dựng cảng nước sâu hoặc cảng trung chuyển than, cũng như
những bảo đảm chắc chắn, ổn định về nguồn cung nhiên liệu từ các cường quốc
than như Ô-xtrây-li-a, In-đô-nê-xi-a và Nga cần được làm rõ hơn trước khi các
nhà máy này được vận hành. Tuy nhiên, đáng lo ngại là,với số lượng dự án
nhiệt điện than ngày càng nhiều như vậy, chúng ta lại vẫn chưa có một đánh
giá tổng thể và chuyên sâu nào về nguồn cung than của thế giới cho Việt Nam,
số lượng, chất lượng, được trong bao lâu...
Tuy nhiên, theo ông
Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Năng lượng (Viện Năng lượng, Bộ Công
thương), thì “chúng ta phải phát triển nhiệt điện than bởi không có cách nào
khác”. Ông Cường cho rằng, sau khi xem xét các vấn đề có liên quan, suất đầu
tư và cả dự báo giá than nhập khẩu thời gian tới, cùng với những nỗ lực phát
triển năng lượng sạch, thì nhiệt điện than vẫn cần phải ưu tiên trong tổng sơ
đồ nguồn điện của Việt Nam...
Giải bài toán thiếu
điện và bảo đảm môi trường, đời sống người dân khu vực là việc làm khó khăn.
Nhưng nguy cơ ô nhiễm môi trường của nhà máy điện than với ĐBSCL là rất lớn,
từ việc nhập than đến xử lý tro xỉ, từ khói bụi đến nguồn nước làm mát mà một
trung tâm điện lực sử dụng hàng triệu khối một ngày rồi thải ra môi trường...
Vấn đề đặt ra, không chỉ là việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy điện than,
mà bài toán quan trọng hơn cần phải giải quyết ở đây là nên lựa chọn đặt nhà
máy nhiệt điện than ở đâu để giảm thiểu tác động tiêu cực đến cộng đồng; kiểm
soát chất lượng, lựa chọn công nghệ phù hợp… để vừa bảo đảm mục tiêu phát
triển kinh tế vừa không gây hại đến môi trường, đời sống người dân.
Là vựa lúa và thủy sản
của đất nước, mọi ứng xử với ĐBSCL cần được tính toán, cân nhắc nghiêm túc và
cẩn trọng, bởi nếu xảy ra sự cố thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Hệ sinh thái
sông - biển vùng ĐBSCL đang hết sức nhạy cảm với những biến động tự nhiên và
nhân tạo, chính vì vậy, những nỗ lực hiện thực hóa mong muốn công nghiệp hóa
một vùng sản xuất nông, ngư nghiệp lớn nhất, chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh
lương thực bền vững cho cả nước cần được xem xét, đánh giá, nghiên cứu kỹ
lưỡng trước khi triển khai.
|
Nhận xét
Đăng nhận xét